Mảnh đất địa linh nhân kiệt
Người dân vùng Xuân Trường (Nam Định) lâu nay vẫn lưu truyền câu ca: “Đậu phụ Thủy Nhai, tú tài Hành Thiện” để chỉ làng Thủy Nhai, cách Hành Thiện không xa, là một làng nổi tiếng với đặc sản đậu phụ; còn Hành Thiện, dường như gia đình nào cũng có người đỗ Tú tài.
Từ xưa đến nay, ngôi làng này vốn đã nổi danh là một trong những cái nôi đào tạo danh nhân và những con người giỏi giang khoa cử. Đó là mảnh đất đã sinh ra những cụ Nghè Đặng Xuân Bảng, Cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Giáo sư Vũ Khiêu – những con người luôn được nhắc đến bởi trí tuệ, sự thông minh đức độ. Truyền thống hiếu học ấy qua thời gian không ngừng được các thế hệ con cháu vun vén, bồi đắp, nối tiếp phát huy.
Bản đồ làng Hành Thiện có hình cá chép.
Về làng Hành Thiện (thôn Hành Thiện,
xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), chúng tôi có cuộc trò chuyện
với ông Nguyễn Thế Hiệp. Ông Hiệp năm nay ngoài 60 tuổi, đã có 30 năm gắn bó
canh giữ tại nhà khu nhà lưu niệm cố Tổng bí thư Trường Chinh.
Giữ vị trí thủ từ có vai trò canh giữ, tiếp nhận và giới thiệu về ngôi nhà của cố Tổng Bí thư cũng như văn hóa, lịch sử của làng Hành Thiện cho du khách, ông Hiệp có vốn hiểu biết rất sâu rộng về truyền thống của ngôi làng từ xưa đến nay.
Theo lời ông Hiệp, thời Nho học, làng Hành Thiện có 419 người đỗ đạt. Trong đó: 7 đại khoa (3 tiến sĩ, 4 phó bảng), 97 cử nhân, 315 tú tài. Người khai khoa cho làng là cụ Nguyễn Thiện Sĩ sinh năm 1501, đỗ Cử nhân năm 1522. Người đỗ cao nhất là cụ Đặng Xuân Bảng (ông nội của ông Trường Chinh) sinh năm 1828, đỗ Tam giáp tiến sĩ đệ nhất danh năm 1856.
Ông Nguyễn Thế Hiệp
Thời học chữ Pháp, làng có 51 người đỗ đạt từ tú tài đến cử nhân, trong đó có Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh) tốt nghiệp cao đẳng Thương mại Đông Dương. Thời hiện đại, làng Hành Thiện vẫn là ngôi làng có nhiều người học hành giỏi giang thi cử đỗ đạt nhiều nhất so với mọi ngôi làng trong tỉnh Nam Định với 88 người được phong hàm giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ và trên 600 người có bằng cử nhân.
Làng có 4 tướng lĩnh quân đội là Đặng Quốc Bảo, Đặng Kinh, Đặng Quân Thụy, Nguyễn Sĩ Quốc; 2 Anh hùng Lực lượng vũ trang là Phạm Gia Triệu, Nguyễn Đăng Kính. Hàm Bộ trưởng có Đặng Hồi Xuân, Đặng Vũ Chư. Tương đương hàm giáo sư có: Đặng Vũ Khiêu, Đặng Xuân Kỳ, Đặng Vũ Minh. Làng có 2 người được Giải thưởng Hồ Chí Minh là ông Đặng Vũ Hỷ (thân phụ đồng chí Đặng Vũ Minh) và ông Đặng Vũ Khiêu.
Học là nghề thứ hai…
Ở làng Hành Thiện (Xuân Trường, Nam Định) người dân ngoài làm nông nghiệp, không có điều kiện để làm những nghề khác nên học được coi là nghề thứ hai. Hàng năm, số con em trúng tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng rất cao và dường như là kết quả có một không hai, hiếm gặp ở bất cứ nơi nào.
Tìm gặp ông Nguyễn Đăng Hùng, Chủ tịch hội khuyến học Hành Thiện, được ông kể cho nghe về cái nghề học của làng.
Sau khi rót nước mời khách, ông Hùng liền lấy trong tủ ra một loạt các sổ sách và vui mừng khoe với chúng tôi những dữ liệu mà ông thống kê được về số học sinh trong làng đạt giải học sinh giỏi các cấp, học sinh đỗ Đại học, cao đẳng mà ông đã cẩn thận ghi chép từ năm 1995 đến nay. Cầm trên tay cuốn sổ cũ, tôi không khỏi ngạc nhiên về tỷ lệ học sinh đỗ đại học của làng Hành Thiện những năm gần đây.
Cổng làng, đường vào gia đình cố Tổng Bí thư Trường Chinh.
Năm 2008, có 75 học sinh đi thi thì có tới 48 đỗ đại học, 26 đỗ cao đẳng, đạt trên 99%. Năm 2009, làng cũng đạt 98% đỗ đạt khi có 44 đại học và 16 cao đẳng trên tổng số 57 học sinh đi thi. Năm ngoái, tỷ lệ trên là 79% với 44 học sinh đỗ đại học và 14 đỗ cao đẳng trong tổng số 73 học sinh đi thi. Năm 2011 cả làng Hành Thiện có 80 cháu đi thi, thì tỷ lệ đỗ đạt cũng trên 90%. Năm nay, theo thống kê chưa đầy đủ, số học sinh đi thi cũng tương đương mọi năm và dự đoán tỷ lệ đỗ đạt lên tới 95%.
Khi PV thắc mắc rằng tại sao một ngôi làng nhỏ bé như vậy lại có thể có được kết quả đáng nể trong nghiệp khoa cử như vậy, ông Hùng lý giải, không chỉ quan tâm đến những học sinh dự thi đại học, cao đẳng, Hội khuyến học của làng Hành Thiện còn luôn quan tâm động viên kịp thời tới những học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Những học sinh đỗ đạt là những cá nhân đã có sự cố gắng bền bỉ trong cả một quá trình.
Nói về bề dày lịch sử của cái nghề đặc biệt này, ông Hùng không khỏi tự hào: “Truyền thống học hành, khoa bảng của làng được tiếp nối liên tục, cùng thăng trầm với các thời kỳ của đất nước nhưng nhìn chung không khi nào bị đứt đoạn, thời kỳ nào cũng ươm trồng được những người con ưu tú cho làng, cho nước.
Coi trọng người có chữ, có học
Từ xưa, người có chữ, có học dù nghèo cũng rất được kính trọng và quý mến. Nghe lời ông cha tôi kể lại, các cụ ngày xưa thường chọn gả con gái ngoan cho những hàn sĩ, những nho sinh dù ít bạc tiền nhưng có học chứ không muốn gả con cho những người nhiều tiền mà ít chữ. Từ thế hệ trước đến thế hệ sau đều nhắc nhở nhau nâng cao nhận thức và quan niệm đúng đắn về sự học trong toàn dân, nhất là đối với các cháu nhỏ.
Hỏi người Hành Thiện, dường như không ai không biết đến gia đình anh Nguyễn Văn Phong. Gia đình anh hiện có 2 con đang theo học đại học và một đang theo học cao đẳng. Nuôi ba con ăn học nhưng kinh tế của gia đình anh hoàn toàn trông vào các sản phẩm hoa màu, chăn nuôi. Mỗi lần hết vụ cấy gặt, vợ chồng anh Phong lại xoay làm đủ các nghề để kiếm tiền cho con, từ phu hồ, đồng nát, dọn vườn đến thồ hàng, trông người già khi đau ốm.
Ông Hùng cho biết, làng Hành Thiện đếm không xuể những gia đình có con 100% đi học đại học như nhà anh Phong. Nhà giàu có, khá giả, cho con đi học thì đã là chuyện thường. Nhưng có những gia đình, đến miếng ăn không đủ nhưng vẫn tìm đủ mọi cách cho con đến trường thậm chí phải cầm cả sổ đỏ. Dường như ở đây, nghề học đã kéo mọi người xích lại gần nhau, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn.