Sau khi đăng tải thông tin một lãnh đạo Cục phòng chống tệ nạn xã hội cho rằng, theo báo cáo từ địa phương không phát hiện mại dâm ở Đồ Sơn, Quất Lâm, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả. Một trong ý kiến đó là của độc giả Phạm Tú đưa ra một giải pháp tuyệt vời giúp các quan chức trong vụ Đồ Sơn, Quất Lâm không có mại dâm.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải bài viết này. Mời độc giả cùng theo dõi:
Những ngày qua, thông tin được một lãnh đạo cấp phó phòng của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động thương binh vã xã hội) cho rằng, theo báo cáo của các địa phương đến nay không hoặc ít phát hiện mại dâm ở Đồ Sơn, Quất Lâm đã khiến cho dư luận xã hội xôn xao.
Cũng như rất nhiều người đã đưa ra ý kiến, tôi không đồng ý với ý kiến của vị lãnh đạo này. Bởi lẽ, có hay không có mại dâm ở Đồ Sơn, Quất Lâm thì thực tế cũng như báo chí, nhiều ý kiến đã phản ánh rất rõ ràng, khách quan, chính xác rồi.
Nếu các vị quan chức của chúng ta còn chưa tin thực tế mà cho rằng, ở một đâu đó, một báo cáo thiếu chính xác nào đó nói là không có thì cách tốt nhất như một số ý kiến đã đưa ra, là xin mời các vị hãy làm những cuộc vi hành không kèn, không trống xuống tận Đồ Sơn, Quất Lâm để thị sát sẽ rõ.
Tôi dám chắc chắn rằng, sau cuộc thị sát không báo trước đó, chắc các vị sẽ phải xem xét lại phát ngôn của mình. Và cá nhân tôi cũng như mọi người dân đều mong rằng, các vị hãy nhìn, đi vào thực tế để phát biểu chứ đừng để cái cảnh, có những phát biểu khiến nhiều người đọc xong phải phì cười trong sự ngao ngán.
Tuy nhiên, trong mấy ý kiến ở đây, tôi không muốn nói sâu hơn đến câu chuyện phát ngôn của các vị quan chức mà tôi muốn xin bày tỏ quan điểm của mình là về câu chuyện nên quản lý mại dâm như thế nào cho phù hợp với thực tế.
Cô gái vừa đi khách xong từ trong ra lại tiếp tục được người thanh niên phía sau điều sang một quán khác tại bãi biển Quất Lâm (Nam Định).
Phải xin được khẳng định ngay, bản thân tôi hoàn toàn tán đồng với chủ trương cấm mại dâm mà Nhà nước ta đã thực hiện trong nhiều năm qua. Bởi những tác động tiêu cực của nó tới xã hội mà gần nhất là tới sự ổn định, hạnh phúc gia đình, truyền thống, đạo đức dân tộc bao đời nay mà chúng ta đã và đang cố gắng bảo vệ, duy trì.
Nhưng từ thực tế được chứng kiến hiện nay, bản thân tôi thấy rằng, không phải không có lý khi cho rằng, nếu chúng ta đã rất nỗ lực cấm mà không cấm được hẳn, thì tốt nhất cho tồn tại ở một vài điểm để quản lý thật chặt.
Như tại Đồ Sơn hay Quất Lâm, dù chúng ta vẫn dùng mọi biện pháp để cấm, truy quét, bắt, xử lý, kể cả hình sự nhưng hoạt động mại dâm vẫn diễn ra, thậm chí là rất tinh vi, ngang nhiên. Và nhiều người còn ví von rằng, đúng là càng cấm thì càng tò mò, càng muốn biết, muốn làm.
Trước hết, việc cấm nhưng không cấm được hẳn không chỉ gây nhức nhối, ảnh hưởng đến an ninh trật tự của địa phương mà việc không quản lý chặt chẽ còn dễ dẫn đến nguy cơ của căn bệnh thế kỷ là HIV xuất hiện.
Đó là chưa kể, chính việc không quản lý này sẽ khiến cho chúng ta thiệt hại về mặt kinh tế. Thay vì sẽ có thêm một khoản tiền thuế vào ngân sách thì khoản tiền thu bất chính từ hoạt động mại dâm sẽ chỉ chảy vào túi của một số người.
Ngược lại, khi chúng ta đã có sự quản lý chặt chẽ rồi thì mọi việc sẽ khác đi hoàn toàn. Danh sách những cô gái hành nghề mại dâm sẽ được lập, được theo dõi, quản lý chặt chẽ bởi chính quyền địa phương. Và tôi cũng nghiêng đến việc mà một số nước đã làm để quản lý mại dâm là cấp phát thẻ cho những cô gái hành nghề mại dâm.
Khi con người là nhân tố chính ở đây đã được quản lý chặt thì các vấn đề khác sẽ không còn đáng quan ngại.
Rồi thì việc các cô gái hành nghề mại dâm thường xuyên, định kỳ được thăm, khám bệnh, được tuyên truyền, giáo dục về việc phòng, tránh các bệnh, đặc biệt là căn bệnh thế kỷ HIV sẽ tốt hơn rất nhiều.
Thêm vào đó, từ việc quản lý chặt chẽ được thì thất thu kinh tế sẽ không thể nào xảy ra được. Nhưng cảnh bảo kê, thu lợi kếch xù vào túi một số người sẽ không thể diễn ra.
Trước thực tế đang diễn ra và có thể nói không ngoa rằng, khi làm được cái lợi lớn thu được hơn nhiều so với cái hại như thế này, tôi nghĩ rằng, việc cho tồn tại và quản lý chặt là điều rất đáng cần phải suy xét.
Quay trở lại với vấn đề những phát biểu của quan chức Cục phòng chống tệ nạn xã hội trong những ngày qua, tôi thấy rằng, việc cho tồn tại có quản lý chính là giải pháp tuyệt vời để các vị quan chức đỡ ngượng mồm khi nói: Không có mại dâm ở Đồ Sơn, Quất Lâm.
*/ Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Theo bạn, có nên hợp pháp hóa hoạt động mại dâm không?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.