Con đường dành cho số ít cá nhân xuất chúng

Nguyễn Tuấn Hải |

Con đường dành cho rất ít các cá nhân xuất chúng, mà với họ, việc học dễ như lấy đồ trong túi vậy. Họ không tốn quá nhiều thời gian và công sức cho việc đó trong lúc vẫn dành đủ thời gian cho các đam mê khác.

Học nhiều, học khó có đúng?

Người Nhật quan niệm một đứa trẻ bình thường không nhất thiết cần phải học nhiều và học khó để trở thành học giỏi nếu như quá trình này tốn kém về thời gian, công sức và tiền bạc.

Fukuzawa Yukichi, một trong những nhà tư tưởng lớn của Nhật Bản, từng nói, học không phải là học làm sao cho nhiều và càng không phải học tới mức thật khó những thứ không thiết thực cho cuộc sống (trích Khuyến học).

Đó là con đường dành cho rất ít các cá nhân xuất chúng mà đối với nhóm thiểu số này việc học dễ như lấy đồ trong túi vậy. Họ không tốn quá nhiều thời gian và công sức cho việc đó trong lúc vẫn dành đủ thời gian cho các đam mê khác.

Chương trình học tiểu học của Mỹ và Nhật rất nhẹ nhàng. Lên trung học tình hình sẽ thay đổi theo hướng chuyên sâu nhưng một khi càng học sâu thì học sinh càng học ít môn đi.

Khái niệm các môn tự chọn và môn AP theo kiểu Mỹ (chuyên sâu: advanced programme) ra đời. Vào các năm cuối trung học số môn tự chọn có thể giảm xuống thậm chí chỉ còn 4 môn (đặc biệt là A Level tại Anh) và số môn chuyên sâu AP có thể là 1 hoặc 2.

trẻ con, giáo dục, học sinh, phương pháp
Xã hội có thể chọn lựa từ lực lượng lao động trẻ những con người phù hợp thay vì cố tìm kiếm và chọn những con người giỏi nhất như hiện nay.

Ở Việt Nam thì sao?

1. Ở các trường chuyên: học sinh chuyên gần như dành thời gian và công sức học một môn chuyên nhiều và khó tới mức không cần thiết trong khi các em vẫn phải học gần chục môn  khác cùng lúc.

Học sinh có thể giỏi một môn chuyên nào đó nhưng lại rỗng kiến thức ở các môn khác. Đó chưa là nói tới các vấn đề về kỹ năng làm việc hay khả năng sáng tạo.

2. Ở các trường thường: học sinh học hàng chục môn trong tình trạng yếu kém về chất lượng dạy và học trong trường và trên lớp theo kiểu học khuôn mẫu và cứng nhắc áp đặt kiến thức và thiếu thực hành.

Học sinh học nhiều môn với rất ít hứng thú và đam mê. Việc học thêm khiến cho khối lượng kiến thức nhân lên rất lớn.

Ở trường thường thì phổ biến chuyện học nhiều còn ở trường chuyên thì vừa học nhiều vừa học khó. Thậm chí rất khó và càng khó thì phụ huynh càng thích.

Hãy nhìn vào đề thi vào chuyên các môn đặc biệt là toán vào cấp 2 và cấp 3 để thấy được cả hai mức độ nhiều và khó mà một đứa trẻ đến trường  phải chịu đựng là thế nào.

Học sinh nhất thiết phải luyện theo kiểu gà chọi và gà nòi qua nhiều năm (tối thiểu là 2 năm để làm quen và trở thành thợ giải bài nhanh nhất có thể).

Ngoại trừ một số cá nhân xuất sắc vượt lên để không bị đóng khung về kiến thức ra thì còn lại đa phần các em chỉ làm bài theo dạng quen và theo kiểu công thức máy móc.

Khó ở đây là được hiểu và khai thác theo chiều hướng lắt léo và đánh đố. Nếu bạn không học trước và học nhiều kiểu đó thì bạn đừng mong có thể giải được bài.

Như vậy khó kiểu này là vô ích trong việc rèn khả năng sáng tạo và thích ứng. Thậm chí nó làm cho tư duy trẻ trở nên cứng nhắc và bảo thủ.

Câu chuyện về mức độ khó khi các học sinh của ta theo học sâu về các môn ở khía cạnh: nó có đúng với sự phát triển về trí tuệ và tâm lý lứa tuổi hay không?

Nó có thực sự cần thiết khi chúng ta bỏ qua một số thứ kiến thức nền móng cần thiết cho cuộc sống sau này của một người trưởng thành hay không?

Nhìn vào chương trình học của học sinh Việt Nam chúng ta đều có cảm giác là các nhà viết SGK muốn bọn trẻ biết hết mọi thứ, nhưng thực ra lại thiếu nhiều thứ.

Nguyên điều này đã sai về phương pháp giáo dục và việc học sinh từ học nhiều chuyển sang học khó đã vượt qua ngưỡng trí tuệ và tâm lý của một đứa trẻ.

Với kiến thức nhiều và khó mang tính áp đặt và máy móc, bọn trẻ trở nên sợ hãi trước kiến thức và bài thi thay vì tò mò khám phá và nghi ngờ các vấn đề để dám đặt câu hỏi nhằm mục đích lật ngược các vấn đề đó.

Ví dụ về nội dung tiểu học của ta trong phép so sánh với tiểu học của Mỹ: cho dù SGK và sách tham khảo cố nhồi kiến thức vào đó thì vẫn còn đó sự thiếu vắng các mảng kiên thức sau mà trẻ cần biết , cần được học mà không cần phải học nhiều:

Đó là: Các kiến thức về khoa học về  trái đất, về sự sống và về vật lý (Earth Science: Life Science và Physical Science) và các kiên thức về xã hội trong môn Social Studies bao gồm Kinh tế học (Economics ); Chính phủ (Government); Lịch sử (History); Địa lý (Geography) ; Văn hóa (Culture).

Nền giáo dục của chúng ta đã vi phạm nguyên tắc về điểm rơi của kiến thức: đến sớm hay đến muộn đều không được mà phải đến đúng lúc.

Học suốt đời

Tinh thần tự học suốt đời là một tinh thần quý giá và cần thiết với từng cá nhân nhưng đó là sự học nhấn mạnh vào tự học chứ không phải thứ xui khiến người ta cứ mãi đi học vì kiến thức và bằng cấp như ở ta.

Tốt nghiệp đại học chưa có việc làm thì đi học thạc sỹ. Học xong thạc sỹ mà chưa đủ để kiếm việc thì học tiến sỹ.

Người học được hướng vào việc học thay vì vào việc làm một cái gì đó và cống hiến.

Một xã hội đầy bằng cấp và đầy những người học mãi như xã hội ta vẫn không thể làm ra một cái đinh ốc cho Samsung. Đó là bởi người ta học thích học chứ không thích làm.

Trong khi, thay vào đó cần phải học theo đam mê và khả năng, đừng học nhiều và khó không cần thiết.

Mục tiêu giáo dục cần nhấn mạnh vào sự đa dạng về kiến thức mà học sinh cần có được. Các em không cần phải có hiểu biết giống nhau.

Các em có quyền không thích học môn học này hay học dốt môn học kia. Để cho các em có thời gian và dành trí lực học giỏi một môn học khác theo cả đam mê lẫn khả năng của mình.

Để xã hội chúng ta có được các cá thể khác nhau về kiến thức và khả năng. Và xã hội có thể chọn lựa từ lực lượng lao động trẻ những con người phù hợp thay vì cố tìm kiếm và chọn những con người giỏi nhất như hiện nay.

Sự đa dạng ở đây chính là tiền đề cho sự công bằng và nhân văn - có được qua giáo dục.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại