Niềm vui vẫn còn hiện hữu trên khuôn mặt, chị Phạm Ngọc Minh Thư (SN 1984), người bị mất hơn 1,4 tỷ đồng nói về Lê Doãn Ý bằng sự cảm kích: “Người tốt như em Ý, vạn người mới có một”.
Chàng sinh viên đặc biệt
Để tìm hiểu thêm về câu chuyện, chúng tôi đã tìm gặp chàng tốt bụng này.
Nhưng phải sau nhiều lần liên hệ, người viết mới gặp được Lê Doãn Ý (23 tuổi, sinh viên trường Đại học mở Hà Nội tại Đà Nẵng).
Bởi ngoài công việc học tập ở trường, cậu còn bận bịu làm thêm để kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt và mua sách vở.
Khi chúng tôi hỏi: “Nhặt được số tài sản lớn như vây, em có nghĩ gì không?”. Ý thật thà bảo: “Nói thật với anh chị là lúc đầu em cũng nảy ra ý định giữ lại.
Nhưng rồi em nghĩ, người mất chắc chắn sẽ buồn và vô cùng lo lắng. Bởi vậy, em tự nhủ phải làm đúng với lương tâm”.
Chị Phạm Ngọc Minh Thư bên cạnh Lê Doãn Ý.
Được biết, Ý sinh ra ở Hà Tĩnh nhưng theo gia đình vào sinh sống tại Gia Lai đã 13 năm nay. Cha mẹ cậu đều làm nông.
Những lúc nông nhàn, cha Ý đi làm xây dựng cho các công trình còn mẹ đi làm giúp việc để có tiền lo cho anh em cậu ăn học.
Cách đây hơn 2 năm, anh cả của Ý bị tai nạn qua đời, để lại hai đứa con nhỏ. Vậy là, cha mẹ cậu lại phải chăm lo cho cả hai đứa cháu nội.
Thương cha mẹ khó nhọc, Ý đi làm thêm để lo chi phí học tập. Cậu được nhận vào làm lễ tân ở nhà nghỉ Sao Mai 2.
Thời gian làm từ 19h hôm trước đến 7h sáng hôm sau với thu nhập 3 triệu đồng/tháng.
Chiều hôm đó, Ý trên đường đi thăm bạn ở phường Bắc Mỹ thì nhặt được một chiếc túi đánh rơi.
Về đến phòng trọ, Ý gọi điện kể hết toàn bộ sự việc với bạn gái và em trai, đồng thời cho biết về khoản tiền lớn bên trong chiếc túi.
“Từ bé tới giờ, em chưa từng cầm trên tay số tiền lớn đến như thế nên cảm thấy run lắm.
Bố mẹ em ở nhà làm việc cực nhọc vất vả cũng chưa bao giờ nhìn thấy một số tiền như vậy.
Ra đây, ngoài đi học ở trường, thời gian rảnh rỗi em còn đi làm kiếm tiền để đỡ gánh nặng cho bố mẹ nên em hiểu giá trị của sức lao động là như thế nào.
Em cũng biết rằng, nếu có được số tiền đó thì không chỉ em mà cả bố mẹ sẽ sống sung sướng. Nhưng rồi lại tự hỏi, liệu những đồng tiền ấy đó có mang lại hạnh phúc lâu dài không?
Em mà giữ lại làm của riêng thì có lẽ cả đời này em sẽ không bao giờ cảm thấy thoải mái.
Em cũng không biết là người đánh mất giàu nghèo như thế nào nhưng chắc chắn để có được số tiền như thế, họ cũng phải đổ mồ hôi, nước mắt.
Cũng có thể đây là toàn bộ tài sản của họ nên khi mất đi sẽ trắng tay, có khi còn suy sụp mà dẫn đến những hành động dại dột nữa.
Có nhiều tiền thì ai mà không muốn nhưng số tiền đó không phải của mình làm ra thì với em, nó cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Bởi thế sau khi nhặt được tiền, em cũng không hề có chút đắn đo nào mà cố gắng tìm người mất để trả lại”, Ý tâm sự.
