Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định "Quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ", trong đó cho phép người thi hành công vụ được "nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm".
Đưa ra nội dung này là quá nguy hiểm!
Quan điểm của ông thế nào về việc người thi hành công vụ được nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm, theo tinh thần dự thảo Nghị định của Bộ Công an?
Tôi cho rằng, khi xây dựng nội dung nghị định như thế này thì phải có quá trình điều tra, tổng kết, đánh giá, phân tích cụ thể để những người thi hành công vụ thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Không thể vì Chính phủ giao cho anh làm nghị định thì anh làm mà bỏ qua những khâu đó. Theo tôi được biết thì họ không công bố kết quả tổng kết, đánh giá nào cả. Do đó, tôi cho rằng đưa ra nội dung này là quá nguy hiểm.
Vì sao ông lại cho rằng "quá nguy hiểm"?
Bởi vì, việc xác định người chống đối có dấu hiệu của việc phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng là rất khó vì thời gian rất ngắn để người thi hành công vụ quan sát, đưa ra kết luận và nổ súng.
Tất cả chỉ diễn ra chớp nhoáng nên rất dễ mắc sai lầm. Chúng tôi làm nhiều vụ án hình sự để phân tích hành vi nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì phải có đầy đủ hồ sơ của cơ quan tố tụng. Đằng này, anh không có hồ sơ nào cả mà hoàn toàn theo suy nghĩ chủ quan. Như vậy nghĩa là anh hoàn toàn áp đặt cho đối tượng khi anh tự cho đối tượng có dấu hiệu chống đối anh, trong khi thực tế chưa chắc đã phải vậy.
Cũng cần lưu ý, khi nổ súng sẽ có hai khả năng xảy ra: hoặc người ta bị thương, hoặc bị chết. Như vậy, phát súng đó đã tước đi quyền sống của một con người mà không cần đến một bản án, một cơ quan tố tụng nào.
Nghĩa là, người thi hành công vụ đang làm thay việc của tòa án?
Nếu nội dung này được thông qua thì đúng là như thế.
Liệu điều đó có trái với pháp luật?
Về nguyên tắc, chỉ tòa án mới có quyền phán quyết xem ai là người có tội bằng một bản án có hiệu lực pháp luật. Ngay cả khi bị cáo bị tuyên án tử hình thì họ vẫn có cơ hội đề nghị Chủ tịch nước miễn giảm cơ mà? Thế thì không có cơ sở gì để tước đi quyền sống của một con người bằng việc nổ súng chỉ vì họ mới có dấu hiệu phạm tội. Quy định như dự thảo Nghị định là chưa phù hợp!
Đó là chưa kể, nếu phát súng nổ gây chết người thì cơ quan tiến hành tố tụng phải vào cuộc, điều tra, đánh giá, phân tích xem người thi hành công vụ ấy có phòng vệ chính đáng hay không, sử dụng súng có đúng mục đích, đúng đối tượng không? Rồi tòa án xét xử, tuyên án. Nhưng vấn đề ở chỗ, đối tượng chết rồi thì lấy đâu ra câu trả lời? Như vậy, rõ ràng sự lạm quyền rất khó để xử lý.
Chỉ chăm chăm lợi ích của ngành mình
Ông vừa bảo, khi đưa ra một nghị định thì cần có quá trình điều tra, tổng kết, đánh giá, phân tích. Phải chăng, dự thảo Nghị định này là vội vàng khi chưa làm những khâu đó?
Tôi nghĩ là hơi có sự chủ quan ở đây. Bởi Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Do đó, các cơ quan quản lý không thể vì bất cứ lý do nào mà coi thường quyền sống của người dân được.
Theo ông thì những nghị định, quy định mang tính chủ quan như thế này có nhiều không?
Không ít đâu, ví như việc không quản lý được hộ khẩu thì người ta định cắt khẩu của những người đi xuất khẩu lao động, rồi thì cấp chứng minh thư nhân dân gắn cả tên cha mẹ...
Tại sao những nghị định, quy định mang tính chủ quan như thế vẫn tồn tại, thưa ông?
Vì nó có lợi cho người quản lý thôi. Về năng lực thì tôi không dám đánh giá, nhưng khi soạn thảo thì người ta thường có tâm lý tạo thế thuận lợi cho mình.
Âu đó cũng là điều dễ hiểu?
Ai chẳng muốn có lợi cho mình. Nhưng vấn đề ở chỗ, dân ủy quyền cho anh thay mặt dân điều hành, quản lý xã hội, dân cũng nộp thuế để nuôi anh thì anh phải đem lại lợi ích cho dân mới đúng chứ! Sao lại chăm chăm lo lợi ích của cơ quan mình, của ngành mình mà hạn chế quyền của dân, nhất là quyền sống?
Xem lại mình đã đàng hoàng, đĩnh đạc chưa?
Hệ quả của việc "chăm chăm lo lợi ích của cơ quan mình, của ngành mình" ấy sẽ là gì, thưa ông?
Đó chính là phản ứng chống đối của dân, vì niềm tin của họ vào những cơ quan công quyền, vào người thi hành công vụ đã giảm sút.
Điều đó có nghĩa là, chính những người thi hành công vụ phải xem xét lại mình rằng vì sao mà bị người dân chống đối?
Đúng thế!
Nhưng bây giờ cứ đổ cho việc giảm niềm tin vào cơ quan công quyền để rồi người dân thản nhiên chống đối người thi hành công vụ thì xã hội làm sao mà ổn định để phát triển được, làm sao mà "thượng tôn pháp luật" được?
Đương nhiên, chống đối người thi hành công vụ là sai. Nhưng người thi hành công vụ cũng phải nghiêm túc xem lại mình, xem tác phong của mình đã đàng hoàng, đĩnh đạc chưa? Rằng việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người dân đã tốt chưa chứ không thể chỉ nhìn thấy việc người ta chống đối anh rồi đề ra quy định được quyền nổ súng.
Cũng cần nhớ rằng, trình độ dân trí của mình đang ngày càng cao. Sẽ chẳng ai dại gì mà đi chống lại người thi hành công vụ, nếu như họ nắm rõ pháp luật!
Như ông vừa nói thì có vẻ, một phần của lý do người dân chống đối người thi hành công vụ là vì tác phong của họ thiếu đàng hoàng?
Chứ còn gì nữa! Nếu anh làm đúng quy định, xử phạt người vi phạm công minh thì người ta mới nể. Đằng này, nhiều người thi hành công vụ lại không đứng đúng vị trí, cứ rình rập để bắt người vi phạm mà không hề hướng dẫn, giải thích cho người dân hiểu. Thế thì đàng hoàng ở đâu? Làm sao người dân có thể tôn trọng anh được?
Để giảm những vụ chống người thi hành công vụ, theo ông cần phải làm gì?
Tôi cho rằng, trước tiên thì tự bản thân người thi hành công vụ phải nghiêm chỉnh thực hiện quy định của pháp luật, của ngành. Đồng thời, phải đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật tới người dân. Tạm thời cần gác nội dung cho phép người thi hành công vụ được nổ súng vào người và phương tiện vi phạm lại.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!