Có "gượng ép" trong việc vinh danh tài xế vụ hôi bia?

Y. Dương |

(Soha.vn) - TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, việc làm của anh Hậu phản ánh 1 hệ thống ứng xử đến giá trá trị tinh thần, đạo đức của con người. Ý nghĩa tinh thần lớn hơn đóng góp cụ thể.

Tối 15/1, trong buổi lễ vinh danh công dân tiêu biểu tỉnh Đồng Nai năm 2013 do đài PTTH tỉnh Đồng Nai tổ chức, anh Hồ Kim Hậu (30 tuổi, quê Bình Định, ngụ huyện Vĩnh Cửu, tài xế xe tải trong vụ hôi bia ở Đồng Nai xảy ra hôm 4/12/2013) đã được vinh danh là công dân tiêu biểu năm 2013.

Theo ông Mai Sông Bé, Giám đốc đài PT-TH Đồng Nai, tài xề Hồ Kim Hậu sau khi bị người dân đổ xô lấy bia ở vòng xoay Tam Hiệp (TP. Biên Hòa) đã được nhiều mạnh thường quân thương tình giúp đỡ. Khi được nhà máy bia miễn bồi thường, anh Hậu còn khó khăn nhưng đã từ chối nhận số tiền trên 230 triệu đồng đã thể hiện lòng tự trọng, thái độ tử tế.

Trong tiêu chí xét công dân tiêu biểu thì những người được chọn phải là người có đóng góp cho Đồng Nai trong năm, vậy việc xét công dân tiêu biểu với tài xế Hậu có xứng đáng hay không?

Anh Hậu được vinh danh. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội và truyền thông đại chúng (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng, ở đây, vấn đề không phải là xứng đáng hay không xứng đáng. Nếu xét theo tiêu chí cụ thể của Đài Phát thanh truyền hình Đồng Nai thì anh Hậu có phần chới với. Theo tôi được biết, trong số 3 người được xét đợt này, ngoài anh Hậu thì 2 người được vinh danh, gồm: Ông Trương Văn Vở, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai và ông Huỳnh Phú Kiệt - Chủ tịch Hội đồng Cty CP đầu tư kiến trúc Toàn Thịnh Phát đều có những đóng góp rất cụ thể bằng con số, hành động, tức đều là những người có đầu óc cụ thể.

Tài xế Hồ Kim Hậu tuy không có đóng góp cụ thể nhưng điều mấu chốt đó là việc làm của anh Hậu phản ánh một hệ thống ứng xử đến giá trá trị tinh thần, đạo đức của con người. Không phải ngẫu nhiên mà ngay khi vụ hôi bia xảy ra, ngay ở Đồng Nai, chính người dân đã mang băng rôn có dòng chữ: "Là dân Biên Hòa, là người Việt Nam, tôi thấy xấu hổ thay cho những ai đã “cướp vài lon bia” ở đây trưa ngày 4/12". Chính người dân Đồng Nai đã cảm thấy xấu hổ về sự việc hôi bia.

Nhận được tiền giúp đỡ của các nhà hảo tâm nhưng sau đó được công ty bia miễn trách nhiệm, tài xế này đã trả lại tiền cho mọi người. Đây chính là tiêu biểu cho một cách nghĩ, một lối sống, hệ thống ứng xử tích cực. Dù chúng ta đều biết, anh Hậu là người rất nghèo, thậm chí một thời gian trước đó người này từng bị truy tố vì có sai phạm trong quá khứ.

“Ý nghĩa tinh thần ở đây rõ ràng là nhiều hơn đóng góp cụ thể. Đó là đóng góp trong hệ thống nhân cách mà cộng đồng chúng ta đang mong mỏi. Việc vinh danh này không chỉ cho anh tài xế Hậu mà còn cho giới quản lý, những người “chăm dân” ở Đồng Nai, làm cho hình ảnh con người ở khu vực này được nhìn nhận lại. Từ đó, kích hoạt lại những mặt tốt trong xã hội khi mà những thói xấu, thói vô cảm, vị kỷ đang đầy rẫy”, ông Bình nhấn mạnh.

Ông Trịnh Hòa Bình. (Ảnh: Internet)

Cũng theo vị này, có người cho rằng tài xế Hậu bị ép trả lại tiền giúp đỡ. Thế nhưng, chúng ta bỏ qua câu chuyện ép đó và chỉ nhìn vào việc làm hướng thiện của anh Hậu. Một điều quan trọng ở trong việc vinh danh là Đồng Nai đã nhìn ra ý nghĩa khi vinh danh anh Hậu.

Khi được hỏi liệu có sự gượng ép trong việc vinh danh, TS Trịnh Hòa Bình khẳng định là có. Ông nói: “Trong tiêu chí xét công dân tiêu biểu thì những người được chọn phải là người có đóng góp cho Đồng Nai trong năm. Xem xét tiêu chí vinh danh thì đóng góp của anh Hậu không hoàn toàn trùng khớp, có phần bị hụt. Nhưng, chúng ta không coi việc đó là nặng mà coi ý nghĩa của nó nhiều hơn theo ý nghĩa những việc bình thường nhất, con người bình dị, dù có tì vết nhưng vẫn được xem xét vinh danh. Vinh quang cũng cần cho những người rất bình thường nhưng có tính hướng thiện”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại