Lúc chính quyền Dương Văn Minh lên đài phát thanh tuyên bố thất thủ, đầu hàng, toàn bộ hệ thống quân đội, chính quyền Sài Gòn hoang mang, từng mảng sụp đổ và tan rã.
Chính diễn biến ở Sài Gòn đã tạo điều kiện cho các tỉnh Tây Nam Bộ đồng loạt đứng lên cướp chính quyền, tự giải phóng.
3 mũi giáp công
Thiếu tướng Lê Thanh Sơn kể, từ tháng 2 đến 4/1975, nhiệm vụ của 3 tiểu đoàn được phân công rõ ràng, với phương châm: “Huyện tự giải phóng huyện; xã giải phóng xã và tỉnh giải quyết tỉnh”.
Điểm khó nhất để tiếp cận vào các điểm chủ chốt chính quyền Cần Thơ là phải vượt qua lộ Vòng Cung. Đây là địa điểm có khoảng 10 ngàn tên địch cố thủ có nhiều phương tiện vũ khí hiện đại.
“Nếu như Sài Gòn có Củ Chi thì Cần Thơ có lộ Vòng Cung. Địch và ta quần thảo nhiều ngày liên tiếp, nhiều đồng đội đã anh dũng hy sinh trước giờ vượt sông, giải phóng Cần Thơ” – thiếu tướng Sơn so sánh.
Tiểu đoàn Tây Đô được chia làm 3 mũi giáp công, đồng loạt tấn công vào các đơn vị hành chính mà ngụy quân đang chiếm giữ.
Một mũi đi vào hướng sân bay Trà Nóc (Bình Thủy); mũi thứ 2 đi từ Châu Thành và mũi chủ lực đánh vào đài phát thanh Cần Thơ.
Từ rạng sáng ngày 30/4/1975, các mũi giáp công đồng loạt hành quân.
“Khoảng 10 giờ sáng, trời mưa to, khi Tiểu đoàn của tôi chuẩn bị vượt sông Cần Thơ (Bà Hiệp - Ba Láng) thì bất ngờ gặp Sư 21 của địch chốt chặn ngăn không cho qua sông.
Nghe tin qua radio, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng ở Sài Gòn. Tôi nghĩ phải hành động sao cho nhanh, tránh đổ máu cho cán bộ chiến sĩ. Quân địch thì đang án ngữ, ngăn cản không cho Tiểu đoàn tiếp cận Cần Thơ” – người chỉ huy trưởng Tiểu đoàn I nhớ lại.
Bằng chiến thuật đe dọa kẻ địch qua máy PRC25, ông nói chuyện trực tiếp với chỉ huy Sư đoàn 21: “Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng, giao chính quyền cho Mặt trận giải phóng miền Nam. Các ông ra lệnh cho binh sĩ không được nổ súng và rút lui ra hai đầu cắm cờ trắng báo hiệu”. Sau 1 giờ đối thoại, chỉ huy Sư 21 chấp thuận.
Tất cả các mũi giáp công đồng loạt đánh vào trung tâm chỉ huy, mà đài phát thanh là một trong những “mắt xích” quan trọng để làm quân địch rệu rã trước giờ giải phóng.
Thời khắc làm chủ đài phát thanh
Lúc 14 giờ cùng ngày, vị trí đài phát thanh Cần Thơ được quân ta giành lại.
Đến 15 giờ, đích thân ông Nguyễn Văn Lưu (tự Năm Bình) - Bí thư Thành ủy Cần Thơ đọc bản tuyên bố xóa bỏ chế độ ngụy quyền phản động.
“Đồng bào Cần Thơ thân mến!
Đại diện Ủy ban nhân dân cách mạng TP.Cần Thơ đã tiếp thu Đài phát thanh Cần Thơ. Quân giải phóng sẽ vào tiếp quản Cần Thơ, đồng bào hãy bình tĩnh, giữ gìn trật tự an ninh chung, bảo vệ tài sản, tính mạng đồng bào. Cương quyết trừng trị bọn cướp bóc, hãm hiếp, phá hoại.
UBND cách mạng Cần Thơ tuyến bố:
Xóa bỏ ngụy quyền phản động kìm kẹp đồng bào. Giải tán các lực lượng vũ trang, bán vũ trang thuộc ngụy quyền Sài Gòn. Giải tán tổ chức chính trị phản động…
Cơ hội ngàn năm đã đến. TP Cần Thơ kiên cường, bất khuất đã được giải phóng” – trích đoạn nội dung tuyên bố.
Theo thiếu tướng Lê Thanh Sơn, tuyên bố hùng hồn của ông Năm Bình trên Đài phát thanh là “quả đấm thép” về tinh thần khiến quân địch hoang mang, lo sợ mà buông súng đầu hàng, tránh tổn thất to lớn cho quân giải phóng.
Đến 16 giờ 30 phút, cánh quân đầu tiên ở Tây Đô chiếm dinh trưởng Phong Dinh, hạ cờ ba sọc và treo cờ quyết thắng trên nóc nhà.
“Suốt đêm 30/4, tất cả anh em, đồng đội chúng tôi gặp nhau vui mừng khôn xiết. Vui mà ôm nhau nghẹn ngào xúc động, mừng vì đã có hòa bình lập lại. Buồn tủi vì nhiều đồng bào, đồng đội phải ngã xuống trước thời khắc chiến thắng.
Tôi cứ nhớ mãi lời trăn trối của một đồng đội, ở Đại đội 23 trước lúc hy sinh chỉ mong được nhìn thấy bến Ninh Kiều một lần cho thỏa. Vậy mà… khi chúng tôi làm chủ cả thành phố, toàn miền Nam giải phóng... Một sự thật cứ như trong mơ mà nhiều đồng đội chưa kịp hưởng đã anh dũng nằm xuống ở đất mẹ” – thiếu tướng Sơn bùi ngùi.
Xây dựng gần 800 căn nhà đồng đội
Trở về với cuộc sống đời thường, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn hiện là Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn Tây Đô TP.Cần thơ. Từ buổi đầu sơ khai, Ban liên lạc chỉ âm thầm hoạt động, chưa liên hệ chặt chẽ với địa phương.
Ông kể, Ban liên lạc được thành lập ngày 24/6/2002, không ít cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô về dự, trong đó có nhiều đồng đội mặc áo sờn vai, đầu trần, chân đất. Thương những đồng đội khó khăn, ông đã vận động được nhiều mạnh thường quân giúp đỡ xây nhà cho nhiều cựu chiến binh nghèo khó.
Với tổng số 3.700 cựu chiến binh, sau hơn 10 năm đã xây dựng gần 800 căn nhà cho các đồng đội. Năm 2002, mỗi căn trị giá 15 triệu đồng thì đến năm 2014, xây dựng mỗi căn là 40 triệu đồng.
“Nếu không có anh Ba Ngay, những anh em cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô có hoàn cảnh khó khăn, thật khó mà được hỗ trợ xây dựng nhà đồng đội” - Phó Ban liên lạc Tiểu đoàn Tây Đô cho biết.