Ông Đậu Xuân Lới, ở Tiên Điền, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) với hàng chục năm chài lưới nuôi thân đã may mắn khi liên tiếp bắt được cá sủ vàng. Để rồi phút chốc đổi đời, có của ăn của để.
"Thời xa vắng", cá vàng rẻ hơn cá trích
Sông Lam hạ nguồn, rộng và sâu. Xa xưa, đoạn sông chừng vài chục cây số từ Bến Thủy ra cửa biển vốn lắm tôm nhiều cá. Vùng đất hai bên bờ từ lâu đã hình thành những làng chài khá quy mô, thuộc các huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và Nghi Lộc, Cửa Lò, TP. Vinh ( Nghệ An ).
Người dân Lam Thủy, Tiên Điền (Nghi Xuân) ngày nay chẳng ai không biết ông Đậu Xuân Lới. Dù đã “chia tay” chài lưới được ít lâu, nhưng ông lão 70 tuổi vẫn kể vanh vách những câu chuyện sông nước, vốn gắn chặt với ông từ ngày lọt lòng mẹ cho đến khi lên chức “lão”.
Ông tâm sự, hơn 50 năm làm ngư phủ, ông đã “quần nát” khúc sông này. "Không có đoạn mô mà tui chưa giăng mẻ lưới, quăng đám chài, hay thả câu vương vây cá lớn…
Rứa mà lúc đầu bọn tui chẳng biết giá trị con cá sủ vàng. Thời đó, tôm cá đang nhiều, sủ vàng có bắt được cũng xẻ thịt cho vợ đưa chợ bán. Mà nói thật, thịt loài cá này cũng không có chi đặc biệt, bán còn rẻ hơn cá trích ngoài biển nhiều", ông lão kể.
Thế rồi, bỗng một thời gian sau đó, thương lái từ Hải Phòng nghe tin đã tìm vào xứ Nghệ tìm mua cá sủ vàng. Người dân địa phương “chóng mặt”, phát sốt với cái giá khủng mà các thương lái đưa ra. Cơn sốt đó cách ngày nay chừng ba chục năm…
Kể chuyện bắt 23 con cá sủ vàng
Theo ông Lới, từ những năm 1970 trở đi, cá sủ vàng bắt đầu có giá và cũng hiếm dần. Ngày đó, người dân hò nhau đan “lưới te” để đi săn nhưng được một thời gian rồi chán nản bỏ cuộc.
"Cá sủ vàng như cái lộc trời cho rứa. Có người ròng rã săn cả năm trời không được, nhưng có người vừa thả lưới xuống, chỉ cốt đánh bắt dăm ba con cá sông về ăn, lại vớ được cá sủ vàng ", ông Đậu Xuân Lới nói.
Riêng cái sự may mắn nhận được “lộc trời” đó thì một dải sông Lam không ai hơn ông Lới. Trong vài chục năm, ông liên tiếp bắt được cá sủ vàng, tổng cộng 23 con. Thành tích vô đối ở cả 2 bờ sông Lam!
"Tui bắt được nhiều thế nhưng chỉ 4 con là có giá trị", ông lão kể. “Khoảng từ năm 1974 đến 1980, tui bắt 3 con khá lớn, lần lượt bán được 15, 25 và 38 triệu. Thời đó, từng ấy tiền là lớn lắm rồi".
Con cá lớn nhất ông Lới bắt được trong “sự nghiệp” là vào năm 1997. Ông thuật lại: "Hôm đó, 4 cha con tui đi thuyền thả lưới đoạn thuộc xã Tiên Điền. Trước đó mấy đêm liền nằm ngủ tui đều nghe âm thanh lớn và rất lạ phát từ dưới sông. Tui đã đoán là có sủ vàng.
Lúc kéo lưới lên, các con tôi kêu là có vật gì mắc vào, lưới rất nặng. Tui bảo chúng kéo mạnh tay thì thấy có vật quẫy đạp mạnh trong lưới. Chắc mẩm có cá sủ vàng, tôi một tay cầm vợt, một tay giữ mép lưới, hễ kéo lên khỏi mặt nước là úp ngay. Quả nhiên đúng là cá sủ vàng", ông lão mắt long lanh kể lại một thời ngư phủ sôi nổi.
Mấy cha con mừng rỡ kéo cá lên thuyền rồi đưa về nhà, người dân trong và ngoài xã chen chúc kéo đến chứng kiến. Lúc bán cho thương lái Hải Phòng, con cá cân nặng 67kg, giá 170 triệu.
Nhận món tiền “khủng”, ông lão và gia đình thoát cảnh nghèo đói, xây cất được căn nhà khang trang và có tích lũy. Mấy năm sau, ông có điều kiện chạy cho con xuất khẩu lao động, gia đình ngày càng khá giả.
Ngày nay về vùng Lam Thủy, sát bên đường thấy có căn nhà 2 tầng khang trang, nổi bật, đó chính là nhà ông Đậu Xuân Lới, “vua” bắt cá sủ vàng ở sông Lam .