62 trận và 17 năm “chơi bóng” ở sân Đà Nẵng, là thời gian rất hữu hạn nếu so với tuổi nghề một danh thủ thực thụ.
Nhưng trong cái hữu hạn ấy, “danh thủ” kiêm “huấn luyện viên”, kiêm “ông bầu” Nguyễn Bá Thanh đã kiến tạo nên những “trận cầu đỉnh cao”.
Sau 17 năm “được thi đấu ở giải ngoại hạng”, từ một “sân bóng địa phương” ì trệ, nhếch nhác, Đà Nẵng đã biến thành nơi đáng sống nhất, nơi người dân có chỉ số hạnh phúc cao nhất cả nước.
Một nhà báo nổi tiếng đã viết rằng: “Không nên đánh giá một chính trị gia ở cái ghế ông ấy ngồi là cao hay thấp mà ở di sản của ông ấy là gì”.
Chức vụ cao nhất của ông Nguyễn Bá Thanh là hàm bộ trưởng, nhưng di sản mà ông để lại, lớn hơn rất nhiều cái hàm ấy.
Chức vụ cao nhất mà ông Kim Ngọc (cha đẻ khoán hộ, đổi mới trong nông nghiệp) có được, là bí thư tỉnh ủy. Nhưng “của cải để lại” của ông Kim Ngọc cũng lớn hơn rất nhiều cái ghế ấy.
Sự nghiệp của những người biết “đi trước nhiều bước” thường dang dở.
Khi tại vị và còn sống, ông Kim Ngọc không được chứng kiến những thành quả khổng lồ của khoán hộ.
Ông Nguyễn Bá Thanh cũng vậy, chắc chắn “giấc mơ Đà Nẵng” chỉ là một phần nhỏ trong những khát khao dân giàu nước mạnh của ông.
Tướng Nguyễn Quốc Thước đã nói với ông Nguyễn Bá Thanh khi ông nhận quyết định làm Trưởng ban Nội chính Trung ương:
“Đồng chí ra đây nhận nhiệm vụ nặng nề trong thời kỳ cực kỳ khó khăn. Muốn làm được việc đó thì đồng chí thế chấp“cái đầu” của mình trước Đảng và nhân dân khi vào cuộc chiến đấu một mất, một còn”.
Ông Thanh thưa lại với tướng Thước rằng: “Cảm ơn bác. Rất cảm ơn bác. Tôi hứa sẽ làm tất cả những gì vì lợi ích của nhân dân”.
Điều mà ông Thanh hứa, trước đó đã được ông thực hiện gần như trọn vẹn ở Đà Nẵng, nhưng mới chỉ thực hiện được một phần rất nhỏ ở cương vị mới.
Đúng lúc hình ảnh Nguyễn Bá Thanh được kỳ vọng nhiều nhất khi lặng lẽ xuất hiện trong phiên tòa xét xử vài đại án, thì căn bệnh quái đã cắt đứt hành trình của ông.
Trong sổ tang, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã rất tiếc nuối khi viết về điều “dang dở” sâu xa này: “Công việc ở Trung ương do Đảng phân công cho đồng chí hãy còn dang dở. Chắc hẳn các đồng chí trong đơn vị sẽ tiếp nối những tâm huyết của đồng chí”
Trong nghiệp quần đùi áo số, danh thủ dù có vĩ đại đến đâu, cũng phải trải qua những trận cầu không như ý.
Xét về bóng đá đơn thuần, dù thích ra sân, ông Thanh không phải là một cầu thủ giỏi.
Những người yêu quý ông đã mô tả rằng: Vì yêu bóng đá quá, vì hăng máu quá nên trong những trận cầu giao hữu, mà có lần ông hồn nhiên bỏ bóng, đá người cho bõ tức .
Nhưng trên sân bóng cuộc đời, ông là một tượng đài, là người dẫn dắt lối chơi ở quê hương ông và truyền cảm hứng cho vài thế hệ.
Trong điếu văn tiễn biệt, trưởng Ban tổ chức Lễ tang Tô Huy Rứa đã không quên một chi tiết quan trọng.
Sau khi nhắc đến những phần thưởng cao quý mà ông Nguyễn Bá Thanh được Nhà nước trao tặng, ông Tô Huy Rứa rưng rưng:
“Nhưng cao quý nhất và đáng tự hào nhất, chính là tấm huân chương của lòng dân, mà nhân dân và cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Đà Nẵng cũng như trong cả nước đã dành trọn cho đồng chí”.
Quả thật, ngay cả khi đã nằm xuống, “danh thủ” Nguyễn Bá Thanh vẫn kịp sút cú cuối cùng trên sân bóng cuộc đời.
Đó là cú sút mà vạn người khác không làm được!
Đó là cú sút khiến vạn “công bộc” khác phải nhìn lại mình!
CÚ SÚT VỠ ÒA, RUNG CHUYỂN TẤM LƯỚI LÒNG DÂN.