Con kênh xanh ngắt, yên ả thả trôi những cụm lục bình như hàng ngàn con kênh ở xứ miền Tây, nhưng trong từng thân tràm, trong từng ngọn cỏ dưới dòng nước lấp loáng nắng hè này lại là nơi "ông trời" trút giận. Khi mây âm u, gió thốc từng cơn, con người không dám bén mảng tới gần, bởi bất thình lình tiếng sấm "chết chóc" bổ xuống có thể đoạt mạng trong gang tấc. Nhiều cái chết thương tâm đã xảy ra, chưa ai lý giải nổi, chỉ biết rằng, đó là do "trời đánh".
Hãi hùng "thiên lôi" đoạt mạng
Vắt qua ấp 4 (xã Long Thành, huyện Thủ Thừa, Long An), con kênh "trời đánh" nằm giữa ruộng lúa mênh mông trổ đòng. Không một bóng người lai vãng. Cạnh đó, rải rác những quán cà phê võng đón chân du khách. Thấy chúng tôi lớ ngớ đứng trên cầu, chị bán nước mía gần đó la bải hải: "Trời ơi, đứng đó coi chừng bị ổng phạt bây giờ".
Chúng tôi chưa kịp định thần thì chị giải thích: "Ở kênh này, chiều nào trời cũng âm u, "ổng" lại lên cơn cho mấy phát là toi mạng hết ráo". Hóa ra, ổng ở đây là thiên lôi. Hỏi ra mới biết nhiều người dân nơi đây kỵ chữ "trời đánh" hay "sét đánh" vì sợ phạm húy trời đánh thật. Chuyện sét đánh ở con kênh này diễn ra từ bao giờ không ai biết. Chỉ biết người đầu tiên khai hoang lập ấp đã chứng kiến hiện tượng hãi hùng này.
Con kênh "trời đánh".
Chị Huỳnh Thị Thu Phương, một người dân của ấp kể: "Trước đây, con kênh này tên là kênh 9, nhưng do sét đánh chết người nhiều quá nên người dân ở đây gọi là kênh "trời đánh". Độ vào khoảng tháng 9, tháng 10, mưa như trút nước thì sét nhiều vô kể. Tui ở đây mà sét đánh ngoài kia nghe khét lẹt. Hồi đó cũng có người mần lúa, đi giăng câu ở con kênh này vào buổi chiều, nhưng từ khi xảy ra các vụ chết người thì không ai dám bén mảng đến đó để bắt tôm cá nữa. Người đi làm ruộng thì chỉ đi buổi sáng, đến chừng trưa là về". Đến mùa mưa, gần như đêm nào người dân cũng bị "trời hành" vì tiếng sấm liên hồi. Nhà nào có trẻ con thì đứa nào đứa nấy kinh hãi khóc thét.
Những đứa trẻ nít hiếu động luôn bị ba mẹ đem những vụ án mạng kinh hoàng để dọa, không cho ra kênh buổi chiều. Chị Thu Phương dẫn chúng tôi đến nhà ông Tư Dùng, người cha bất hạnh có cô con gái bị con kênh đòi mạng. Ruộng ông Tư Dùng nằm ở ngoài kênh nhưng nhà cách đó cả năm cây số. Nhắc lại cái chết thương tâm của con gái, gương mặt lão nông Tư Dùng càng thêm héo hon: "Chiều hôm đó nó tranh thủ bồng con về thăm nhà ngoại rồi cùng tui ra thăm đồng. Thấy trời nắng to nên tui vui vẻ cho nó đi. Tui ở bên ruộng này, nó bên ruộng kia cách nhau khoảng 200 thước. Đâu ngờ mới ra ruộng, trời tối sầm. Tôi sợ quá tính quay lại gọi con về thì đã nghe tiếng "đoàng" inh tai nhức óc.
Sau khi con gái mất, vợ chồng ông Tư Dùng cưu mang đứa cháu ngoại.
Nó ngã xuống, chiếc nón lá bị đánh nát tan tành. Tui chạy tới nơi thì nó nằm im, người không hề hấn gì. Vợ chồng tui đưa nó đi trạm xá nhưng người ta nói không kịp nữa". Lúc chạy lại ôm con gái, ông thấy sợi dây chuyền vàng trên cổ con bị rớt từ lúc nào. Hóa ra nó bị đứt và rớt ngay trong túi áo của cô. Vợ chồng ông chắc chắn do sợi dây chuyền này mà con bị sét đánh. Con gái ông chết để lại đứa con thơ hơn một tuổi. Đêm đó, lẫn trong tiếng gió mưa, tiếng sét rạch trời là tiếng khóc thét của trẻ con, tiếng gào thương thảm thiết của cha mẹ. Ba tháng sau, chàng rể quý hóa của ông bà vội vã đi lấy vợ mới, bỏ đứa con bơ vơ cho nhà ngoại.
Một vụ đoạt mạng kinh hoàng khác mà người dân nơi đây vẫn truyền tai đầy ghê sợ. Có nhóm người từ ngoài Bắc đi gặt mướn. Trời chiều bỗng nổi cuồng phong, sét băm nát trời. Do từ xứ khác đến nên nhóm người vẫn chủ quan gặt tiếp. Bỗng tiếng nổ inh tai, ánh chớp sáng lòa ngay cạnh khiến ai nấy hoảng hồn buông liềm. Cảnh tượng khiến các cô gái vừa nhìn thấy đã ngất lịm: Anh thanh niên tay vẫn cầm chặt liềm, mắt trợn trừng, người đen kịt. Mùi khói khét lẹt bốc từ quần áo, tóc tai, da thịt. Người dân trong vùng kéo đến xem đông nghẹt, họ dè sợ vì sao sét đùng đùng liên tục như thế mà trong hàng chục người đang gặt chỉ có anh thanh niên bị thiên lôi giáng búa.
Chỗ anh thanh niên nằm chết, không một cây cỏ nào mọc nổi. Đất cứ thế khô cằn. Cái chết ấy khiến nhiều người nhớ lại cái chết của bà Năm Nên khi đi làm đồng. Sét đánh khiến bà Năm Nên chết tại chỗ, hai con bị thương nặng. Chỗ bà Năm Nên đứng trước khi chết, đến nay vẫn in hằn hai dấu chân khiến ai đi qua cũng sởn tóc gáy.
Con kênh báo oán?
Sau vụ sét đánh chết người đó, người dân trong vùng ai cũng kiêng dè đến nỗi khi xây dựng cầu bê tông bắc ngang kênh, họ cũng đặt tên là "cầu trời đánh". Con nhà ông Bảy gần đó sợ điều xui rủi nên anh này xóa chữ "đánh" khiến tấm bảng chỉ vỏn vẹn chữ "cầu trời". Đó là ước mong của người dân, cầu trời ban yên bình, con kênh thôi chết chóc.
Cầu Trời đánh và bảng tên đã bị người dân xóa mất chữ "đánh".
Thế nhưng trời vẫn không chịu cho dân nơi đây hai chữ bình yên. Liên tục có người bị sét đánh, không chết thì thương tật hoặc tâm thần. Mấy tháng trước, ông Hai ở xã Long Thạnh đi ngang qua cầu. Vừa rút điện thoại ra để nghe thì đùng một cái bên tai khiến ông này giật nảy mình đánh rơi điện thoại. Cũng may của đi thay người. Chiếc điện thoại cháy khét trong khi ông không hề hấn gì. Nhưng kể từ đó, ông Hai cứ tưng tưng, khùng khùng. Hễ ai nhắc đến hai chữ "trời đánh" là ông lại la hét, đập phá như người bị động kinh.
Chị Thu Phương bảo mấy năm gần đây, có lẽ do đánh chết hụt nhiều người nên ông thiên lôi nổi trận lôi đình, đánh tơi bời khắp con kênh. Thậm chí trời không mưa, chỉ hơi âm u, sét cũng rạch nền trời sáng lòa. Những cây to ven bờ bị sét đánh gãy trụi đến mức chết khô dù đang trong mùa mưa. Trâu, bò lỡ không kịp dắt vào nhà thì coi như phải thế mạng cho người. Những nhà gần đó ông cũng không tha. Có nhà bị sét đánh hư hết cả bộ cầu chì, bay mái nhà, cháy máy tính, điện thoại bàn... Sét to đến nỗi người ngồi trong nhà vẫn thấy hơi điện ép nghẹt.
Đến nay, chưa ai giải thích được vì sao con kênh này lại là nơi ông trời trút giận. Những kẻ yếu bóng vía bảo con kênh đang báo oán, ai đụng chạm đến đều bị thiên lôi trừng trị thích đáng. Kẻ khác thủ thỉ rằng con kênh vốn có nhiều người chết, oan hồn họ đòi mạng. Những cái chết được phủ thêm màu sắc tâm linh khiến ít người dám bén mảng đến con kênh. Tràm, cỏ dại mọc hoang chen chúc làm con kênh thêm nhuốm mùi chết chóc. Đến nay người dân nơi đây vẫn hay bàn tán chuyện ông Tư Dùng trước đây cùng vợ đi làm mà mưa sét đùng đùng trên đầu cũng không hề hấn gì. Thậm chí vợ chồng ông còn mong trời mưa để làm ruộng cho mát. Vậy mà con gái ông lại chết. Người bảo con gái ông là con của trời, nên trời xuống đem đi. Người độc miệng thì mỉa mai người chết ăn ở thất đức nên mới bị trời đánh, thánh hành. Ông Tư Dùng nghe đủ lời đồn thổi, chỉ cười mà đau cho con.
Ông Lê Văn Ngon, Trưởng ấp 4 (xã Long Thành, huyện Thủ Thừa, Long An):
"Để hạn chế thiệt hại do sét đánh, chúng tôi phải đi vận động bà con khi thấy mưa, giông phải nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn, tốt nhất là chạy vào nhà. Không nên trú mưa ở chòi giữa đồng hay đứng dưới tán cây cao. Đồng thời, không nên mang điện thoại di động, cuốc, xẻng hay đồ kim loại, đi chân không. Đến nay, vẫn chưa có đoàn khoa học nào về khảo sát nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Do đó tình trạng bà con đồn thổi, thêu dệt thêm về con kênh là có thật. Nhưng chúng tôi luôn giải thích với bà con đây là hiện tượng tự nhiên bình thường, còn các vụ sét đánh chết người là trường hợp không may. Chúng tôi chủ trương không cho dân chúng lập nơi thờ tự tại kênh nhằm bài trừ mê tín dị đoan".
Ông Đặng Hữu Thọ, chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ Tp HCM:
"Nguyên lý chung của hiện tượng sét đánh là do sự tương tác hai cực âm dương dưới mặt đất và mây ở trên. Hiện tượng sét đánh tập trung ở con kênh này có nhiều lý do, có thể do nhiều cây cao, mây ở vùng đó tập trung điện tích mạnh hoặc cũng có thể do trong đất chứa các kim loại nặng. Tuy nhiên muốn biết chính xác nguyên nhân phải thực hiện khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng. Trước mắt, cần xây dựng các cột thu lôi ở con kênh này để hạn chế nguy hiểm cho người dân".