Do vợ mất đã lâu nên một số người thân của cụ ông Thao Krôi 82 tuổi ngụ ở làng Iệc, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum có ý mai mối với bà Y Chó 60 tuổi ở làng Kon Khôn, xã Bờ Y.
Chiều ngày 1-3, cụ Thao Krôi có đến thăm nhà bà Y Chó, sau đó mua 3 lít rượu và một số đồ nhậu để ra mắt ý trung nhân và mời các cụ bô lão đồng trang lứa trong làng Kon Khôn.
Đến khoảng 20h đêm cụ Thao Krôi có việc riêng xin đi ra ngoài một lát nhưng rồi không thấy quay trở lại, sợ cụ lạc dường nên mọi người chia nhau đi tìm nhưng không thấy.
Đến 18h ngày 2-3, một người hàng xóm gần nhà bà Y Chó là bà Đinh Thị Đẩn đi rẫy về bật máy bơm nước nhưng không thấy nước lên, ngỡ máy hư bà Đẩn ra giếng kiểm tra thì phát hiện có xác người rơi xuống giếng tự bao giờ.
Nạn nhân được xác định chính là cụ Thao Krôi ở làng Iệc, người đã mất tích trong đêm ngày 1-3.
Giếng nước nơi cụ Thao Krôi bị rơi xuống
Theo kết quả điều tra ban đầu, xác định hộ bà Đinh Thị Đẩn có sử dụng một giếng nước sinh hoạt ở gần nhà bà Y Chó, đã được đào và sử dụng từ lâu nhưng không có hàng rào bảo vệ, không có thành giếng mà chỉ đậy một miếng tôn mỏng lên miệng giếng.
Đêm 1-3, do không thạo đường nên cụ Thao Krôi đã đi qua làm tấm tôn sập và rơi giếng, vì không được phát hiện kịp thời nên cụ Thao Krôi đã ngộp nước mà chết.
Cái chết tức tưởi của cụ Thao Krôi còn phản ánh một hiểm họa rất đáng lo ngại từ thói quen sử dụng giếng 3 không: không thành, không nắp, không rào của nhiều hộ dân người dân tộc thiểu số ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi.
Thường thì sau khi đào giếng xong, người dân thả máy bơm rồi chỉ gác vài cây mì hoặc đậy vài tấm tôn lên miệng giếng rồi vô tư sử dụng mà không biết rằng đang tự đặt bẫy cho chính mình và những người xung quanh.
Chỉ riêng ở làng Kon khôn đã có khoảng hơn chục chiếc giếng loại "ba không" như trên, người ở xa đến và trẻ em đi trong làng rất dễ rơi xuống giếng.
Theo một số người dân ở làng Kôn Khôn phản ánh thì trước đây trong làng đã có khá nhiều trường hợp té giếng, trong đó có hai trường hợp trẻ em đã rơi xuống giếng nhà bà Đinh Thị Đẩn nhưng nhờ phát hiện kịp thời nên được cứu sống.
Thiết nghĩ đã đến lúc UBND xã Bờ Y và các cấp các ngành ở huyện Ngọc Hồi cần nhanh chóng vào cuộc, "xóa sổ" giếng "ba không", bớt đi một mối hiểm họa đang tiềm ẩn trong trong dân.