Ngày 23/4, sinh viên Trường ĐH Văn hóa đã tổ chức chương trình "Cho tôi một vé về tuổi thơ" với mong muốn đưa du khách quay trở về tuổi thơ qua việc diễn tả những trò chơi dân gian như ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây qua những bài ca ngộ nghĩnh gắn liền với tuổi thơ.
Những bài hát ngộ nghĩnh gắn liền với tuổi thơ được các bạn sinh viên biểu diễn trong chương trình
Những trò chơi dân gian như rồng rắn lên mây, ô ăn quan, nhảy dây... được trình diễn đặc sắc.
Dường như, trong cuộc sống gấp gáp, hiện đại giữa lòng Thủ đô, những trò chơi dân gian, ký ức tuổi thơ không còn nữa. Đây là dịp để mọi người dừng lại trong quỹ thời gian của mình để nghĩ về tuổi thơ, nhớ về những ký ức đẹp.
Hơn nữa, du khách có thể nhìn thấy những đồ chơi như chong chóng tre, búp bê, con vật gắn liền với làng quê do chính tay các bạn sinh viên làm.
Những chiếc chong chóng tre màu sắc làm sống dậy những ký ức hồn nhiên, đẹp đẽ.
Đồ "hand made" do chính tay các bạn sinh viên ĐH Văn hóa làm.
Chia sẻ về tuổi thơ của mình, NSƯT Nguyễn Hồng Mai - giảng viên ĐH Văn hóa nói: “Giá vé trở về tuổi thơ là đắt nhất và tuổi thơ của tôi được gói gọn trong 3 từ: trong trẻo, mộng mơ và yêu thương.
Tôi cảm thấy mình thiệt thòi khi không lớn lên ở nông thôn, tuổi thơ của tôi gắn liền với thành phố hoa phượng đỏ.
Tôi còn nhớ, đường từ nhà đến trường tôi rợp bóng phượng, chúng tôi hay xâu những bông hoa phượng thành chiếc vòng”.
Phần thi diễn tả lại các trò chơi dân gian qua hành động mang lại nhiều tiếng cười cho khán giả.
Các "hành khách" trở về tuổi thơ còn được đoán những vị ô mai quen thuộc.
Bên cạnh những ký ức đẹp về tuổi thơ, đâu đó trong cuộc sống còn rất nhiều trẻ em đang phải chống chọi với bệnh tật, thiệt thòi, khao khát một cuộc sống bình thường, tổ ấm. Vì vậy, chương trình trưng bày các bức tranh vẽ ước mơ của những em nhỏ ở làng trẻ Hữu Nghị.
Mỗi bức tranh thể hiện niềm khao khát một tổ ấm, ước mơ một cuộc sống bình dị của các em nhỏ làng Hữu Nghị Hà Nội.
Thông điệp mà “Cho tôi một vé về tuổi thơ” muốn gửi đến đó là mọi người hãy yêu tuổi thơ của mình nhiều hơn, biết trân trọng những dòng ký ức đẹp và mong muốn những trò chơi dân gian, ca khúc tuổi thơ được gìn giữ trong tuổi thơ của các thế hệ sau.