Không ai ở tổ dân phố 14, phường Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội hay khu chung cư nơi anh Nguyễn Tuấn Nghĩa và chị Lê Thị Mùi sinh sống có thể nắm được lịch sinh hoạt của gia đình có 4 người đều… trọc đầu ấy. Thậm chí, số người bước vào phòng của anh Nghĩa cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không ai muốn bước vào căn phòng chật chội và chứa đủ thứ phế thải vì gia chủ mốn "được gần gũi thiên nhiên".
Ông Phạm Văn Sự, tổ trưởng tổ dân phố 14 cho chúng tôi hay, chính sự bừa bộn trong căn phòng anh Nghĩa sinh sống khiến những phòng đối diện hay xung quanh đó đều không muốn mở cửa.
Trong nhà anh Nghĩa với đủ thứ phế thải được anh nhặt về và chất trong nhà. Bên cạnh đó có cả cây xanh.
Mỗi khi nhắc về 4 công dân đặc biệt đang sinh sống ở tổ của mình, ông Sự đều thở dài. Nguyễn Tuấn Nghĩa là con cả trong gia đình có 3 anh em. Năm Nghĩa lên 11 tuổi thì bị ngã và ảnh hưởng tới não. Lớn lên, Nghĩa thường ra sông Hồng tập thể dục và tắm. Chính ở nơi đó, Nghĩa gặp chị Mùi khi đó đã có chồng và 3 con.
Hai số phận ấy đã tìm thấy tiếng nói đồng cảm. Chị Mùi về sống cùng Nghĩa trong căn nhà ở phố Hàng Ngang. Sau đó, bố mẹ Nghĩa bán căn nhà ở đó rồi chuyển về khu đô thị Văn Quán sinh sống. Họ cho vợ chồng Nghĩa và Mùi trải nghiệm cuộc sống riêng.
Ông Sự cũng trải lòng về những nỗi khổ, những khó khăn của một người “thổi tù và hàng tổng” khi tổ có gia đình đặc biệt của Nghĩa. Bản thân ông cũng nhiều lần làm công tác dân vận với Nghĩa nhưng kết quả vẫn chỉ dừng lại ở chính điểm xuất phát của nó.
“Nghĩa mang về nhà rất nhiều thứ rác rưởi giữa một khu chung cư khang trang. Chúng tôi nhiều lần vào vận động nói là bỏ hết đi, tránh hỏa hoạn, thậm chí tôi còn vận động cả thanh niên, phụ nữ tới dọn dẹp căn phòng giúp nhưng đều không nhận được sự hưởng ứng từ Nghĩa”, ông Sự nói.
Điều khiến ông Sự trăn trở nhất chính là việc học của hai bé: Trần Văn Phả (SN 2003) và Nguyễn Đức Hạnh (SN 2009). Cả hai đều đã đến tuổi tới trường nhưng Nghĩa nhất mực để con ở nhà vì Nghĩa cho rằng… mình đủ khả năng dạy cho chúng từ văn hóa tới cách ứng xử, cách sống.
“Tôi nhiều lần tới vận động Nghĩa cho con đi học nhưng nó không đồng ý và cũng rất hay lý luận. Nó giải thích: Cháu đi học lớp 12 ra rồi cũng không có công ăn việc làm nên chỉ cần biết đọc, biết viết. Cháu sẽ dạy các con điều đó, dạy chúng biết làm người. Thậm chí việc không cho con đi học, cũng được Nghĩa lý giải thêm là vì sợ con đi học về giữa đường, không có người đón, nó tách khỏi bạn bè sẽ bị lạc.
Khi tôi hỏi sao lại để con cái đi chân đất thì Nghĩa bảo, ngày xưa Phật đi tu cũng đi bằng chân đất…”, sau tiếng thở dài khi nhắc về gia đình Nghĩa, ông Sự lắc đầu.
Tổ dân phố 14 mới thành lập được hai năm, thì suốt hai năm đó ông Sự đều kiên trì làm công tác tư tưởng những mong có thể thay đổi được suy nghĩ của vợ chồng Nghĩa, để tương lai những đứa trẻ ấy sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng mỗi lần nhắc tới công sức mình đã bỏ ra, ông Sự càng buồn hơn.
Những cuộc họp bàn để tìm ra biện pháp giúp con anh Nghĩa đi học và phòng chống cháy nổ ở gia đình ấy vẫn rơi vào bế tắc mặc dù bây giờ cả Phả và bé Đức Hạnh đã có giấy khai sinh. Chỉ có điều, bố mẹ chúng không chịu đưa ra nên mọi người cũng chưa tìm được hướng giải quyết thích hợp.
Ông Sự cho biết thêm, mỗi lần đi bộ gặp Nghĩa, ông lại nhắc tới vấn đề “muôn thuở", thậm chí ông còn dùng lời lẽ mạnh: không cho con đi học cũng là bạo hành chứ không phải chỉ có đánh con mới là bạo hành; mang rác về nhà là làm bẩn môi trường. Nhưng Nghĩa cũng chỉ vâng dạ cho qua chuyện.
Nghĩa khó bảo thế, nhưng lại là công dân ngoan của phường khi chấp hành rất nghiêm chỉnh các quy định của phường đề ra: từ việc báo cáo công an khi có người lạ đến nhà, cho tới việc đóng tiền điện nước… Mà Nghĩa cũng không phải “người điên”. Đó là kết quả điện tâm đồ mà mẹ Nghĩa đã cho ông Sự biết.
Ông Sự cho hay, bất kì ai biết tới gia đình anh Nghĩa, chị Mùi cũng đều mong ngày hai bé Phả và Đức Hạnh được cắp sách tới trường.