Cứ nhìn vào quy hoạch của đường Xã Đàn mới thấy cách gọi của dân gian quả không ngoa chút nào. Có lẽ, chẳng ở nước nào trên thế giới lại có chuyện quy hoạch ba con đường (Đê La Thành - Xã Đàn - Đông Tác) gần nhau đến thế, chẳng ở đâu có những ngôi nhà nghiễm nhiên trở thành nhà hai mặt phố giống như ở Xã Đàn.
Cái danh xưng "con đường đắt nhất hành tinh" đầy mỉa mai có lẽ cũng chẳng lấy gì làm vinh quanh cho lắm.
Không phải ngẫu nhiên mà người dân Hà Nội gọi chệch đi thành "con đường ngứa mắt nhất hành tinh". Đó là bởi, những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo xốn con mắt chình ình trên mặt đường mới quy hoạch khiến cho bộ mặt đô thị trở nên vô cùng dị mọ, nhếch nhác.
Đường Xã Đàn đẹp nhưng quy hoạch đô thị méo mó, nhếch nhác.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội biện minh rằng "không chỉ riêng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mà cả nước ngoài cũng xảy ra hiện tượng này trong quá trình phát triển đô thị".
Ông Hùng cũng có nhắc tới kinh nghiệm của các quốc gia khác trong giải phóng mặt bằng, thu hồi rộng sang hai bên thay vì chỉ thu hồi đúng diện tích lòng đường theo quy hoạch, song lại cho rằng "không phải dự án nào cũng làm được như thế" và với dự án đường Xã Đàn thì "không đủ kinh phí cho giải phóng mặt bằng".
Không hiểu vô tình hay cố ý nhưng ông Giám đốc Sở Xây dựng đã quên đưa nốt thông tin: Các nước khác họ sẽ đấu giá phần đất được thu hồi sang hai bên cho các nhà đầu tư có khả năng kèm theo ràng buộc họ phải xây dựng theo quy hoạch có sẵn, cách làm này vừa giải quyết bài toàn bộ mặt đô thị, vừa giải quyết bài toán thiếu tiền cho ngân sách.
Với dự án ở "tuyến đường đắt nhất hành tinh" như Xã Đàn chứ không phải một tuyến đường phải giải phóng mặt bằng chạy qua nơi đồng không mông quạnh, cách làm này hoàn toàn khả thi.
Cũng giống như cách giải thích về tuyến đường Xã Đàn, những biện hộ của Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội về quy hoạch đường Trường Chinh dường như không làm thoả mãn bất cứ người dân nào.
Nhìn vào con đường hình ghi đông đang thành hình, chẳng có ai bình thường lại không cảm thấy thốn con mắt.
Có thể với các quan chức của Hà Nội như ông Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Dương Đức Tuấn, sự “cong mềm mại” của con đường Trường Chinh có thể “chấp nhận được” nhưng với những người dân ở khu vực đường Trường Chinh nói riêng và những người có trách nhiệm nói chung, sự cong queo méo mó của con đường là không thể chấp nhận được.
Nó không chỉ đơn giản là sự tổn thất hàng 1.000 tỉ đồng của xã hội do khúc quanh của con đường gây nên mà cái mất lớn hơn cả, đó là lòng tin của người dân đối với những người có trách nhiệm, với các cơ quan công quyền của Hà Nội.
Dư luận có thể có thể dần lắng xuống nhưng chắc chắn người dân sẽ không quên. Vết con của con đường sẽ trở một vết hằn trong tâm trí của người dân về năng lực trí tuệ của cũng như sự thẳng thắn, không vụ lợi của quan chức trước bất cứ quyết sách nào của họ sau này.
Bẻ cong đường Trường Chinh.