Những ngày qua, dư luận “nóng” lên quanh tin đồn vô căn cứ và ác ý: Tân Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2013 mua giải thu hút không kém ở chính trong các cuộc thi sắc đẹp vốn được lăng-xê rầm rộ trên báo giới và các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong vòng 6 năm, với 3 cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam (lần đầu vào năm 2007), chưa lần nào “hậu” cuộc thi người đẹp được “thuận buồm xuôi gió”, lần nào cũng dính “tai tiếng”, không ít thì nhiều, không từ BTC thì từ thí sinh… Nhiều người nói vui: Đó là “dớp” rồi...
Cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam lần thứ 3 khép lại, thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Anh mang SBD 04 đến từ tỉnh Thanh Hóa, đã chính thức giành vương miện Hoa hậu Dân tộc Việt Nam năm 2013. Nhưng vừa đăng quang thì Ngọc Anh đã dính tin đồn vô căn cứ mua giải và "cặp kè" với con trai mới 15 tuổi của vị phó Ban tổ chức giải.
Dù đây là tin đồn hoàn toàn không có căn cứ, nhưng đã để lại nhiều hậu quả với người trong cuộc. Cậu con trai đang ở tuổi vị thành niên của bà Kim Hồng đã phải bật khóc khi được hỏi về sự việc này.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết: Đây là dư luận, đây là thông tin chưa kiểm chứng chuẩn xác, mình là cơ quan quản lý Nhà nước mà bình luận là không nên.
Trả lời câu hỏi, xét trên góc độ cậu này mới 15 tuổi, được gắn ghép quan hệ “tình ái” với một người khác và đã bị đưa hình ảnh lên trên các phương tiện thông tin đại chúng mà không được che mặt, hay giấu tên, ẩn tên thì xem chừng cậu ấy đang bị xâm phạm quyền hình ảnh, quyền trẻ em?
Ông Hữu cho rằng, trong nội dung này, cần phải hiểu được bối cảnh thực tiễn như thế nào? Chẳng hạn như không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều các nước khác cũng đề cập đến việc sử dụng hình ảnh và quyền trẻ em. Ví dụ như cùng ở độ tuổi trẻ em cả, nhưng chúng lại đồng thuận như thế nào với nhau nó lại khác hay không đồng thuận với nhau nó lại khác.
“Ở đây tôi cứ giả sử một cậu bé 15 tuổi chủ động quan hệ với cô gái 17 tuổi chẳng hạn thì nó lại là một cách hiểu khác. Nhưng cô bé 17 tuổi rủ cậu bé 15 tuổi lại là cách hiểu khác. Trong trường hợp đó chúng ta phải tìm hiểu rõ ngọn nguồn ai là chủ động, ai bị động, ai là nạn nhân, ai không phải là nạn nhân thì mới nên thông tin rộng rãi trên các phương tiện đại chúng. Còn về phương diện pháp luật, cậu bé 15 tuổi có đồng thuận hay không đồng thuận thì vẫn bị kết tội giao cấu với trẻ em” - ông Hữu đặt vấn đề.
Phóng viên đặt vấn đề tiếp, trên quan điểm của ông, chưa rõ ràng chuyện có hay không cậu này có liên đến quan hệ “tình ái” như dư luận đồn đoán nhưng lại đưa hình ảnh không được che mờ đi, thì có đúng như quyền trẻ em cần được xã hội bảo vệ không?
Theo ông Hữu, việc chưa rõ ràng mà đưa hình ảnh cậu con trai 15 tuổi của bà Kim Hồng mà không che mặt là vi phạm quyền trẻ em (hình ảnh mặt đã được chúng tôi làm mờ)
“Tôi cho là những hình ảnh liên quan đến trẻ em mà được đưa lên mặt báo thì không thực sự hay lắm. Lẽ ra, cả kể chuyện đó là có thật thì liên quan đến tôn trọng, danh dự, nhân phẩm của trẻ em thì thường người ta cũng không đưa kiểu như vậy.
Ví dụ những trẻ em bị buôn bán, bắt cóc, xâm hại về tình dục thì báo chí đưa thường bao giờ cũng đổi tên, ẩn tên không mấy khi là đưa tên thật. Hoặc có đưa hình ảnh thì cũng chỉ là hình tượng trưng thôi chứ không bao giờ đưa rõ mặt cả. Tôi không biết chuyện đó có thật hay không nhưng đứng trên cá nhân tôi là không nên.
Với thông tin như vậy phần nào động chạm đến cái riêng tư, danh dự của trẻ em cho dù trẻ em là nạn nhân hay người phạm tội. Bởi, nếu sự việc khẳng định không có, chỉ qua dư luận mà kênh thông tin đã đưa lên là xâm phạm quyền trẻ em, quyền cá nhân, nhân phẩm, danh dự của người đó rồi, vì trẻ em cũng cần được tôn trọng nhân phẩm và danh dự.
Như vậy anh chưa rõ ràng, chưa đủ chứng cứ, cơ sở nào mà anh đưa nó lên là không đúng và là việc làm không nên. Việc làm vội vàng này sẽ để lại hậu quả không hay cho những người trong cuộc, trong đó trẻ em cũng chịu ít nhiều những tổn thương về tinh thần"” - ông Hữu phân tích.