Cuốn nhật kí đặc biệt dự báo ngày về của ông Nguyễn Thanh Chấn

Nguyễn Huệ |

(Soha.vn) - "Đã đủ 10 lần đưa đi lại (chuyển trại giam - PV) từ khi xa quê hương. Một lần đưa nữa là bố về nhà đó. Con cảm nhận là vậy", con gái ông Chấn viết năm 2005.

 Toàn cảnh vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị xử oan ÁN OAN 10 NĂM

Hỏi thăm sức khỏe vợ chồng ông Chấn, người chịu án oan suốt 10 năm mà các phương tiện thông tin đại chúng đã nhắc tới trong thời gian qua, chúng tôi được biết, tình cờ một lần tìm lại các giấy tờ cũ, ông Nguyễn Thanh Chấn đã tìm thấy cuốn nhật kí mà Nguyễn Thị Quyền (SN 1984, con gái thứ hai hiện đang lao động ở nước ngoài) viết năm 2005.

Từng câu chữ trong nhật kí ấy đều khiến trái tim của vợ chồng ông như nghẹn lại.

Bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) nghẹn lời, mặc dù tiếng nói vẫn chưa được tròn nhưng vẫn cố gắng thuật lại cho chúng tôi nghe nội dung cuốn nhật kí: “Cái Quyền nó viết là chắc chắn bố sẽ được giải oan và đúng là có ngày ông Chấn đã được minh oan”. Nói rồi, bà Chiến lại nghẹn ngào khi nghĩ về cô con gái đang lao động nơi xứ người. Quyền đã từng thề: “Nếu bố không được ra tù, con nguyện đi làm ôsin suốt đời để kiếm tiền chăm nuôi bố”.

Và ngày ông Chấn được về đoàn tụ với gia đình, Quyền cũng chỉ biết chạy ra biển và hét thật lớn trong niềm vui khôn tả. Khoảng cách địa lý không cho phép cô trở về ngay trong vòng tay của người bố mà 10 năm phải sống cảnh tù tội.

Những dòng thương nhớ bố Chấn được Quyền viết trong cuốn nhật kí của mình

Những dòng thương nhớ bố Chấn được Quyền viết trong cuốn nhật kí của mình.

Trong cuốn nhật kí ấy, với tất cả tình cảm của người con gái, Quyền đã nêu rõ lý do vì sao mình “bầu bạn” với cuốn sổ này: “Vậy là bố đã xa nhà, xa gia đình, xa quê hương, xa chúng con bao nhiêu giờ bố biết không? 1 năm 10 tháng rồi bố ạ. Thế mà con cảm thấy dài đằng đẵng như mấy năm rồi ấy.

Bố ạ, bố biết vì sao con có cuốn sổ này không? Vì con buồn quá, đau khổ không biết tâm sự với ai, than thở cùng ai. Nên con cần có nó để ngày ngày con được nói chuyện về bố của con”.

Trong những lời tâm sự thốt ra từ trái tim của một người con gái hiếu thảo, Quyền “khóc” cho số phận của mình: “Bố ơi, con là một đứa con gái sống khổ nhất trong tuổi đời của con cháu. Học chưa hết cấp hai đã xa gia đình đi làm ăn, không được gần bên bố mẹ. Tuổi đời mới 15, 16, đằng đẵng 3 – 4 năm trời, đến khi có được điều kiện chuyển việc về quê hương thì bố lại xa con. Ngay lúc này đây con thương yêu, nhớ bố vô cùng”.

Trong niềm tin sắt đá của mình, Quyền đã viết: “Bố ơi, con tin bố, không bao giờ bố làm được chuyện đó. Con tin đó là trực giác của con cảm thấy…”. Và niềm tin ấy của Quyền đã được trả lời sau 8 năm từ ngày viết những dòng đó.

Đọc lại những dòng nhật kí Quyền viết năm nào mới hiểu hết tâm tư của cô gái đã nguyện “làm ô sin suốt đời để lấy tiền chăm nuôi bố” nếu bố không được minh oan. Chẳng thế mà, ông Chấn cũng không muốn đọc lại những dòng viết ấy, bởi ông sợ, mỗi lần đọc lại, nước mắt ông lại rơi.

“Bố ạ, mới cầm được lá thư của bố mà con đã tái tê cả người. Nhìn hàng nét chữ bố viết mà con gái không sao cầm nổi nước mắt. Những lúc này đây thực sự con chỉ muốn biết bay để được đến bên bố, được nhìn thấy bố. Nỗi nhớ, nỗi thương bố trong lòng không nguôi, lại thức dậy trong lòng con vô cùng ác liệt. Chỉ sợ mẹ và các em tỉnh giấc mà con cố câm nín lại không ra sân khóc. Cuối cùng con cũng phải bỏ cuộc chạy ra sân òa khóc thật to... Mặc dầu không cầm nổi hai hàng nước mắt con vẫn từ từ đọc chậm chạp những hàng nét chữ mà bố đã viết gửi về…”, đọc lại những câu Quyền viết, bản thân mỗi người đều cảm nhận như vẫn đâu đó, nguyên vẹn cảm xúc của một người con khi đọc lại bức thư của người bố đang chịu án tù chung thân. Bức thư được gửi về từ trại giam.

Ghi lại “lịch trình” từ khi chị Nguyễn Thị Hoan bị giết cho tới lúc ông Nguyễn Thanh Chấn bị chuyển về trại giam Vĩnh Quang, Quyền như đã “dự đoán” trước được bố mình sẽ có ngày trở về. Trong đó có câu kết luận: “Đã đủ 10 lần đưa đi lại từ khi rời xa quê hương. Một lần đưa nữa là bố về nhà đó. Con cảm nhận là vậy. Tâm linh của con cảm nhận bao giờ cũng thành sự thật. Bố cứ chờ đấy mà xem…”.

“Sự cảm nhận” được viết trong cuốn nhật kí trước khi Quyền đi xuất khẩu lao động nay đã thành hiện thực. Lần đưa đi tiếp theo chính là lần đưa ông Chấn trở về với gia đình trong niềm vui đoàn viên.

Và, ai trong gia đình ấy cũng đều rất mong ngóng ngày Quyền trở về với gia đình, để không chỉ là những sự trao đổi qua điện thoại hay những hình ảnh nhìn thấy nhau qua các phương tiện thông tin đại chúng…

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại