Đó là tâm sự của cô sinh viên Bùi Thị Hằng, đang học năm thứ 2, Khoa Quản trị Kinh doanh Quốc tế, ĐH Ngoại thương về kỷ niệm buồn ở xã Bát Trang, huyện An Lão, tỉnh Hải Phòng .
Suy sụp khi bố mất vì căn bệnh ung thư
Hằng kể về tuổi thơ đau buồn của mình bởi chính cuộc sống ấy đã tiếp thêm cho cô sức mạnh vươn lên không ngừng trong cuộc sống. Mẹ Hằng là công nhân khâu tay của Công ty TNHH Sao Vàng, đã 12 năm nay, mỗi buổi sáng mẹ đều dậy sớm đạp xe 10 cây số để kiếm những đồng lương ít ỏi trang trải cuộc sống cho cả nhà.
Vì sức khỏe của bố không tốt nên tất cả gánh nặng dồn lên đôi tay khâu giầy của mẹ. Khó khăn chồng chất, mẹ nhận thêm hàng khâu tại nhà nhưng… tiền thuốc men cho bố, tiền học hành của hai chị em khiến gia đình cận nghèo ấy trở thành “con nợ”.
Tuổi thơ dữ dội, nghèo khó đã giúp cô sinh viên Bùi Thị Hằng nỗ lực có cơ hội học trên giảng đường đại học.
“Những cuộc cãi vã giữa bố mẹ về vấn đề tiền bạc, nhiều lần bố em không có tiền trả nợ khi chủ nợ đến đòi… Có lẽ cuộc sống thiếu thốn, khó khăn khiến nụ cười hạnh phúc, vui vẻ của gia đình thực sự hiếm hoi, chỉ có những lời cãi vã, than vãn của bố mẹ”, Hằng nhớ lại trong nước mắt.
Nhưng những lời căn dặn của bố vẫn in hằn trong đầu, Hằng nghẹn ngào nhắc lại: “Bố mẹ không muốn cuộc sống sau này của con cũng chật vật, vất vả như bố mẹ. Hãy cố gắng học tập thật tốt để thoát khỏi cảnh sống nghèo đói này. Dù khó khăn thế nào, bố mẹ cũng sẽ cố lo cho hai chị em được học hành bằng bè bằng bạn, con hãy cứ yên tâm học, không phải lo lắng gì cả…”.
Nói đến đây, Hằng cúi đầu lặng thinh, những giọt nước mắt khẽ rơi. Cố lấy lại bình tĩnh, lau nước mắt chảy dài trên má, giọng lạc đi:“Để lo cho em học trên thành phố, bố gắng gượng làm thuê ở một công ty may gần nhà.
Nhưng… cách đây 6 tháng, điều mà em cảm thấy sợ hãi nhất trong cuộc đời đã xảy ra khi thần chết đã cướp đi người bố thân yêu nhất của em ở tuổi 43 vì căn bệnh ung thư. Và đã có lúc em không biết có thể tiếp tục con đường học trên giảng đường không nữa…”.
Bởi đó là vết thương lòng mãi mãi không lành được, là cú sốc lớn cho gia đình khi việc ăn học của hai chị em giờ đây trở thành gánh nặng dồn tất lên đôi vai mẹ.
Nỗ lực đỗ hai trường đại học
Nhớ lại lúc chọn trường thi đại học, Hằng trăn trở, lo lắng rất nhiều bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn mà việc học trên thành phố mất rất nhiều tiền trong 4 năm. Hằng đã nghĩ đến chọn trường ĐH Sư phạm, Học viện Quân Y hay An Ninh để được hỗ trợ học tập. Nhưng niềm tin và mong muốn được học ở Ngoại thương từ cấp hai… khiến cô quyết tâm ôn luyện.
Năm 2011, Hằng đỗ cả hai trường ĐH Ngoại thương (khối A) và ĐH Y Hải phòng (khối B). Chia sẻ về cảm xúc đó, Hằng bộc bạch:“Cả bố và mẹ đều là những người mà em vô cùng yêu thương và biết ơn vô cùng. Em luôn tự nhủ phải phấn đấu hết mình, niềm hạnh phúc của bố dường như là mục tiêu để em cố gắng hoàn thành tốt việc học tập nên lúc em đỗ cả hai trường, bố là người hạnh phúc nhất”.
Và đối với Hằng, người bố là động lực lớn nhất trong cuộc đời này. Dòng ký ức về bố lại ào về, Hằng kể với giọng đầy tự hào: Bố em không phải là một thầy giáo, không phải người được học hành nhiều, nhưng bố đã cho em một điểm tựa vững chắc về tinh thần, cho em niềm hy vọng, cho em nghị lực, là người sát cánh cùng em trong mọi hoàn cảnh khó khăn. Bố là người đứng ngoài cổng trường chờ đợi em trong tất cả các kì thi mà em tham gia trong suốt quãng đời học sinh…
Không sợ thất nghiệp
Để “gánh” bớt phần nào cho mẹ nỗi lo tài chính gia đình, ngoài giờ học khá dày đặc trên lớp, Hằng sắp xếp thời gian đi gia sư hai lớp. Hơn thế, nhờ sự nỗ lực của bản thân, Hằng đã hai lần đạt học bổng của trường ĐH Ngoại thương trang trải phần nào học phí.
Bùi Thị Hằng (trái) nói rằng sinh viên ra trường ai cũng lo thất nghiệp. Nhưng, nếu có một kế hoạch tương lai, sự nỗ lực hết mình thì sẽ được đền đáp.
Tâm sự về mong muốn trong tương lai, Hằng nói: “Mơ ước của em là trở thành một CEO. Hiện tại, em đang cố gắng trau dồi các kiến thức liên quan tới chuyên ngành Quản trị của mình thông qua các môn học trên lớp và môi trường thực tế”.
Hằng chia sẻ, cô cũng như bất kỳ bạn sinh viên nào cũng đang lo lắng về cơ hội việc làm khi ra trường trong thời buổi kinh tế khó khăn. Nhưng đối với cô sinh viên đầy bản lĩnh này thì thị trường lao động vẫn luôn cần những người có trình độ và kinh nghiệm.
“Trình độ không chỉ thể hiện ở tấm bằng đại học hay cao học, hay chứng chỉ… mà còn thể hiện ở việc bạn thực hành nó ra sao. Nếu bạn có năng lực và tố chất thực sự thì nhất định các nhà tuyển dụng sẽ không bỏ rơi bạn”, Hằng bộc bạch quan điểm.
Theo đó, hãy tự đặt ra những câu hỏi để định hướng cho bản thân: Sau này chúng ta sẽ làm gì? Môn học mà chúng ta đang học có ứng dụng gì trong thực tế? Bạn sẽ sử dụng những kiến thức này như thế nào khi ra trường?...
Và theo Hằng, đại học không phải là nơi giết chết đam mê của học trò, mà đó là môi trường thực tế giúp người học trưởng thành, định hình tương lai và nuôi dưỡng ước mơ của người trẻ tuổi.