Vào sáng ngày 7.3, sau khi lên rẫy, ông Chên (Điểu Chên (51 tuổi, dân tộc S’tiêng) – ngụ ở thôn Đắc Á, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) ăn liền một lúc 2 ổ bánh mì. Kế đó, ông Chên bị sốt nóng, khó thở… Ông Chên được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện, nhưng không qua khỏi và chết cùng ngày.
Ngày 9.3, gia đình đưa thi hài ông Chên chôn ở nghĩa trang thôn Bù La; sau đó, ngôi mộ được con cháu xây dựng bằng xi măng và ốp gạch men kiên cố… Bất ngờ, một tuần sau xuất hiện tin đồn rằng: Có người, khi đi ngang qua nghĩa trang thôn Bù La đã nghe tiếng động từ dưới đất vọng lên, rồi tiếng người từ mộ ông Chên vọng ra “cứu tôi với, cứu tôi với…”.
Tin đồn trên ngay lập tức lan truyền khắp xã Bù Gia Mập. Thậm chí, có người còn thêu dệt: Ông Chên còn sống nên mới kêu cứu; Ông Chên không chết, mà giả bộ chết để xem con cái có quan tâm, đối xử với mình như thế nào, giờ ông Chên sống lại, nhưng đã bị chôn sống…
Tin đồn đến tai anh Điểu Bé (29 tuổi) – con trai ông Chên. Vốn là một người con hiếu thảo, Bé không khỏi áy náy, day dứt và thấy như có tội, nếu không làm điều gì để cứu cha… Khoảng 8 giờ ngày 25.3, Điểu Bé huy động một số bà con đến và yêu cầu đào mộ cha. Mặc dù có người can ngăn, nhưng Bé vẫn cương quyết cho đào…
Mộ ông Điểu Chên, sau khi bị đào đã được xây trở lại
Sau gần một giờ đập các mảng xi măng mới xây ra và đào sâu xuống mồ, chiếc quan tài mới chôn lộ ra. Khi cậy bật nắp quan tài, mùi hôi nồng nặc bốc ra (do thi thể ông Chên đang trong giai đoạn phân hủy), mọi người bỏ chạy tán loạn…
Đến lúc đó, Điểu Bé mới tin là cha mình đã chết thật sự, tin kia chỉ là đồn nhảm. Mộ ông Chên sau đó đã được chôn lấp và xây trở lại.