Cứu người trước, viện phí tính sau

THÙY DƯƠNG - TIẾN LONG - LAN ANH |

Trước những ca bệnh hiểm nghèo nhưng người bệnh không thể trả viện phí, nhiều bác sĩ (BS) đã quyết định không tiền vẫn mổ để cứu người.

Còn việc bảo lãnh hoặc đi xin tiền bạn bè, người quen giúp bệnh nhân nghèo trả viện phí thì tính sau. Đó là chuyện thường diễn ra tại các bệnh viện ở TP.HCM, Hà Nội.

“Nhiệm vụ quan trọng nhất của người thầy thuốc là tập trung để cứu người. Nhưng cần hơn cả tấm lòng của từng con người.

Cho nên chúng tôi vẫn cùng cộng đồng sẻ chia với những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn

BS Võ Đức Chiến

Trốn viện vì không có tiền đóng viện phí

Gần bốn tháng trôi qua nhưng nhiều BS ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Q.5) vẫn nhớ câu chuyện chị Trần Thị Ngọc Quý (Q.8) bỏ trốn viện do không có tiền đóng viện phí.

Lúc đó chị Quý mang thai tháng thứ 8, thấy người mệt nên đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khám.

Đang khám bệnh bỗng nhiên chị ngất xỉu. Bệnh viện quyết định mổ ngay để cứu cả mẹ lẫn con.

BS Võ Đức Chiến - giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - cho biết lúc nhập viện nghe người nhà nói chị Quý không có tiền mổ, bệnh viện liền gọi một số mạnh thường quân giúp đỡ.

Nhưng chưa kịp thông báo thì bệnh nhân trốn viện. Bệnh viện phải cử người tức tốc đến tận nhà gọi chị Quý cùng cháu bé tái khám, lấy thuốc miễn phí.

Chị Quý òa khóc và yên tâm đưa con đến bệnh viện. Mùng 2 tết, chị Quý trở bệnh phải nhập viện, chi phí nằm viện trong 10 ngày cũng được miễn phí.

Căn nhà trọ lụp xụp của gia đình chị Ngọc Quý nằm trên đường Nguyễn Duy (P.9, Q.8). Cả gia đình sáu người chật vật trong căn trọ chưa đầy 4m2. Nhà thấp, mái lợp tôn nóng hừng hực.

Chị Quý người đen ốm, mệt mỏi nằm ở một góc phòng. Bà Nở - mẹ chị Quý - nói bà có đến phường xin mua bảo hiểm y tế cho con.

Phường yêu cầu mua cả nhà, không có tiền nên bà không mua. Con đổ bệnh bà phải xoay xở, vay mượn hết xóm làng cũng chỉ đủ đóng tiền tạm ứng viện phí. Chị Quý vừa tỉnh, trong túi bà không còn đồng nào.

Xót con nhưng bà đành bất lực đưa con trốn viện, chấp nhận số phận “tới đâu hay tới đó”. “Nghe BS nói có người cho tiền trả viện phí mà mừng chảy nước mắt” - bà Nở gạt nước mắt.

Theo BS Võ Đức Chiến, bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân khó khăn không có được thẻ bảo hiểm cho người nghèo.

Nghe bệnh nhân kể mới biết họ phải sống nay đây mai đó, không có hộ khẩu để đăng ký bảo hiểm. Khi tới điều trị, những bệnh nhân này chỉ có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của bệnh viện.

Trường hợp của anh Phan Thanh Hà là một ví dụ. Anh Hà ở quê lên Sài Gòn mưu sinh bằng nghề xe ôm. Không may anh bị tai nạn giao thông, người dân đưa anh đến cấp cứu tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Khi nhập viện anh chỉ có vài trăm ngàn đồng trong túi. Các BS chỉ định anh cần phẫu thuật sọ não gấp.

Khi nghe báo cáo có trường hợp như vậy, ban giám đốc bệnh viện lập tức chỉ đạo phải cứu chữa anh Hà bằng mọi giá.

Ban giám đốc còn gặp một mạnh thường quân của Hội chữ thập đỏ là chủ khách sạn trình bày về hoàn cảnh anh Hà để có được tài trợ toàn bộ viện phí cho anh Hà.

Hoặc trường hợp chị Võ Thị V. ngụ ở huyện Bình Chánh cũng vậy. Chị nhập viện ngày 15-2, đang điều trị tại bệnh viện do gãy cổ xương đùi, phải phẫu thuật.

Biết bệnh nhân khó khăn, các nhân viên trong bệnh viện cùng các cơ quan báo chí đưa hoàn cảnh lên truyền thông, mong nhận được sự giúp đỡ.

Ngày 24-2, bệnh viện nhận sự hỗ trợ của nhóm ACE (Anh Chị Em) với số tiền 50 triệu đồng để chi trả viện phí cho người bệnh.

Cả nhà chị Trần Thị Ngọc Quý trong căn phòng trọ chưa đầy 4m2 - Ảnh: Tiến Long
Cả nhà chị Trần Thị Ngọc Quý trong căn phòng trọ chưa đầy 4m2 - Ảnh: Tiến Long

“Bảo lãnh cấp cứu”

Sáng 27 tết (5-2-2016), chị Nguyễn Thị Hoa, 33 tuổi, được chồng là Nguyễn Văn Thưởng, 40 tuổi, đưa ra viện sau hơn hai tháng điều trị tại Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Bị phình động mạch chủ thể nặng, chị từng chữa trị chi phí lên tới 400 triệu đồng năm 2012, nhưng từ đó đến trước khi vào viện lần này, mỗi năm chị Hoa phải ở bệnh viện 5-7 tháng vì những biến chứng.

Lần này chị ho ra máu, soi thấy máu vào phổi, vào dạ dày và thực quản, sốt cao vì phần động mạch bị phình đã biến thành một ổ viêm lớn sưng tấy, các bác sĩ quyết định phải mổ mới có cơ may cứu sống bệnh nhân.

Nhưng ca mổ năm xưa chi phí quá lớn với một gia đình nông dân, nếu lần này chị phải mổ, gia đình chạy ngược chạy xuôi cũng không đủ, chồng chị quyết định xin cho vợ về để điều trị bằng thuốc, may nhờ rủi chịu.

“Hôm ấy chồng bệnh nhân ngồi đây tâm sự với tôi rằng nếu chạy vạy hết khả năng, gia đình chỉ lo được 100 triệu đồng, tôi biết chắc số tiền ấy không đủ cho ca mổ.

Nhưng đây là một mạng người, chị ấy vẫn còn trẻ, nếu được cứu sống thì đó là cơ hội cho các con chị ấy được sống cùng mẹ, cháu bé con út chị ấy đúng 10 tuổi bằng con trai tôi.

Thế là chúng tôi quyết định: không đủ tiền cũng mổ. Lúc ấy tôi đã nghĩ đến đi xin bạn bè, mà còn thiếu nữa thì xin bệnh viện miễn giảm.

Ca mổ kéo dài sáu giờ. Ca bệnh của chị Hoa là sự phối hợp của cả ba chuyên khoa tim mạch, tiêu hóa và hô hấp” - bác sĩ Dương Đức Hùng, phẫu thuật viên thực hiện ca mổ cho bệnh nhân Hoa, cho hay.

Lúc ấy các bác sĩ cho rằng bảo hiểm y tế sẽ không thanh toán tối đa cho ca mổ này nên quyết định “không tiền cũng mổ” của họ xem như đơn bảo lãnh cho chị Hoa.

Hơn một tháng rưỡi sau ca mổ (ca phẫu thuật thực hiện ngày 15-12-2015), chị Hoa đã nói và ăn trở lại bằng đường miệng.

Mái tóc cắt ngắn và giọng nói còn run, chị tâm sự trước kia mình không bao giờ đau ốm, rồi đột ngột một ngày của năm 2012, chị thấy một cơn đau thắt xuyên qua lưng, đau đến muốn ngất đi.

Vào viện, các bác sĩ chẩn đoán chị bị phình động mạch chủ, đoạn phình rất lớn và phải can thiệp mới có thể tạm cứu sống.

Cả nhà chị chạy vạy khoản tiền khoảng 200 triệu đồng, chưa kể khoản bảo hiểm thanh toán cũng tương đương như vậy để chị được sống về với gia đình.

“Nhưng từ sau lần ấy thì tôi đi viện suốt, và lần gần nhất thì trước khi đến viện, tôi thường ho ra máu. Hai vợ chồng nông dân mà mỗi năm đi viện 5-7 tháng nên chúng tôi kiệt quệ.

Lần này sống được và về với con là công các bác sĩ. Hôm kia con út gọi lên khóc, nói con nhớ mẹ. Tôi có nói với cháu mấy ngày nữa là mẹ được về với con” - chị Hoa rơm rớm nước mắt tâm sự.

Ca mổ lần này của chị Hoa có tổng chi phí 539 triệu đồng.

Ngoài bàn tay vàng của các bác sĩ và sự sẵn sàng của họ trước giây phút sinh tử của chị là sự hỗ trợ của bảo hiểm y tế: bảo hiểm chi trả hầu hết chi phí điều trị toàn bộ ca bệnh của chị, anh Thưởng chồng chị chỉ phải chi trả viện phí 38 triệu đồng.

Trước khi chị Hoa ra viện, khoa C8 Viện Tim mạch quốc gia đã trích quỹ đời sống của khoa trao cho vợ chồng chị 5 triệu đồng để vợ chồng chị lo cho các cháu một cái tết tươm tất.

Hôm nay chị Hoa nói được dù còn run là nhờ công sức hơn hai tháng của một tập thể gần 80 thầy thuốc, y tá, phẫu thuật viên trong khoa, chưa kể sự hỗ trợ của các bác sĩ hô hấp và tiêu hóa trong Bệnh viện Bạch Mai.

Dù giọng nói còn run, chị Hoa vẫn hứa sẽ gửi cho các bác sĩ một túi khoai ngứa, nghe đến đây ai cũng bật cười. Họ nghĩ rằng người Việt vốn tự trào ai đó nói nhiều là vì ăn khoai ngứa đây mà.

Nhưng chị Hoa nhẹ nhàng giải thích đó là loại khoai ăn rất ngon và không hề ngứa, có nhiều ở vườn nhà ở Giao Thủy, Nam Định.

Tìm mọi cách để giúp bệnh nhân

Bệnh viện Chợ Rẫy cũng vừa kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ chi phí điều trị cho cháu Nguyễn Trọng Phúc (13 tuổi, ở Bình Dương) mắc bệnh rất hiếm gặp.

Trước khi nhập viện, cháu bị tai nạn giao thông, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bình Dương 13 ngày.

Về nhà được bốn ngày thì cháu đột ngột chảy máu mũi kèm theo nôn ra máu đỏ tươi nên được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

Các BS chẩn đoán cháu bị tổn thương một mạch máu xuất phát từ một động mạch não, phải mổ để bít mạch máu bị tổn thương.

PGS.TS Trần Minh Trường, phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, kể lại khoảng hai tuần trước, PGS Trường thấy một BS trẻ nói chuyện với người khác về một bệnh nhân rất đáng thương, gia đình khó khăn.

BS Trường hỏi thì biết cháu bé đang nằm điều trị tại khoa tai mũi họng của bệnh viện.

Ngay sau đó, PGS Trường nhận được báo cáo của khoa về trường hợp của cháu Phúc. Khi gặp, ba của cháu Phúc nói ông biết con ông mắc bệnh rất nặng, gia đình lại rất khó khăn.

Ông mong bệnh viện giúp, nếu không được thì ông phải đưa con về. BS Trường chỉ đạo cho các BS ở khoa tập trung điều trị cho cháu Phúc, viện phí sẽ được phòng y xã hội của bệnh viện liên hệ với các mạnh thường quân để tìm nguồn tài trợ.

Theo PGS Trường, đây chỉ là một trong rất nhiều bệnh nhân khó khăn được bệnh viện hỗ trợ điều trị.

Ở nhiều bệnh viện khác, chuyện BS đi vận động tiền giúp bệnh nhân cũng thường diễn ra.

Theo BS Trần Văn Khanh - giám đốc Bệnh viện Q.2, trong chuyến đi khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo ở Đắk Nông trước tết 2015, khi cả đoàn đang khám có một phụ nữ trẻ nước mắt lưng tròng đến hỏi về việc chồng bị phỏng xăng nằm ở nhà, không đi lại được, nhờ BS xem giúp.

Đoàn liền cử BS vào tận nhà thăm khám.

Về đến thành phố, BS Khanh liền cho họp toàn bệnh viện kêu gọi đóng góp được gần 40 triệu để đưa bệnh nhân là anh Phùng Thanh Liêm (29 tuổi) điều trị.

Qua hội chẩn, BS của Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định phẫu thuật cho anh Liêm trong bốn đợt, nhưng số tiền vận động chỉ đủ mổ đợt 1.

Cảm thương cho hoàn cảnh của người bệnh, BS Khanh đồng ý cho mổ rồi vận động mạnh thường quân đóng góp tiếp. BS Khanh còn tìm gặp báo Tuổi Trẻ nhờ giúp đỡ.

Bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp được khoảng 140 triệu đồng, đủ mổ cho ba đợt sau, ít tiền dư thì bệnh viện gửi lại cho gia đình anh Liêm.

Ngày bình phục, vợ chồng anh Liêm xin ở lại bệnh viện làm vệ sinh không công nhưng bệnh viện không muốn. “Mấy bữa nay nghe tin anh Liêm đi được xe đạp mà ai cũng mừng” - BS Khanh nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại