Trao đổi bên lề QH, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh: "Cán bộ trẻ cần có sự trải nghiệm. Không mạnh dạn bố trí để họ cọ xát thực tiễn thì không thể đánh giá được".
Bí thư 40 tuổi không gọi là trẻ
Bà Quyết Tâm nói:
Ở tuổi trên dưới 40 không thể gọi là trẻ được, càng không phải quá trẻ để đảm nhận những chức danh như bí thư tỉnh ủy. Họ chỉ trẻ hơn lớp trước thôi.
Để có một đội ngũ cán bộ trẻ, phải quy hoạch, đào tạo và quan tâm đến việc bố trí để thử thách. Cán bộ trẻ phải có sự trải nghiệm mà mình không mạnh dạn bố trí để họ cọ xát thực tiễn thì không thể đánh giá được.
Từ thực tiễn, cán bộ trẻ mới chứng minh được năng lực, phẩm chất đạo đức và sở trưởng của mình để biết họ vào lĩnh vực nào là phù hợp.
Điều tôi thấy rõ nhất ở đội ngũ cán bộ trẻ là họ được đào tạo rất bài bản cả lý luận, thực tiễn và trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Qua thực tiễn, tập thể thấy rất rõ họ nổi lên, chứng minh được năng lực, đạo đức của người cán bộ, xứng đáng được bố trí ở những vị trí quan trọng, được xã hội chấp nhận, được đại hội đánh giá cao, tín nhiệm cao.
Theo bà, việc những cán bộ trẻ được đề bạt vào các vị trí chủ chốt như vậy có phải là một bước đổi mới trong công tác cán bộ ?
Chúng ta phải nhìn nhận công tác nhân sự có tính thế hệ. Các đồng chí 60 tuổi trở lên đã nghỉ thì trước đây cũng có một thời tuổi trẻ, có cả một quá trình cống hiến, làm tốt, làm được.
Bây giờ họ lớn tuổi, thế hệ khác lên thay. Tập thể tín nhiệm là tín nhiệm kỳ này tới kỳ khác, đó là chuyện bình thường chứ không phải bây giờ mới có cán bộ trẻ.
Đó là một quá trình vừa bố trí, vừa đào tạo. Bây giờ, các bạn trẻ lên lại tiếp tục đào tạo cán bộ mới mười mấy, 20 tuổi.
Ví dụ như TP.HCM, các bạn trẻ 18 tuổi tốt nghiệp phổ thông, đi vào đại học, TP đã nhắm đến các trường đại học để đưa vào quy hoạch chuẩn bị đội ngũ cán bộ dài hạn.
Rồi sẽ có một lớp cán bộ trẻ khác kế tiếp.
Con em lãnh đạo hư hỏng mới là điều bất hạnh
Phó bí thư Thành ủy TP.HCM cũng chia sẻ:
Nếu như con em cán bộ lãnh đạo có sự trưởng thành và được đại hội Đảng tỉnh thành và được tổ chức tín nhiệm giao những trọng trách lãnh đạo thì đó là sự kế thừa truyền thống, họ giữ gìn truyền thống đó và biết phát huy truyền thống đó để tiếp nối sự nghiệp của cha ông.
Tôi nghĩ điều đó quá là hạnh phúc đối với dân tộc mình chứ sao lại nghi ngại.
Chỉ trừ những trường hợp khuất tất, không có năng lực. Còn những trường hợp vừa rồi là đại hội bầu. Đó là sự tín nhiệm của cả một đại hội.
Nếu con em cán bộ, lãnh đạo mà hư hỏng, đó mới là điều bất hạnh của đất nước.
Bà kỳ vọng gì vào đội ngũ cán bộ, lãnh đạo trẻ hiện nay?
Tôi kỳ vọng vào tính năng động, sáng tạo, sự xốc vác, nghĩ nhanh của các bạn trẻ.
Các bạn trẻ sẽ trưởng thành hơn từ thực tiễn. Có những bài học rất quan trọng, đó là gần dân, hiểu dân và học dân. Các bài học đó các bạn trải nghiệm chưa nhiều cần phải học hỏi thêm.
Một điều nữa tôi mong muốn là các bạn trẻ hãy biết phát huy sự trải nghiệm, kinh nghiệm của người đi trước. Có thể họ chậm hơn do tuổi tác nhưng sự trải nghiệm của thế hệ trước bao giờ cũng cần thiết cho bất cứ lãnh đạo nào.
ĐBQH Bùi Thị An, Hà Nội: Lãnh đạo cũng có tố chất di truyền
Trong thực tiễn của thế giới cũng như ở Việt Nam, có những gia đình có tố chất di truyền. Tố chất ấy được thể hiện trong lãnh đạo, trong các ngành chuyên môn.
Như trong y học có gia đình GS Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Bách, rồi các nhà văn, nhà thơ đều có những trường hợp “cha truyền con nối” thì trong chính trị cũng có những gia đình như vậy.
Mọi người đều bình đẳng, ai phấn đấu rèn luyện tốt thì đều có thể được đề bạt vào những vị trí quan trọng.
Tuy nhiên, những người có truyền thống gia đình đã có cái gốc sẵn thì bản thân họ sẽ có điều kiện học hỏi, lấy kinh nghiệm của cha ông mình làm vốn cho mình.
Bây giờ nhận định gì về họ thì hơi sớm. Phải qua thời gian thực tiễn 1-2 năm, thậm chí một nhiệm kỳ sẽ trả lời được tất cả những câu hỏi bây giờ đặt ra. Như vậy mới chính xác được.