Đó là cô gái trẻ giàu nghị lực dù số phận kém may mắn nên chưa một lần được đến trường như bạn bè đồng trang lứa. 10 năm qua, cái tên Trần Trà My được biết đến qua các tác phẩm “Giấc mơ đôi chân thiên thần”, “Chúng ta chính là mùa xuân” thể hiện tinh thần ‘thép’ của cô gái khuyết tật cơ thể nhưng không khuyết tật về tâm hồn, sự lạc quan yêu đời, cống hiến hết mình cho xã hội.
Trần Trà My - cô gái giàu nghị lực luôn cười tươi, lạc quan yêu đời.
Gặp Trà My trong lần giới thiệu cuốn truyện mới, tôi ấn tượng bởi nụ cười rạng ngời luôn nở trên môi cô. Mặc dù nói không tròn chữ, đôi chân không thể tự đi lại được, đôi tay không sử dụng hết 10 ngón nhưng cô gái ấy có thể tự di chuyển nhờ chiếc khung sắt và đứng dậy bằng đôi chân của nghị lực, đặc biệt Trà My luôn khiến người đối diện cảm thấy tin yêu cuộc đời hơn.
Bằng sự nghị lực của bản thân, tác giả trẻ Trà My đã đánh máy bằng một ngón tay để cho ra những trang viết của mình.
Thật khó khăn để nghe My nói chuyện, tôi phải nhờ người em gái của cô cũng chính là “người thầy” dạy chữ đầu tiên của My dịch từng câu một. Càng nói chuyện với My, tôi càng bị cuốn hút vào câu chuyện về sự nỗ lực và niềm đam mê viết truyện của cô gái này.
Sinh năm 1986 tại Đông Hà, Quảng Trị trong gia đình có 4 anh chị em, Trà My không may mắn bị khuyết tật ở chân trong một lần sốt cao co giật. Cô không thể đến trường, trong suốt 20 năm chỉ ở nhà và tự ti về bản thân mình. Khi biết đọc biết viết những chữ đầu tiên, cô bắt đầu đọc sách và 14 tuổi cô bắt đầu sáng tác thơ. Đến năm 21 tuổi, Trà My viết những câu chuyện của mình trên chiếc máy tính chỉ bằng một ngón tay.
Cô tâm sự: “Số phận cướp đi của tôi đôi chân nhưng tôi luôn cười. Tôi muốn nói tôi khuyết tật nhưng không tàn tật và điều quý giá nhất mà tôi có là sự tự tin ở bản thân. Tôi đã có thời gian tuyệt vọng trong một thời gian rất dài. Nhưng tôi đã nỗ lực thay đổi số phận”.
Và rồi, Trà My bắt đầu trải lòng mình bằng những trang viết đầy cảm xúc, ý nghĩa, giàu tính nhân văn. Hạnh phúc khi nói về đam mê tạo ra những “đứa con tinh thần” của mình, Trà My xúc động chia sẻ: “Viết văn trở thành đam mê của tôi khi biết đọc biết viết. Tôi viết bằng cả trái tim dạt dào cảm xúc và khi viết tôi cảm thấy mình thoát ra khỏi thân thể của mình”.
Sau 2 năm “thai nghén”, cuốn truyện thứ 3 “Yêu trên từng ngón tay” của Trà My được ra đời. Thông điệp mà cô gái trẻ muốn chuyển tải đến độc giả chính là lời nhắn nhủ: gia đình là thứ rất thiêng liêng mà mình cần phải gìn giữ, đặc biệt là các bạn trẻ cần có cái nhìn đúng đắn về tình yêu và hôn nhân gia đình.
Mỗi truyện ngắn trong tuyển tập “Yêu…trên từng ngón tay” đề cập đến những vấn đề nhức nhối của xã hội hiện đại; đó là những ông bố bà mẹ trẻ mải mê kiếm tiền đến mức những đứa trẻ lầm tưởng bà giúp việc là mẹ mình; hay câu chuyện đôi vợ chồng luôn khao khát sinh một đứa con…và có lúc đó là mối tình đẹp, trong sáng, chỉ cần một cái nắm tay là đủ.
Không chỉ có những tác phẩm đăng trên báo, tạp chí, Trà My đã giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi viết truyện ngắn và cô là một trong 90 gương mặt người khuyết tật tiêu biểu Việt Nam “Họ đã sống như thế” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á.