Xúc động trước bức tranh trẻ khiếm thị vẽ về biển đảo
Sáng nay (10/7), ông Lê Tôn Thực (SN 1956, thôn Lai Tảo, xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã đến tòa soạn Báo điện tử Trí Thức Trẻ để nhận bức tranh trẻ khiếm thị vẽ về biển đảo.
Ông chia sẻ, ngay khi biết đến chương trình bán đấu giá tranh của trẻ khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) vẽ về chủ đề “Trường Sa, Hoàng Sa trong mắt em” do báo tổ chức để tạo quỹ ủng hộ biển đảo, ông và gia đình đã quyết định mua một bức tranh với tổng số tiền 5.700.000 đồng.
“Đây là bức tranh có ý nghĩa rất lớn và gây xúc động mạnh với tôi, bởi nó được vẽ nên không chỉ bằng công sức mà còn bằng sự nhạy cảm, tình yêu của trẻ khiếm thị với biển đảo. Ngoài việc mua đấu giá tranh, tôi sẽ theo đoàn của báo điện tử Trí Thức Trẻ và các nhà thiện nguyện khác đi ra Lý Sơn (Quảng Ngãi) để được gặp mặt, bắt tay động viên các chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư viên cũng như các ngư dân đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, ông Thực nói.
Ông Lê Tôn Thực và bức tranh ý nghĩa mua được trong chương trình bán đấu giá (Ảnh: Thành Đạt)
Là một cựu chiến binh từng công tác ở đơn vị đặc công 407, quân khu 5 (Cam Ranh - Khánh Hòa), ông Thực rất bức xúc trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Khi biết Báo điện tử Trí Thức Trẻ có chuyến công tác ra Lý Sơn ngày 10/7 để trao số tiền hơn 100 triệu đồng tiền quyên góp qua nhiều hoạt động thiện nguyện, ông Thực đã ngay lập tức đăng ký cùng đi.
Ông bảo, đây là lần đầu tiên mình ra đảo, cảm giác vừa vui, vừa tự hào lại vừa cảm động, hồi hộp. Hàng ngày, hàng giờ theo dõi những thông tin về biển đảo, ông thấu hiểu những khó khăn mà các chiến sĩ cảnh sát biến và kiểm ngư, ngư dân đang phải trải qua. Lần này, được đi ra Lý Sơn, được gặp, nói chuyện với chính những chiến sĩ, ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm va, đó là cơ hội quý giá để người cựu binh như ông thể hiện tình cảm của mình. Không giấu được niềm vui, ông cho biết mong muốn được ôm một cái thật chặt những chiến sĩ ngày đêm vất vả bảo vệ biển đảo và bảo vệ ngư dân đánh cá ở ngư trường Hoàng Sa. Đó là cái ôm của tình quân dân, của sự chia sẻ, ủng hộ và nhắn gửi các chiến sĩ hãy vững tin với nhiệm vụ cao cả của mình, nhân dân cả nước sẽ luôn ủng hộ.
Cựu đặc công Lê Tôn Thực mua đấu giá tranh ủng hộ biển đảo. Video - Đình Mạnh
Rất nhiều người thân của ông ở xã Bột Xuyên (Mỹ Đức, Hà Nội) muốn đi cùng ra Lý Sơn với Báo điện tử Trí Thức Trẻ, tuy nhiên do có nhiều khó khăn nên chỉ mình ông Thực đại diện.
Biết ông có chuyến đi ý nghĩa, vợ ông đã chu đáo chuẩn bị nào thuốc men, đồ đạc cho chồng. Những người không đi được thì gửi lời hỏi thăm, động viên đến những chiến sĩ cảnh sát biển và kiểm ngư, ngư dân vẫn ngày đêm bám biến, bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng.
Nhà báo Nguyễn Thắng, Phó tổng thư ký Báo điện tử Trí Thức Trẻ, trao bức tranh được đấu giá thành công cho ông Thực. (Ảnh: Thành Đạt)
17 năm làm từ thiện
Chỉ là một lão nông ngày ngày gắn bó với đồng ruộng nhưng hễ dư giả tiền, hễ nghe đến những hoàn cảnh khó khăn, đến những em bé bị chất độc da cam, đến những người dân nơi lũ lụt… là ông Thực lại bàn tính với gia đình đến quyên góp, giúp đỡ.
Đây không phải lần đầu ông Thực trực tiếp đến tòa soạn Báo điện tử Trí Thức Trẻ để trao tiền ủng hộ mà trước đó, ông cũng đã cùng 2 người bạn của mình đến tòa soạn trao số tiền 5 triệu đồng ủng hộ các chiến sĩ, ngư dân ngoài hải đảo. Ông chỉ tâm niệm, “lá lành đùm là rách”, làm được việc thiện giúp đỡ người khác là ông thấy mình thanh thản. Từ lời nói chân thật đến lối ăn vận giản dị, những hành động cao cả khiến người đối diện không thể không cảm phục một tấm lòng thiện nguyện lớn ở ông.
Nhà thiện nguyện Lê Tôn Thực.
Tính đến nay, ông Lê Tôn Thực đã có 17 năm làm từ thiện. Ông kể, từ năm 1997, kinh tế gia đình khấm khá, hễ thôn, xã phát động quyên góp giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn là ông lại tham gia.
Cách đây 6 năm, khi Quảng Trị phải trải qua một trận lụt lớn, ông đã cùng cả gia đình góp tiền, góp gạo mang vào tận nơi. Tổng số tiền ủng hộ mà ông quyên góp được cho chuyến đi đó là hơn 500 triệu đồng. Bây giờ, ông cũng không nhớ chính xác mình đã làm từ thiện bao nhiêu lần, giúp đỡ bao nhiêu hoàn cảnh, chỉ áng chừng rằng năm nào ông cũng giúp đỡ hơn 20 trường hợp. Với những việc cao cả đã làm, mới đây, lãnh đạo xã Bột Xuyên đã đề nghị ông về Hội Chữ thập đỏ huyện Mỹ Đức tham gia công tác thiện nguyện.
Ký ức bị giặc giương súng bắn cách 7m
Nhập ngũ vào tháng 10/1972, ông Lê Tôn Thực tham gia nhiệm vụ ở đơn vị đặc công 407, quân khu 5 (Cam Ranh – Khánh Hòa). Nhớ về những năm đó, ký ức không bao giờ quên với người cựu binh là lần giáp mặt tên trung tá ngụy vào cuối năm 1975. Ông kể: “Trong một lần đi bắt tên trung tá ngụy tên Nhàn và 20 tên lính giặc ở một quả đồi thuộc xã Cam Nghĩa – Khánh Hòa, chúng chạy tán loạn. Tôi cầm súng chạy bộ 3km đuổi từ quả đồi này sang quả đồi khác để áp sát. Sau đó, gã trung tá tên Nhàn dùng súng giương lên định bắn tôi ở vị trí cách 7m. Khi tên này bóp cò thì súng không nổ, hắn liền vứt súng tháo chạy. Tôi tiếp tục đuổi theo, bắn đạn qua sườn tên này rồi bắt hắn đưa về đồn công an số 8 ở Cam Nghĩa".