Có một làng bao năm không biết Tết...

Khánh Chương |

Họ là dân tứ xứ để về lập thành một "làng" bên sông Vàm Thuật (TPHCM) biệt lập với cuộc sống bên ngoài bao nhiêu năm nay. Ý thức về Tết với những người "làng" này, cũng rất xa vời.

Không điện, không nước sạch, ngôi "làng" này gần như sống hoang dã với thiên nhiên. Nơi đây được xem là một "địa chỉ thường trú" của dân ngụ cư tứ xứ của đất nước hình chữ S này, về đây kiếm kế sinh nhai.

Họ đã sống ở đây bao năm, làm việc theo mùa vụ, đối mặt với bao khó khăn thử thách, với những hiểm nguy rình rập.

Những đứa trẻ không ước mơ. Những người lớn sống phó mặc đất trời. Những niềm vui đâu đó về một cái Tết cũng khá mơ hồ vì có những đứa trẻ sinh ra ở đây, gần như không có khái niệm về cái Tết...


Một góc làng ngụ cư bên sông Vàm Thuật. Ảnh: Khánh Chương

Một góc làng ngụ cư bên sông Vàm Thuật. Ảnh: Khánh Chương

Những mùa Xuân tha hương

Là một nhánh của sông Sài Gòn, sông Vàm Thuật lại chia làm nhiều mương rạch uốn lượn quanh những cánh đồng rau ở Q,12 và Hóc Môn... Cả cánh đồng rộng lớn này cũng là nơi nương náu của những mảnh đời tha hương tìm về cư ngụ.

Ông Nguyễn Văn Đức, quê Hà Nam, dựng chòi sống tạm trong ruộng rau phường Thới An đã 13 năm. Hơn một tháng trước, nhà nước thu hồi đất để giải phóng mặt bằng xây khu đô thị. Hai vợ chồng ông dạt ra tận mé sông để kiếm đất cắm dùi.

Ông xin một chủ đất cho cất tạm căn chòi giữa các ruộng rau nhút. Ông lợp mái nhà dài hẳn ra phía sau vì bề ngang chỉ rộng chừng 2m. Vợ chồng ông có 3 người con nhưng cũng vất vả, không nhờ đỡ được nhiều.

Vài ba ngày ông lại đi hái bông súng. Người vợ thì đi mót nhánh rau nhút người ta không tận dụng. Hai vợ chồng gom góp đem bỏ mối ra chợ.

Chiếc xe máy cũ mà ông bà dành dụm được ít tiền mua lại dùng làm phương tiện chở rau là tài sản đáng giá nhất trong nhà.

Ở nơi hẻo lánh thưa người, điện đèn không có, cửa nẻo thì trống ộc, nhiều lần ông bà cứ nơm nớp lo âu vì những bóng người lạ mặt cứ lờn vờn trong bóng tối. Chỉ đến khi ông ra năn nỉ đó là phương tiện duy nhất để kiếm sống họ mới chịu bỏ đi.

Tuổi ông nay 78, bà cũng 70. Ông cho biết chính quyền đã thông báo sẽ tiếp tục mở rộng giải tỏa. Thế là ăn xong cái tết này, đôi vợ chồng già lại đi tìm nơi khác, nhưng cũng loanh quanh dòng sông này.

Vì ngôi "làng" đó cứ "di động" liên tục, nhưng chỉ dạt hết nơi này qua nơi khác theo con sông Vàm Thuật mà thôi.


Giữa đồng không mông quạnh này, làm gì có Tết

"Giữa đồng không mông quạnh này, làm gì có Tết"

“Đã mấy mùa tha hương bên dòng sông này. Giữa đồng không mông quạnh này thì làm gì có Tết”, ông chia sẻ, mắt đượm buồn.

Nhìn sang cánh đồng Đông Thạnh, chưa biết chừng ông sẽ dời về bên đó, nơi những người ngụ cư cũng đang tìm chỗ tá túc như ông.

Quanh năm chỉ thèm tiếng nói của…người

Thêm mấy bước. Dọc theo rạch Bến Đá, là những chòi lá lụp xụp.

Ngồi sửa soạn từng bó rau nhút, chị Nguyễn Thị Thanh, quê Tiền Giang cho biết mình là một trong những hộ đầu tiên tới lập nghiệp ở đất này.

Cuộc sống dưới quê khốn khó, hai vợ chồng kéo nhau lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Vì nghề buôn bán đi sớm về khuya bất tiện nên họ vào hẳn trong đồng mướn đất trồng rau rồi ở lại.

“Trong này sinh hoạt túng thiếu, khó khăn nhưng sống với ruộng đồng, cũng khỏe. Đến nay cũng đã 7 mùa xuân xa xứ”, chị Thanh cho biết.


Chị Thanh và những đứa con làm việc mưu sinh hàng ngày

Chị Thanh và những đứa con làm việc mưu sinh hàng ngày

Chị Thanh đăng ký tạm trú rồi cất chòi ở ngay trên đất của chủ. Nơi này nước bị nhiễm phèn, khoan giếng cũng không xài được nên gia đình bơm trực tiếp từ sông lên, chờ lắng phèn rồi dùng tắm, giặt. Điện thì xin câu từ nhà của chủ đất ra đồng.

Vì ở xa phố thị, chị Thanh trữ sẵn trong nhà cả một tủ thuốc để trị các bệnh cảm, sốt lặt vặt, khi nào đau nặng mới ra phố đi bệnh viện.

Theo lời chị kể, những ngày mới về, khắp cánh đồng chỉ toàn một màu xanh lau sậy, không có lấy cọng rau. Hai vợ chồng toàn sống nhờ vào đám ốc bươu vàng bắt dưới mương.

“Hồi trước phải di chuyển bằng ghe xuồng. Lắm lúc thèm tiếng nói con người, chỉ mong có ai đi ngang qua để quắt lại, nói với nhau vài câu. Ban đêm, ngoài tiếng ếch nhái, muỗi mòng chỉ một màu tối om, đen kịt. Sợ ma hơn sợ ăn cướp”, chị Thanh kể.

Ông Dương Đình Sanh, một thành viên của "làng" cũng góp vui vào câu chuyện: “Hồi đó, cứ trần truồng tắm sông rồi lại tồng ngồng nhảy lên đồng làm ruộng, không có lấy một bóng người để mà mắc cỡ. Giờ giao thông thuận tiện lại tốn tiền... sắm quần đùi”.

Em Đạt, con chị Thanh theo cha mẹ lên đây đã 4 năm. Xin nhập học trễ, trường lại ở xa thế là em thôi học từ năm lớp 4, ở nhà phụ việc gia đình.

Cuộc sống của em giờ gắn chặt với bến nước và bờ đê, nơi em ngày ngày rửa rau hoặc phụ mẹ bán nước cho những người đi làm đồng. Bạn bè cũng chỉ có 1, 2 người hàng xóm hoặc con gà, con vịt nuôi trong sân.

“Ở đây ngoài ruộng đất chẳng còn gì khác. Miễn đừng lười biếng, cứ chịu khó lội nước thì có cái ăn”, chị Thanh tâm sự.


Những đứa trẻ không biết Tết...

Những đứa trẻ không biết Tết...

Xung quanh nhà chị có khoảng 5 nóc chòi khác, đều là dân khốn khó từ nơi khác đến mướn đất trồng rau.

Ngồi lấp ló dưới buội chuối ven đê, chị Nguyễn Thị Hợp, quê ở Long An cũng đang chuẩn bị rau để nửa đêm con trai đem bỏ sỉ ra chợ.

Chị Hợp thôi chồng đã 8 năm. Nghề nuôi cá giống ngày trước thất bát vì những tin đồn thất thiệt, chị đưa 2 đứa con lên Sài Gòn kiếm sống.

“Cuộc sống tạm bợ, cực nhọc nhưng vẫn ráng làm kiếm tiền nuôi con. Về quê không ruộng đất, không nghề nghiệp lại càng không sống được”, chị Hợp tâm sự.

Nhìn về căn chòi của chị, phải để ý kỹ chúng tôi mới nhận ra vì nó thấp lè tè lại khuất lấp trong mấy bụi tràm.

Chị Hợp kể: nền đất thì ẩm thấp, lúc triều lên, nước tràn nền nhà, không ngủ, không nấu ăn được, phải kê tạm bếp ăn ở căn chòi bên cạnh vì cao ráo hơn.

Mùa xuân này mẹ con chị Hợp sẽ đón Tết ở đây. “Ngày Tết cũng quần quật làm rau như ngày thường. Vé xe về Tết thì đắt đỏ. Mình về quê thì mất mối làm ăn. Những người quanh đây đều ở lại. Tết đến lúc nào cũng chẳng ai hay”.

Cuộc đời là những chuyến đi...vô định


Tết đến hay không, cũng như nhau cả thôi...

"Tết đến hay không, cũng như nhau cả thôi..."

Mặt trời vừa tắt, những người đi làm đồng cũng bắt đầu tề tựu về quanh quán nước của vợ chồng ông Sáu, nơi có bóng đèn sáng hơn những căn chòi bên cạnh.

Mấy người đàn ông, trai tráng ngồi kể chuyện làm ăn. Đàn bà trẻ em thì tụ họp trên bờ đê nhìn ra đồng ruộng. Những câu chuyện về quê hương xen lẫn cùng rau nhút và thuốc lào, những thứ hôm nào cũng gặp, ngày cũng như đêm.

Theo lời ông Sáu, dưới quê không có vườn, ruộng. Nghề làm lúa bây giờ cũng đã cơ giới hóa hết. Cuộc sống nghèo khổ mới kéo lên Sài Gòn kiếm việc.

Trẻ con nơi đây đi theo cha mẹ nên cũng bỏ trường lớp. Vợ chồng ông Sáu lớn tuổi không đủ sức lao động nên mở quán nước bán cho những người lao động xung quanh. Hết mùa vợ chồng ông lại sang Campuchia làm mướn.

Qua Tết, chính quyền sẽ giải tỏa hết những căn nhà tạm bợ, không phép ở ven sông để thi công tuyến đường đê bao. Những hộ nào được chủ đất cho mướn, có đăng ký tạm trú mới được ở lại.

Còn nữa, lại là những chuyến tha hương dằng dặc, mà ở đó, khái niệm mùa Xuân hay mùa nào khác cũng chỉ là khái niệm...

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại