Con trai "người rừng" giữa Hà Nội: Tôi cay đắng lắm!

Đình Phong |

(Soha.vn) - "Chứng kiến cảnh bố mình đi nhặt rác ngoài đường, tôi cay đắng, đau lòng lắm, nhưng thực sự tôi không làm cách nào được…", con trai của "người rừng" nói.

Ông Trương Văn Tuất (67 tuổi, người làm nghề bới rác lượm nhặt chai lọ, hiện đang sống như một "người rừng" trong căn lều được dựng tạm bợ dưới gốc cây đoạn gần dốc Bưởi ven sông Tô Lịch, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn còn minh mẫn lắm. Ông kể rằng, mình có một người con gái đã đi lấy chồng đang ở khu vực hồ Ba Mẫu (Q. Đống Đa, Hà Nội), còn cậu con trai đang ở Hà Đông (Hà Nội).

Qua tìm hiểu, chúng tôi đã liên lạc được với anh D. (con trai của ông) và được nghe rất nhiều câu chuyện về cuộc đời thăng trầm của ông.

Ông Trương Văn Tuất (sinh năm 1946) mưu sinh bằng nghề lượm vỏ chai lọ để bán. Không có nhà ở, ông dựng lều ở ven sông sống qua ngày.

Ông Trương Văn Tuất (sinh năm 1946) mưu sinh bằng nghề lượm vỏ chai lọ để bán.

Bày tỏ cảm xúc của mình khi thấy hoàn cảnh khó khăn của ông Tuất, anh D. (35 tuổi) chia sẻ: "Chứng kiến cảnh bố mình đi nhặt rác ngoài đường, tôi cay đắng lắm, đau lòng lắm! Nhưng thực sự tôi không làm cách nào được bởi ngay bản thân mình vẫn còn đang khó khăn, thậm chí có lúc nhịn ăn mấy ngày. Hoàn cảnh hiện nay không có tiền, bây giờ tôi không thể đón được bố về bởi bản thân tôi cũng đang đi ở nhờ nhà ông anh để làm ăn".

Anh D. cho biết, hiện nay anh đang làm bất động sản, vài năm trước do làm ăn thua lỗ, nợ nần nên giờ không có tiền thuê nhà phải gửi vợ, con ở nhà bà ngoài, còn mình thì đi ở nhờ nhà người anh em.

Nhớ về tuổi thơ của mình, anh D. kể từng học hết lớp 7, sau ra ngoài làm ăn, bươn trải đủ nghề, lăn lộn ngoài đời, việc gì cũng không ngại như làm xây dựng, buôn bán thực phẩm đông lạnh, hàn xì…

Sau khi bán nhà, bố mẹ xích mích, không hiểu nhau nên dẫn đến nhiều khúc mắc không giải quyết được. Năm 2007, vào 28 Tết, bố anh (ông Tuất – PV) sang đường trong tình trạng say xỉn và không may bị xe máy đâm phải vào bệnh viện cấp cứu .

Thấy bố bị chấn thương sọ não nằm ở viện nửa tháng trời, vì khó khăn nên anh D. đành phải bán miếng đất dưới Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) với giá rẻ là hơn 200 triệu đồng. Tiền viện phí cũng hơn 100 triệu đồng, số tiền còn lại anh D. dành dụm đầu tư kinh doanh nhưng thất bại.

Điều khiến anh D. buồn hơn cả trong trí nhớ của mình là khoảng thời gian bố anh (ông Tuất – PV) không dự đám cưới cả đời của mình mặc dù anh có đến tâm sự, mời bố về.

"Lẽ ra, đám cưới tôi rất vui nếu có mặt cả bố mẹ, nhưng nhiều khi ngẫm lại mà rớt nước mắt. Thời gian đó, ông ấy đưa một cô bé kém mấy chục tuổi về ở với nhau như vợ chồng. Hễ nhìn thấy cảnh ấy tôi không thể chịu đựng được", anh D. kể.

Tuy nhiên, đối với anh D., đó đã là chuyện quá khứ, thấy cảnh ông Tuất như hiện tại, đã nhiều lần anh nói chuyện, khuyên bố về nhà với anh vì dù có khó khăn thế nào nhưng anh cũng mong được chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ.

"Lúc ông ấy rời khỏi nhà, tôi nói: "Bố đi con không cấm, nếu cấm bố lại nói con cấm đoán, nhưng việc bố đi ảnh hưởng đến gia đình". Bố tôi là người rất lạc quan, sống ở đâu cũng được. Trước tôi nghe kể ngày xưa ông thường không về nhà mà lại ra công viên ngủ", anh D. cho biết.

Tuy nhiên, anh D. cho rằng bố anh là người độc đoán và không hợp với mình. Chính vì thế, anh có hướng đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục bằng việc gửi ông Tuất vào trại dưỡng lão.

"Từ khi bố bỏ đi, tôi đã có tính đến hai hướng: Thứ nhất, Tết năm nay tìm căn nhà trọ rẻ dưới Cầu Giấy (Hà Nội) để đưa bố về. Sang năm, tôi định vào Sài Gòn làm ăn, gửi tiền ra cho bố trả tiền nhà, ăn uống. Thứ hai, tôi đành phải đưa bố vào trại dưỡng lão để an hưởng tuổi già", con trai ông Tuất chia sẻ.

Liệu đến bao giờ ông Tuất mới thoát khỏi cảnh sống lay lắt, kham khổ thế này?
Liệu đến bao giờ ông Tuất mới thoát khỏi cảnh sống lay lắt, kham khổ thế này?

Anh khẳng định, không phải gia đình bỏ rơi ông Tuất cũng như con cái bất hiếu đẩy ông ra ngoài đường mà do điều kiện hoàn cảnh chưa cho phép để anh phụng dưỡng bố mẹ.

Theo anh D., thỉnh thoảng hai anh em đi qua thăm ông, mang cho ông đồ ăn hoặc tiền.

"Giờ tôi chỉ có mong ước nhỏ là kiếm được tiền để đón bố về ở một căn nhà đàng hoàng hoặc có một nơi an hưởng tuổi già mà không phải đi lang thang lượm chai lọ bán kiếm sống khổ như vậy", anh D. chia sẻ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại