Đoạn clip ghi lại cơn mưa đá bắt đầu vào lúc 16h40 tại xã Sặp Vạt (Yên Châu, Sơn La) với những viên đá có kích thước khá lớn.
Đoạn clip ghi lại cơn mưa đá. Nguồn: Đinh Công Thành.
Theo chia sẻ của facebook-er Đinh Công Thành, chủ nhân đoạn clip trên thì cơn mưa đá xảy ra khá bất ngờ và kéo dài khoảng 15 phút khiến vườn rau bị hư hỏng hết.
Đây cũng là thời điểm mùa gặt nên cơn mưa đá đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất của người dân.
"Thông thường hàng năm chỗ mình vẫn có mưa đá, nhưng đều xảy ra vào mùa hè, chỉ có năm nay là vào mùa thu.
Hoa quả mùa này thì chưa có nhiều, cơn mưa đá đã làm ảnh hưởng tới rau màu và mùa gặt của người dân. Riêng vườn nhà mình thì nát tươm, không một cây rau nào lành lặn", bạn Thành cho biết.
Hình ảnh hạt mưa đá có kích thước khá lớn. Ảnh: Đinh Công Thành.
Mưa đá là hiện tượng mưa dưới dạng hạt hoặc cục băng có hình dáng và kích thước khác nhau do đối lưu cực mạnh từ các đám mây dông gây ra.
Kích thước có thể từ 5 mm đến hàng chục cm, thường cỡ khoảng một vài cm, có dạng hình cầu không cân đối.
Những hạt mưa đá thường rơi xuống cùng với mưa rào. Mưa đá thường kết thúc rất nhanh trong vòng 5 -10 phút, lâu nhất cho cả một vệt mưa cũng chỉ 20 - 30 phút.
Mưa đá thường xảy ra ở vùng núi hay khu vực giáp biển, giáp núi (bán sơn địa), còn vùng đồng bằng ít xảy ra hơn. Vì vậy ở Việt Nam mưa đá có thể xảy ra ở khắp các vùng miền. và cả trong mùa hè.
Riêng ở vùng núi phía bắc Việt Nam, từ tháng 1 đến tháng 5 hàng năm thường có mưa đá, nhiều nhất là từ tháng 3 đến tháng 5, mà nguyên nhân chủ yếu là các đợt front lạnh cực mạnh tràn về nhanh.
Trong cơn dông mưa đá thường kèm theo gió rất mạnh, có khi là gió lốc kèm theo mưa đá, sức tàn phá hết sức khủng khiếp do gió mạnh và xoáy gây ra.
Ngoài gió rất mạnh ra thì bản thân những hòn mưa đá cũng có khi gây ra đổ nhà, tàn phá cây cối, thậm chí chết người. Vì vậy mưa đá được xếp vào những hiện tượng thời tiết nguy hiểm.