Xe đạp biển giả sẽ tịch thu ngay phương tiện
Đó là phát biểu của thượng tá Phạm Văn Sơn – trưởng phòng CSGT tỉnh Vĩnh Phúc khi được phóng viên hỏi về cô gái mang biển soát khủng 88B8 – 888.88: “Biển kiểm soát có chữ B chỉ dành cho Tp Vĩnh Yên, hiện tại qua sổ đăng ký xe đã cấp vẫn nằm ở B1 chưa cấp cho bất kỳ trường hợp nào có biển số nào có số 88B8 – 888.88 vì vậy chiếc xe được lưu thông trên đang mang một biển kiểm soát giả.
Chúng tôi sẽ truy tìm và xác minh xem chủ nhân mang biển kiểm soát trên và lập biên bản tịch thu ngay phương tiện”.
Chiếc biển khủng xe điện
Trước đó, trên địa bàn Tp Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc xuất hiện một cô gái mặc bộ trang phục màu vàng, đi chiếc xe màu vàng mang biển kiểm soát 88B8 – 888.88 gây chú ý cho nhiều người đi đường.
Qua quan sát chiếc xe cô gái đi là một loại xe máy điện, loại xe này không cần sử dụng biển kiểm soát, nhưng cô gái vẫn ngang nhiên đeo cho chiếc xe mình chiếc biển đó.
Ôtô biển giả chỉ khiển trách
Thông báo kết quả giải quyết vụ đội phó cảnh sát hình sự huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) Đàm Quang Tuấn sử dụng xe ôtô Camry với BKS: 29A - 226.86 nhưng là giả từng gây bức xúc dư luận, ông Nguyễn Quang Sơn - trưởng Công an huyện Đồng Hỷ cho biết cơ quan này đã quyết định hình thức kỷ luật khiển trách đối với đại uý Đàm Quang Tuấn.
“Về phía hành chính, chúng tôi đã yêu cầu anh Tuấn tháo biển số đó ra ngay và chưa được sử dụng xe. Về phía đơn vị, chúng tôi đang yêu cầu đồng chí Tuấn làm bản kiểm điểm và sẽ có hướng xử lý sau khi đồng chí ấy nộp bản kiểm điểm”. Ông Sơn nói.
Xe biển giả của đội phó CSGT
Trước đó, dư luận huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đang bàn tán xôn xao về việc một cán bộ CSGT huyện đi xế hộp biển số giả. Đó là Đại úy Đàm Quang Tuấn, Đội phó đội CSGT công an huyện Đồng Hỷ.
Chiếc xe của Đại úy Tuấn hiệu Camry mới mua, gắn BKS cực khủng: 29A-226.86. Qua xác minh tại Phòng CSGT Hà Nội, BKS 29A -226.86 đã được cấp cho một người đi xe Mercedes Benz, có hộ khẩu tại phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội.
Cán bộ của phòng CSGT Hà Nội cũng khẳng định, biển số xe Camry mà Đại úy Đàm Quang Tuấn đang sử dụng để lưu thông là biển số giả.
Hai vụ việc có hai diễn biến khác nhau, nội dung khác nhau nhưng có chung một đặc điểm là sử dụng biển giả trái với quy định của pháp luật.
Một xe đạp sử dụng biển giả có nguy cơ bị tịch thu phương tiện, trong khi đó một ôtô biển giả chỉ bị khiển trách, về mặt hành chính chỉ bị “tháo biển ra ngay” chứ không bị phạt một đồng nào, dù luật đã quy định rất rõ mức xử phạt đối với hành vi đi xe sử dụng biển giả.
Phải chăng sự khác nhau ở đây là ở giá trị xe đạp và xe ôtô hay khác nhau nằm ở một khía cạnh nào đó mà đi xe ôtô biển giả có vẻ như được xử lý nhẹ nhàng, gọn gàng hơn?
5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Xe đăng ký tạm hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép;
b) Điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông (nếu có quy định về niên hạn sử dụng);
c) Điều khiển loại xe tự sản xuất, lắp ráp (bao gồm cả xe công nông thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông);
d) Điều khiển xe gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp;
đ) Sử dụng Sổ chứng nhận kiểm định, Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
6. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
đ) Vi phạm Điểm d, Điểm đ Khoản 5 Điều này bị tịch thu Sổ chứng nhận kiểm định, Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy đăng ký xe, biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 30 (ba mươi) ngày;
(NĐ 71 của Chính phủ)