Chiến công vang dội
Chuyến công du Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua được xem là một chuyến thăm lịch sử, đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ bước vào một giai đoạn hợp tác mới.
Để làm rõ hơn những thành tựu cũng như cơ hội cho Việt Nam sau chuyến công du Mỹ này của Tổng Bí thư, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội.
Nhận xét về chuyến công du Mỹ của Tổng Bí thư, ông Vũ Mão cho rằng, đây là một chuyến đi thăm mang ý nghĩa lịch sử to lớn, bởi đây là lần đầu tiên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Mỹ.
Và ông Mão cũng cho rằng, nhiều chuyên gia đã bình luận về các khía cạnh sâu sắc của chuyến thăm nhưng cá nhân ông coi chuyến thăm này là một chiến công lớn của Việt Nam.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay Tổng thống Mỹ - Ảnh: Zimbio
"Đây là một chiến công, có tiếng vang của Việt Nam. Chúng ta có chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, có Đại thắng Mùa Xuân, giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc. Đấy là những thắng lợi mang tính thời đại.
Sự nghiệp đổi mới có những thành quả lớn là chiến công và từ những thành tựu đó, dẫn đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Thành qủa đó dẫn đến chuyến đi thăm lịch sử này.
Bởi, rõ ràng đây là lời mời và chuyến thăm rất đặc biệt khi lần đầu tiên Tổng thống Mỹ đã mời một người đứng đầu Đảng Cộng sản đến thăm.
Chính vì vậy, nội dung cũng như những kết quả đạt được sau cuộc hội đàm giữa hai bên cũng rất đặc biệt", ông Vũ Mão nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Mão, đây cũng là trường hợp hãn hữu so với thông lệ lễ tân của Nhà Trắng. Cuộc hội đàm lịch sử giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama đã kéo dài hơn so với dự kiến từ 45 đến 60 phút (theo thông lệ) đã được kéo dài đến 95 phút.
Chuyến thăm cũng diễn ra vào đúng dịp 2 nước kỷ niệm 20 năm chính thức bình thường hóa quan hệ, cũng đánh dấu mốc cho thấy quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ đang bước vào một giai đoạn hợp tác mới sâu rộng và toàn diện hơn.
Và ông Mão cũng cho rằng, có được chuyến thăm cũng như sự thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Mỹ nhanh đến như vậy là do sự tích lũy, biến đổi dần dần từ lượng thành chất sau một quá trình dài quan hệ của hai nước đạt được từ trước đó.
"Sau 40 năm kết thúc chiến tranh, 20 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao, từ cựu thù nay trở thành bạn bè, đối tác. Trong quan hệ hai nước đã có những bước đi rất dài khiến nhân dân hai nước, chính giới trong khu vực cũng hài lòng", ông Mão chia sẻ.
Cũng theo ông Mão, từ Đại hội Đảng lần thứ VI đến nay với tư tưởng, chủ trương mới hơn trong quan hệ quốc tế là muốn làm bạn với tất cả các nước một cách bình đẳng, hòa bình, Việt Nam đã hoàn thiện và tăng cường được nhiều điểm đồng thuận với Mỹ.
Ngay trong vấn đề dân chủ, nhân quyền, ông Mão cho hay, chúng ta cũng đối thoại, khẳng định với phía Mỹ rằng, Việt Nam rất coi trọng dân chủ, nhân quyền.
Đồng thời nói rõ cho họ biết, cách tiếp cận nội dung này là phù hợp với quan điểm truyền thống của nhân loại và hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam.
"Quan điểm dân chủ, nhân quyền của Việt nam là giúp đỡ những người nghèo khó, trước hết là ai cũng có cơm no, áo ấm, rồi cuộc sống dần dần khá giả hơn. Đổi mới kinh tế là nền tảng, phải làm ngay, đồng thời đổi mới chính trị từng bước vũng chắc ", ông Mão nói.
Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội
Thêm vào đó, ông Mão cũng nhìn nhận, khi có khác biệt, cả Mỹ và Việt Nam đều thống nhất chọn đối thoại là cách để xử lý khác biệt tốt nhất chứ không phải lảng tránh.
"Hai nước tìm các điểm tương đồng để hợp tác và chính cái đó sẽ góp phần thu hẹp các khác biệt, cùng nhau mong muốn hướng tới tương lai tốt đẹp.
Xuất phát từ quan điểm ấy mà dư luận trong nước và dư luận bên ngoài đánh giá cao về mối quan hệ, hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ", ông Mão đánh giá.
Cơ hội cho Việt Nam phát triển
Ông Vũ Mão cũng đánh giá, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là mang dấu mốc lịch sử mà còn mang tính thực chất rất cao.
Một trong những yếu tố cho thấy điều đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama đã cùng nhau tạo dựng một khuôn khổ chung để giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông.
Và điều này được nhấn mạnh trong tuyên bố về tầm nhìn chung giữa hai nước.
Cùng với đó, theo ông Mão, chuyến thăm đã tạo bước ngoặt không chỉ về mặt kinh tế mà đã tạo bước ngoặt đột phá trong phát triển, nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, chuyển hóa cơ cấu kinh tế, chuyển hóa cơ cấu phát triển của chúng ta.
"Sau chuyến thăm này, quan hệ của Việt Nam - Mỹ sẽ tốt lên với một tầm nhìn chiến lược và tiếp tục phấn đấu để gần gũi, hợp tác, hiểu biết nhau nhiều hơn.
Điều đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi ở nhiều khía cạnh cho chúng ta từ việc phát triển kinh tế, làm ra nhiều sản phẩm chất lượng tốt để xuất khẩu với giá trị cao, thu nhiều lợi nhuận.
Từ đó, giúp nâng cao cuộc sống người dân. Niềm tin và quyết tâm của chúng ta vào điều đó, chắc chắn sẽ đạt được", ông Mão bày tỏ.
Bàn về câu hỏi liệu Việt Nam có thể gia nhập Hiệp ước thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng hay không, ông Mão cho rằng, việc chúng ta vào là tất yếu, nhưng cái quan trọng hơn là phải rà soát lại tất cả, tiếp tục đổi mới toàn diện để tiến lên.
Chúng ta không sợ là không được vào TPP mà chỉ sợ vào rồi mà chậm chuyển biến, thậm chí không “xoay sở” được, để tụt hậu thì lại là điều đáng buồn.
Theo ông Vũ Mão, đây sẽ là một cơ hội nhưng đi kèm theo đó là thách thức đối với chúng ta.
Rất nhiều việc phải làm, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, phải tháo gỡ ngay những lùng nhùng, những khúc mắc trong sản xuất và xuất khẩu...