Theo miêu tả trên tờ Lao động, đồn đột còn được gọi là đỉa biển, ngày xưa ngư dân phải vất vả lặn lội khu vực biển sâu để bắt mang về, chủ yếu để cống nạp cho vua quan.
Bởi theo quan niệm dân gian đồn đột giúp tráng dương cường lực, bồi bổ cơ thể không thua gì các loại sâm quý hiếm nên nó được xem như là thứ hải sâm của miền biển.
Con đồn đột trông giống như con giun khổng lồ đầy màu sắc ở đáy biển, trong hang đá, khe cát có độ sâu hơn chục sải.
Ở dưới nước, đồn đột có con dài đến 40cm, đường kính gần 20 cm, nặng từ 1-3 kg.
Bị bắt lên, nó thun lại, tròn như trái bóng, cái lỗ miệng bé tí như lỗ van bơm hơi. Da đồn đột thay đổi màu sắc tùy theo môi trường nơi nó sống như tắc kè.
Theo thông tin trên tờ Cần Thơ Online thì khi săn đồn đột, người ta phải căng mắt nhìn những bọt khí từ hốc đá nổi lên mặt nước để nhận biết chúng đang ở đó.
Đồn đột thường trú kín trong hốc đá và chừa lại các miệng bé xíu để đớp phù du. Để bắt đồn đột, người ta dùng cái bai thợ hồ bươi móc trong hốc đá hoặc phần cát dưới một khối đá.
Không những vậy, để bắt được loài "hải sâm" này, các ngư dân phải lặn xuống ghềnh nước sâu.
Khi lặn xuống biển phải vào thời điểm ban đêm, có đèn ở độ sâu khoảng mười đến mười lăm sải nước chờ cho chúng đi kiếm mồi.
Chúng chậm chạp và hiền lành nên khi phát hiện là chắc chắn tóm được.
Đồn đột được chế biến thành nhiều món ăn ngon: Có thể xào với nấm và các loại rau củ hoặc ăn với lẩu… Tùy khẩu vị của khách mà đầu bếp có gợi ý chế biến thành những món ăn khác nhau.
Có người còn ngâm rượu nếp hải sâm bằng đồn đột với đại hồi, tiểu hồi.
Du khách từ khắp nơi, kể cả người nước ngoài rất thích ăn món này.
Hiện nay, giá đồn đột khoảng 400.000 đồng/kg, tùy từng vùng. Đồn đột biển Rạng ở Bình Thuận được bán rất nhiều tại các nhà hàng, quán ăn.
Tổng hợp