"Cơ quan tố tụng đang bỏ lọt tội danh đối với bị can Tường"

Tuấn Nam |

(Soha.vn) - LS. Cao Bá Trung nói: “Dường như bị can Tường đang cố tình nhận tội danh đó để che giấu một tội danh khác nặng hơn là tội Giết người”.

 Xem toàn bộ vụ TRỌNG ÁN THẨM MỸ VIỆN LÀM CHẾT NGƯỜI, VỨT XÁC xuống sông Hồng

Lời tòa soạn: Ngày 14/4/2014, vụ án bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường làm chết người, ném xác phi tang xảy ra ở Thẩm mỹ viện Cát Tường sẽ được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, thi thể của nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền chưa được tìm thấy. Bác sĩ Tường bị truy tố về hai tội: “Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt” theo khoản 2 Điều 246 BLHS và tội “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”.

Hiện nay, vẫn có nhiều ý kiến tranh cãi về việc chị Huyền chết trước khi bị vứt xác hay chết sau khi vứt xác bởi hai tình huống này có liên quan trực tiếp đến tội danh của bác sĩ Tường. Các luật sư đã có những phân tích xác đáng quanh những vấn đề pháp lý liên quan đến bác sĩ Tường. Báo điện tử Trí Thức Trẻ xin gửi tới độc giả loạt bài: “Xét xử Bác sĩ Tường khi chưa tìm thấy thi thể của chị Huyền - những điểm cần làm rõ”.

Bài 1: Vụ Cát Tường là án chưa từng có trong lịch sử tố tụng nước ta

Bài 2: Bác sĩ Tường đang hưởng nguyên tắc “suy đoán theo hướng có lợi…”

Luật sư Cao Bá Trung - Giám đốc Hãng Luật INCIP (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: “Cơ quan tố tụng đang bỏ qua một tội danh, đó là tội Kinh doanh trái phép theo điều 159 của BLHS. Trong thực tế, Thẩm mỹ viện Cát Tường chưa được Sở Y tế Hà Nội cấp giấy phép hoạt động chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Chính vì thế hành vi này của bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường đã cấu thành tội Kinh doanh trái phép. Như vậy có thể thấy cơ quan tố tụng đang bỏ lọt tội danh của Nguyễn Mạnh Tường và do đó, cơ quan tố tụng cần khởi tố bổ sung tội danh này đối với Tường.

Cũng theo luật sư Trung, cho đến nay, thi thể của chị Huyền vẫn chưa được tìm thấy mà những cáo buộc của cơ quan tố tụng chủ yếu dựa vào lời khai của các bị can và những người liên quan; cũng không ai chứng kiến Tường cùng Khánh có hành vi ném xác chị Huyền xuống sông và có hậu quả pháp lý là chị Huyền chết. “Cá nhân tôi, tôi không tin vào lời khai của Tường và dường như Tường đang cố tình nhận tội danh đó (2 tội danh đã được nêu ở trên - PV) để che giấu một tội danh khác nặng hơn là tội Giết người”, luật sư Cao Bá Trung nói.

Luật sư Cao Bá Trung phân tích thêm: "Theo như tôi được biết Đào Quang Khánh là người chưa thành niên khi phạm tội. Trong vụ việc này, nếu việc ném xác chị Huyền xuống sông Hồng mà do Tường là chủ mưu thì Tường còn có thể bị truy tố về tội danh "Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp" theo Điều 252 của Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, nếu cơ quan tố tụng xác định Khánh là chủ mưu thì Tường không bị truy tố tội danh này".

Để tìm hiểu những khía cạnh khác của vụ việc, chúng tôi đã có cuộc trao chuyện với luật sư Ngô Ngọc Trai - Trưởng Văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự, Đoàn luật sư tỉnh Nam Định.

PV:  Với phát biểu thể hiện quyết tâm tìm bằng được thi thể của chị Huyền cộng với việc hiện nay chưa tìm thấy thi thể của chị Huyền thì việc VKSND Hà Nội nhanh chóng truy tố bác sỹ Tường với 2 tội danh trên ra trước pháp luật có hợp lý không, thưa luật sư?

Luật sư Ngô Ngọc Trai: Đầu tiên tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân gia đình chị Huyền, cầu trời giúp cho gia đình sớm tìm thấy xác và chúc cho người thân giữ gìn sức khỏe.

Dưới góc độ pháp lý, tôi cho rằng nếu không tìm được xác chị Huyền thì vẫn phải đưa vụ án ra xét xử đối với những hành vi đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Hiện bác sĩ Tường đang bị truy tố hai tội danh là Vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh (Điều 242) và tội xâm phạm thi thể mồ mả hài cốt (Điều 246) tôi cho rằng như thế là hợp lý.

Có ý kiến cho rằng cần tìm thấy xác chị Huyền để xem khi vứt xác nạn nhân còn sống hay không để xem xét xử lý tội danh giết người. Mặc dù chỉ theo dõi sự việc qua báo chí nhưng tôi thấy như này: Bị can không có động cơ giết người, rõ ràng là như vậy vì họ không có mâu thuẫn. Tường là bác sĩ thẩm mỹ và tai nạn xảy ra trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ cho chị Huyền. Khi thấy có dấu hiệu tai biến, Tường đã tìm cách cứu chữa. Vì tự mình cứu chữa không được đã gọi nhờ một bác sĩ khác đến cứu chữa. 

Tức là Tường đã tìm mọi cách để cứu sống nạn nhân nhưng không được, thế thì làm sao cho rằng anh ta giết người? Trong khi giết người là hành vi bộc lộ ý chí mong muốn cho nạn nhân chết?

Kiểm tra giấy phép thì bác sĩ Tường thuộc chuyên khoa về chấn thương chỉnh hình, thẩm mỹ viện Cát Tường không có giấy phép hoạt động. Như thế hành vi của bác sĩ Tương thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội vi phạm các quy định về khám chữa bệnh gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 242 Bộ luật hình sự.

Luật sư Ngô Ngọc Trai - Trưởng Văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự
Luật sư Ngô Ngọc Trai - Trưởng Văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự

PV: Trong vụ việc này, TMV Cát Tường hoạt động trong một thời gian không ngắn dù chưa có giấy phép hoạt động của Sở Y tế Hà Nội. Để xảy ra việc đáng tiếc với chị Huyền, HĐXX khi xem xét vụ án cần cân nhắc đến yếu tố trách nhiệm của cơ quan chức năng quản lý Hà Nội như thế nào?

Luật sư Ngô Ngọc Trai: Nội dung này được quy định tại Điều 27 bộ luật tố tụng hình sự như sau:

Điều 27. Phát hiện và khắc phục nguyên nhân và điều kiện phạm tội

Trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án có nhiệm vụ tìm ra những nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.

Các cơ quan, tổ chức hữu quan phải trả lời về việc thực hiện yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án

Như thế, HĐXX có thể có những khuyến cáo và yêu cầu bằng văn bản gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về y tế và thanh tra ngành y tế xung quanh vấn đề các cơ sở khám chữa bệnh không có giấy phép, để các cơ quan này có các biện pháp khắc phục ngăn ngừa các cơ sở khám chữa bệnh không có giấy phép.

HĐXX cũng có thể yêu cầu các cơ quan lãnh đạo như Đảng ủy, UBND thành phố áp dụng các biện pháp khắc phục ngăn ngừa bằng việc tăng cường chỉ đạo giám sát công vụ, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân tập thể về hành vi thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu sâu sát để xảy ra những hành vi sai phạm trên thực tế.

PV: Trong trường hợp, gia đình chị Huyền vẫn nhất quyết tìm thi thể chị Huyền sau thời điểm tòa tuyên án thì chi phí đó do bên nào phải bỏ ra, thưa luật sư?

Luật sư Ngô Ngọc Trai: Khi xét xử, HĐXX sẽ tuyên buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại những tổn thất về tinh thần và vật chất cho gia đình bị hại. Liên quan đến những khoản chi phí cho việc tìm kiếm xác, tính tới thời điểm xét xử sơ thẩm là bao nhiêu HĐXX sẽ tuyên buộc bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường.

Trường hợp gia đình chị Huyền vẫn tìm xác sau buổi xử thì tổn thất đó bị cáo vẫn phải bồi thường, trường hợp này gia đình chị Huyền sau này có thể khởi kiện thêm một vụ án dân sự để yêu cầu bồi thường.

Hoặc HĐXX có thể tách toàn bộ việc bồi thường ra thành một vụ án dân sự khác.

PV: Theo quan điểm cá nhân của luật sư, các nhà chức trách có nên tìm bằng được thi thể chị Huyền và làm rõ những điểm “chưa rõ” như báo chí đã nêu rồi mới đưa bị can Tường ra xét xử hay không?

Luật sư Ngô Ngọc Trai: Như đã có ý kiến ở trên, tôi cho rằng cần đưa vụ án ra xét xử đối với những hành vi đã chứng minh được đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Trường hợp sau này phát hiện ra tình tiết mới thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể xử lý lại vụ việc theo các quy định về tái thẩm trong vụ án hình sự.

Tức là bộ luật hình sự đã có chế định giúp cho việc xử lý lại vụ án nếu như sau này phát hiện ra các tình tiết mới cho thấy việc xử án trước kia là không đúng sự thật.

Xin trân trọng cảm ơn anh đã trả lời phỏng vấn!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại