Vụ lật xe container chở nhãn tại địa phận xã Hóa Thanh, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình vào ngày 21/1/2014 tưởng chừng đã qua đi cùng năm Quý Tỵ với những thiệt hại về tài sản và sự may mắn thoát nạn của tài xế. Tuy nhiên, những thông tin qua lại giữa Công ty Cổ phần Bích Thị (Công ty Bích Thị) và lãnh đạo UBND huyện Minh Hóa đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của độc giả bởi những mâu thuẫn trong đó.
Cho đến thời điểm này, mâu thuẫn lớn nhất có lẽ nằm ở chỗ Công ty Cổ phẩn Bích Thị cho rằng có hiện tượng hôi của, cơ quan công an bất lực đứng nhìn người dân hôi của. Còn phía huyện Minh Hóa cho rằng cơ quan công an đã tham gia vào việc ngăn cản người dân lấy hàng và lãnh đạo huyện khẳng định không có chuyện “hôi của”.
Còn mâu thuẫn thứ hai được thể hiện khi lãnh đạo UBND huyện Minh Hóa cho hay vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn xã Hóa Thanh chứ không phải ở xã Dân Hóa như trong đơn đề nghị được cho là của Công ty Cổ phần Bích Thị gửi Công an huyện Minh Hóa.
Theo thông tin được báo Sài Gòn giải phóng đưa ra dựa trên văn bản của cơ quan Hải quan Quảng Bình cung cấp, trị giá lô hàng 22 tấn nhãn của Công ty Bích Thị là 13.200 USD (tính theo tỷ giá hiện tại khoảng 280 triệu đồng). Tuy nhiên, con số này được Công ty đưa ra với báo Lao động ngày 11/2/2014 là khoảng 1,3 tỷ đồng. Tại sao lại có sự "vênh" về giá trị một cách khó hiểu như vậy? Hải quan Quảng Bình đã đúng hay Bích Thị khai "nhầm"?
Có một điều cũng rất đáng chú ý ở chỗ, theo bản cam kết của ông Trịnh Văn Bảy – người đại diện Công ty Cổ phần Bích Thị, 12 thùng hàng là số hàng được cho là kết quả thu giữ của cơ quan công an rất nhỏ so với số thùng hàng mà công ty khai báo (khoảng 2000 thùng). Điều này đã khiến những người theo dõi vụ việc không khỏi băn khoăn về số phận của những thùng hàng còn lại.
Ngoài ra, trong những hình ảnh của công ty Bích Thị cung cấp cho một số cơ quan báo chí, không khó để các độc giả có thể nhìn thấy hàng chục người đã xuất hiện tại khu vực thùng container chở hàng bị đổ đang nhặt hàng và có cả hình ảnh 2 người chèo thuyền chở các khối hàng đi trên sông. Cũng theo một số bức hình được đăng tải trên báo chí, đoạn đường xảy ra vụ tai nạn có khá nhiều xe bị tắc tại đó và nhiều người dân đứng cạnh taluy đường nhìn xuống vực. Tại sao những người đứng trên đường lại không xuống nhặt nhãn như những người phía dưới? Thêm nữa, nhìn hình ảnh một số người đàn ông bê 1 - 3 thùng nhãn một lúc đi lên rất thủng thẳng, tươi cười, không có vẻ gì là tranh cướp, "hôi của" cả. Chính điều này càng khiến băn khoăn của những người quan tâm đến vụ việc về số lượng những thùng hàng còn lại ngoài 12 thùng được thu giữ trở nên có căn cứ.
Trao đổi với chúng tôi chiều 12/2, ông Đinh Quý Nhân – Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho hay hai xã Hóa Thanh và Dân Hóa cách xa nhau. Đồng thời vị Chủ tịch huyện này cho biết, Hóa Thanh là một xã miền núi có mật độ dân cư thưa thớt và chủ yếu là người dân tộc thiểu số.
Ông Nhân cũng chia sẻ với chúng tôi về thông tin do cấp dưới của ông báo cáo lên về việc, trước đó, hồi cuối năm 2013, một xe chở nhãn của chính Công ty Cổ phần Bích Thị cũng đã gặp nạn tại cung đường này. Trong lần gặp nạn đó, hàng hóa của công ty chỉ bị rơi ở lề đường và đã được người dân giúp đỡ nhặt hàng. Theo ông Nhân, lần đó, lái xe cảm động quá nên đã lấy nhãn ra mời người dân đã giúp đỡ ăn.
Với những chứng cứ về vụ việc cùng niềm tin vào người dân Minh Hóa, ông Nhân vẫn khẳng định không có chuyện người dân hôi của. Còn về phía Công ty cổ phần Bích Thị, chúng tôi đã cố gắng liên hệ nhiều lần nhưng không được. Tuy nhiên, sau những phản ánh với báo chí ngày 7/2/2014, việc công ty gửi đơn đề nghị xử lý vụ việc đến Công an huyện Minh Hóa vào ngày 11/2/2014 một lần nữa đã cho thấy quyết định bảo vệ ý kiến về việc người dân "hôi của" của họ.
Vấn đề có hay không chuyện người dân hôi của và chuyện công an bất lực đứng nhìn người dân hôi của vẫn được đặt một dấu hỏi lớn chưa có lời đáp. Tuy nhiên, vụ việc chỉ có một sự thật và sự thật đó đang được các cơ quan chức năng “truy tìm”.