Mở túi ra thấy điện thoại di động, Ý định mở ra tìm cách liên lạc với khổ chủ nhưng máy cài mật khẩu nên không mở được.
Do không biết sử dụng máy iPhone nên trong lúc thao tác, Ý đã làm tắt máy.
Sau khi bật được máy lại thì Ý thấy có cuộc gọi đến nên đã lấy điện thoại của mình gọi vào số kia (vì điện thoại của chị Thư không gọi đi được-PV).
Qua nói chuyện, Ý biết người vừa gọi là chồng của chủ nhân chiếc ví nên đã hẹn gặp để trả tài sản.
Sau khi đánh rơi ví tiền bên trong có giấy tờ và số tài sản đáng giá cả tỷ đồng, khổ chủ hốt hoảng đi trình báo cơ quan Công an.
Đúng lúc này, khổ chủ nhận được cuộc điện thoại của một người đàn ông nói rằng anh ta đã nhặt được chiếc ví và hẹn chị đến nhận lại tại… nhà nghỉ.
Nghi ngờ người đàn ông đó gài bẫy đe dọa tống tiền hoặc gây khó dễ cho khổ chủ, lực lượng Công an đã lên kế hoạch mật phục xung quanh điểm hẹn đề phòng chuyện bất trắc.
Quan sát từ đằng xa, khi thấy khổ chủ và người đàn ông lạ mặt có hành động như giằng co đưa đẩy, các trinh sát đã lập tức ập vào can thiệp. Không ngờ…
Tình huống gay cấn
Cùng lúc trình báo Công an, chị Thư báo tin cho chồng thì anh này cho biết cũng vừa điện thoại vào số của vợ nhưng không ai nghe máy.
Sau đó, anh lại nhận được cuộc gọi của một thanh niên đề nghị cho gặp chị Thư.
Ngay lập tức, chị Thư điện thoại lại gặp người thanh niên kia thì anh ta cho biết đã nhặt được ví của chị.
Anh ta còn hẹn chị đúng 19h đến “nhà nghỉ Sao Mai ở đường Mân Thái” để nhận lại tài sản.
Từ thông tin chị Thư cung cấp, Công an phường Mỹ An kiểm tra thì phát hiện ở Đà Nẵng có đến 4 nhà nghỉ Sao Mai và không có “đường” Mân Thái (chỉ có “phường” Mân Thái).
Điện thoại cho thanh niên kia thì lại không liên lạc được. Điều này khiến cơ quan Công an nghi ngờ kẻ xấu nhặt được túi rồi dàn cảnh để cướp hoặc đòi tiền chuộc nên đã lên phương án đấu tranh.
Một mặt, cơ quan điều tra đề nghị chị Thư làm như lời hẹn của người đàn ông. Một khác bố trí lực lượng bí mật theo sát để xử lý tình huống bất trắc.
Hơn 3 giờ đồng hồ chờ đợi, thanh niên nhặt được ví tiền điện lại cho chị Thư và thông báo rõ địa chỉ gặp nhau là nhà nghỉ Sao Mai 2 nằm trên địa bàn phường Mân Thái.
Lực lượng Công an và chị Thư càng lo lắng hơn khi nhà nghỉ Sao Mai 2 này nằm ở khu vực Trường Dạy nghề số 5, nơi có tình hình an ninh phức tạp.
Vì thế, Công an phường Mỹ An đề nghị Công an phường Mân Thái phối hợp.
Sau khi chị Thư vào nhà nghỉ Sao Mai 2 và gọi điện, một thanh niên từ trong bước ra gặp và trao đổi với chị.
Được một lúc, chuông điện thoại của chị Thư vang lên. Đó là cuộc gọi của một cán bộ Công an vì thấy chị Thư trao đổi với thanh niên khá lâu nên điện hỏi thăm tình hình.
Đáp lại, chị Thư chỉ ậm ừ “vâng, dạ” rồi tắt máy. Lúc này các chiến sĩ Công an bắt đầu thấy căng thẳng.
Mấy phút sau, lực lượng Công an mai phục thấy người thanh niên đưa túi xách cho chị Thư.
Chị mở ra kiểm tra rồi cầm xấp tiền đưa cho người thanh niên, cả hai lại như giằng co, đưa đẩy qua lại.
Thấy tình hình có vẻ “cấp bách”, các chiến sĩ Công an ập vào với chiếc còng số 8 trên tay để bắt quả tang “kẻ tống tiền”.
Nhưng điều lực lượng công an không ngờ tới đó là, trong khi “đối tượng” đang tròn mắt ngạc nhiên thì khổ chủ lại rối rít phân bua rằng các anh đã bắt nhầm người.
Để làm rõ nội tình, cơ quan Công an mời cả 2 người về trụ sở để làm việc.
Tại đây, chị Thư trình bày, sau khi gặp nhau, người thanh niên hỏi tên, địa chỉ rồi đối chiếu khuôn mặt chị với ảnh trên CMND.
Xác định đúng chị Thư là người mất tài sản, người thanh niên liền trả lại chiếc ví cho chị. “Lúc bị các chú Công an ập tới đưa về đồn, em rất hoảng sợ.
Nhưng em hiểu được tình cảnh lúc đó của chị Thư. Ai mất tiền cũng như vậy cả thôi.
Vì em sợ bị người khác lợi dụng lấy tiền nên phải kiểm tra lại xem có đúng người mất không mà trả lại.
Sau đó, chị ấy cũng đưa cho em một số tiền nhỏ để cảm ơn nhưng em không nhận. Đó là việc em nên làm.
Thời điểm đó em chưa kể chuyện này với bố mẹ nhưng em hiểu được rằng, nếu nói ra thì bố mẹ cũng sẽ bảo em làm như vậy.
Hồi nhỏ, bố mẹ thường dạy chúng em dù có nghèo đến mấy cũng phải sống lương thiện, không nên lấy cái gì của ai”, Ý chia sẻ.
Nhận lại túi xách, chị Thư mở ra kiểm tra thì thấy toàn bộ tài sản, giấy tờ trong ví còn nguyên không mất thứ gì.
Chị Thư chưa kịp nói câu nào thì người thanh niên đã trách: “Sao chị sơ ý thế! Trong này em thấy hơn 15 triệu đồng, điện thoại đắt tiền, 2 sổ tiết kiệm hơn cả tỷ đồng.
Lỡ mất thì làm sao?”. Vui mừng vì nhận lại đầy đủ tài sản, chị Thư cảm ơn rối rít, đưa tiền hậu tạ nhưng Ý một mực từ chối dẫn đến việc đưa qua đẩy lại, khiến các chiến sĩ trinh sát hiểu lầm nên lập tức ập vào.
Thiếu tá Nguyễn Hồng Quang (trưởng Công an phường Mân Thái, quận Sơn Trà) nói: “Hành động trả lại tài sản cho người mất của anh Lê Doãn Ý rất đáng trân trọng.
Hành động của cậu ấy là minh chứng còn nhiều người tốt trong thời buổi này. Chúng tôi đã hoàn tất hồ sơ và đề nghị Công an quận tuyên dương”.
Chia sẻ trên trang cá nhân, chị Phạm Ngọc Minh Thư cảm động bày tỏ: “Nói thiệt tình, tất cả mọi người không ai ngờ được, một sinh viên nghèo, ở trọ lại trung thực và đạo đức đến vậy.
Nếu là người khác, hoặc là họ lấy tiền mặt rồi quăng giấy tờ và điện thoại đi, hoặc tham lam hơn họ sẽ đòi tiền để chuộc lại giấy tờ hoặc xin pass (mật khẩu) điện thoại để đổi giấy tờ.
Nói một cách thực tế, người tốt như em, có lẽ vạn người mới có một”.