Năm 2010, nhiều cư dân vui mừng rằng mình đã tìm được một chốn ăn ở văn minh, hiện đại khi bỏ ra 7 – 10 tỷ đồng để mua căn hộ cao cấp tại tòa nhà Sky City Tower (Đống Đa, HN) do công ty TNHH Hanotex làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, trong suốt 5 năm sinh sống, họ mới vỡ lẽ, thực tế không như những lời mời chào của chủ đầu tư khi rao bán căn hộ.
Chiều 9/11/2015, hàng trăm cư dân chung cư Sky City đã căng băng rôn phản đối chủ đầu tư với nhiều khẩu hiệu đáng chú ý như:
“Cư dân 88 Láng Hạ lên án hành vi của chủ đầu tư thách thức đòi lại hầu hết diện tích cổng ra vào”; “Hanotex và CBRE có dấu hiệu lừa đảo bán hàng”; “Cư dân phản đối Hanotex xây dựng penthouse trái phép”...
Ngoài ra, còn một số bức xúc khác như: “Hanotex hãy trả phí bảo trì lại cho chúng tôi”; “Hanotex ngừng ngay việc chiếm dụng quỹ bảo trì”; “Phản đối Hanotex ngang nhiên bịt thang bộ”; “5 năm hệ thống gas tổng của chúng tôi đâu?”...
Cư dân “sốc” khi chủ đầu tư đòi lại cổng ra vào
Sau hàng loạt những sai phạm bị Thanh tra Sở Xây dựng phanh phui hồi tháng 10/2015, thay vì khắc phục và sửa chữa theo chỉ đạo của Sở, công ty Hanotex đã thách thức, đòi lại 2/3 cổng ra vào Tòa nhà Sky City Tower để đánh đổi cho các sai phạm của mình.
Cụ thể, công ty Hanotex cho biết, họ đã đi thuê đất để cho cư dân “mượn tạm” lối ra vào trong suốt 5 năm qua.
Đến nay, hợp đồng đã chấm dứt, cư dân phải hoàn trả lại phần diện tích đó để lối ra vào chỉ còn rộng 3,5m và phải chung với dãy nhà hàng xóm khác.
Trước động thái đó của chủ đầu tư, toàn thể cư dân tòa nhà rất bất bình.
Trước đó, dự án Sky City Tower do công ty CB Richard Ellis Việt Nam (CBRE) làm đơn vị môi giới, bán hàng.
Dựa trên thông tin giới thiệu sản phẩm do CBRE và công ty Hanotex cung cấp cho cư dân, lối đi vào dự án rộng 11,2m.
“Việc Hanotex dựng lên việc cho cư dân mượn tạm lối đi trong suốt 5 năm qua đã khiến cho hàng ngàn cư dân Sky City vô cùng bức xúc, phẫn nộ.
Hanotex tiếp tục dùng sai phạm này để giải quyết các sai phạm khác với thái độ thiếu tôn trọng cư dân và coi thường pháp luật.
Việc làm này có dấu hiệu cấu kết lừa đảo, cung cấp thông tin sai sự thật để lừa dối khách hàng của cả Hanotex và CBRE” – bà Phạm Quỳnh Hương, đại diện ban quản trị cư dân 88 Láng Hạ bày tỏ.
Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Minh Ngọc, chủ căn hộ B1802 không giấu nổi sự bức xúc chia sẻ: “Cách đây 5 năm, chúng tôi mua cái cổng rộng như vậy mà giờ họ bảo cổng chỉ còn 3,5m.
Tôi thấy đây là sự nhố nhăng của chủ đầu tư, chẳng khác nào lừa đảo khách hàng khiến chúng tôi rất bức bối.
Chúng tôi đã dùng mọi biện pháp để làm việc với chủ đầu tư nhưng họ bất hợp tác, lần lữa trong việc trả lời dứt điểm những gì chúng tôi yêu cầu”.
Theo bà Ngọc, việc cư dân bị buộc phải đi bằng cổng bé 3,5m gây nhiều khó khăn, bất tiện cho cuộc sống, sinh hoạt khu dân cư, gây ách tắc giao thông trên đoạn tuyến nút giao thông Láng Hạ - Lê Văn Lương vào giờ cao điểm.
Hơn nữa, “khi có hỏa hoạn, xe phòng cháy chữa cháy ra vào sẽ chật chội, không thể tiếp cận kịp thời để hỗ trợ cư dân.
3,5m cũng không thể đủ cho 2 xe tránh nhau 1 cách thoải mái và khi sự cố xảy ra, chúng tôi sẽ là người thiệt thòi nhất, thậm chí có thể ảnh hưởng tới tính mạng” – bà Ngọc nói.
Đối với ông Trần Huy Cường, cư dân B503, thông tin chủ đầu tư thu lại lối đi chung khiến ông ngạc nhiên và “cảm thấy rất sốc” bởi nó là một thay đổi quá đột ngột “đảo lộn từ cực này sang cực kia”.
“Trước đây, cư dân có 3 làn đường, giờ chủ đầu tư thu lại chỉ có 1 làn đường dành cho người đi bộ và đi xe máy, chứ ô tô không thể đi vào được.
Khi chúng tôi mua nhà thì có đường đi, giờ họ lại rào đường… chẳng khác nào việc tôi bỏ tiền ra mua một chiếc áo khoác nhưng khi nhận, nó chỉ là một cái áo lót.
Tôi cảm thấy rất đường đột và bức xúc về chuyện này. Bởi trong hợp đồng mua bán dù không nói rõ lối đi một cách rõ ràng là bao nhiêu mét nhưng trong mặt bằng bàn giao đều có các chi tiết đó.
Và ngay cả trong các quảng cáo bán nhà đều đã giới thiệu về lối đi chung này. Chủ đầu tư hãy trả lại cổng cho chúng tôi'”– ông Cường nhấn mạnh.
Ông Cường cũng như nhiều hộ dân sống tại Sky City nghĩ rằng, cách cư xử của chủ đầu tư với cư dân – trước đây là khách hàng của mình là không thể chấp nhận được.
Chủ đầu tư bị dân "tố" chiếm dụng tiền quỹ bảo trì
Ngoài những sai phạm trong thiết kế xây dựng như cầu thang bộ tại trục giữa tòa nhà B không thông từ kỹ thuật mái xuống tầng 1, xây sai phép các căn hộ penthouse, xây khống hệ thống Chiller,… chủ đầu tư Hanotex còn bị “tố” chiếm dụng tiền quỹ bảo trì của cư dân.
“Sau 5 năm đi vào hoạt động, Ban quản trị tòa nhà Sky City vẫn chưa nhận được đúng và đủ khoản kinh phí quỹ bảo trì từ chủ đầu tư Hanotex.
Cụ thể, theo tính toán đến nay, chủ đầu tư còn phải hoàn trả cho cư dân hơn 30 tỷ đồng nữa” – đại diện khu dân cư, bà Phạm Quỳnh Hương nhấn mạnh.
Theo phản ánh của cư dân Sky City, chủ đầu tư đã tìm mọi cách để từ chối việc kiểm toán và quyết toán số tiền phí bảo trì để thống nhất và hoàn trả cho Ban quản trị.
“Cư dân và Ban quản trị lo lắng nguồn kinh phí khi càng ngày các hạng mục nhà ở, máy móc, thiết bị càng xuống cấp” – bà Hương băn khoăn.
Theo quy định của Luật Nhà ở, phí bảo trì chung cư là 2% trị giá hợp đồng mua bán căn hộ (chưa VAT), phần chủ đầu tư giữ lại sẽ được tính là 2% tính theo đơn giá bán căn hộ cao nhất.
Phí này sẽ được chủ đầu tư bàn giao cho Ban quản trị trong vòng 15 ngày kể từ ngày thành lập Ban quản trị được chính quyền địa phương công nhận.
Phí bảo trì được theo dõi riêng để bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo luật định và nhằm duy trì chất lượng chung cư, căn hộ luôn ở trạng thái hoạt động tốt, như bảo trì định kỳ, sửa chữa đột xuất,..
“Suốt 4 năm qua, chủ đầu tư đã và đang chiếm dụng tiền của chúng tôi.
Tôi nghĩ đã đến lúc Hanotex phải trả lại cho dân số tiền hơn 30 tỷ đồng còn thiếu” – một cụ bà hơn 70 tuổi sống tại tòa tháp B Sky City lên án một cách mạnh mẽ sự thiếu minh bạch của chủ đầu tư.
Ngoài ra, trong suốt 5 năm qua, Hanotex đã nhiều lần cam kết cung cấp gas tổng cho cư dân theo đúng nội dung trên hợp đồng mua bán nhà (thể hiện tại nhiều Biên bản họp giữa Hanotex với Ban đại diện từ năm 2011 đến sau này) cũng như tại Hội nghị chung cư tháng 4/2015.
Nhưng đến nay, Hanotex vẫn không thực hiện.
Thêm vào đó, việc Hanotex phá bỏ trái phép thang bộ từ tầng 1 đến tầng 3 phục vụ cho California tại nhà B Sky City Tower đã cố tình chặn lối thoát hiểm của cư dân khi xảy ra sự cố, gây mất an toàn cho cuộc sống khu dân cư.
Ghi nhận những ý kiến của cư dân trong buổi “biểu tình” chiều ngày 9/11, nhằm làm rõ hàng loạt các bức xúc trên.
PV đã cố gắng liên hệ với bà Dương Quỳnh Trang, TGĐ của Hanotex, tuy nhiên, số điện thoại cá nhân của bà đổ chuông nhưng không ai bắt máy.
Cư dân tại Sky City cho biết, không chỉ PV mà những ngày gần đây, đại diện ban quản trị đã tìm mọi cách liên hệ với lãnh đạo Hanotex nhưng đều thất bại.
“Cư dân Sky City đang rất lo lắng khi quyền lợi chính đáng bị xâm phạm. Ngoài 456 hộ dân tại đây, không biết có bao nhiêu gia đình khác đã “mua nhầm” những căn hộ tại dự án của Hanotex đang triển khai thực hiện?
Hàng ngàn cư dân Sky City mong mỏi nhận được sự chỉ đạo khẩn trương của UBND Tp.Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội và các cơ quan chức năng vào cuộc.
Nhằm mục đích yêu cầu Hanotex tuân thủ pháp luật, hoàn trả quỹ bảo trì cho cư dân, đảm bảo sự toàn vẹ của dự án và trả lại cuộc sống bình yên cho chúng tôi” - ông Đặng Trọng Hiếu, Trưởng ban quản trị chung cư Sky City nói.