Một bác sĩ làm ở phòng cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai đã viết lại những câu chuyện đó trên blog của mình: “20 giờ đêm một nhóm học sinh đưa một cô bé vào phòng cấp cứu. Cô bé đang bất tỉnh, còn những đứa bạn thì hốt hoảng, lo sợ.
Tôi đến khám cho cô bé và cũng phát hoảng khi các bạn cho biết cô bé đã uống thuốc ngủ liều cao để tự vẫn vì mắc mớ chuyện tình cảm. May thay, các bạn phát hiện sớm và kịp thời đưa cô bé tới bệnh viện cấp cứu nên đã qua cơn nguy kịch.
Đêm muộn, mẹ cô bé mới đến được bệnh viện, bà không nói không rằng, chỉ ngồi im nhìn con, nước mắt cứ lăn dài trên gò má. Nhìn cách bà chăm chút con gái trên giường cũng đủ biết bà đã dành trọn tình yêu thương cho con.
Tay bà sần sùi, chai sạn vuốt mái tóc con gái. Cô bé vẫn ngủ và cô bé không hề biết rằng bên cạnh mình có một bà mẹ đang nước mắt lưng tròng. Cô thì ngủ, mẹ thì thức. Mắt cô thì khô, mắt mẹ thì ướt. Nhịp thở cô đều, nhưng nhịp thở của mẹ thì đang thổn thức, nấc nghẹn.
Chắc rằng trong mơ, cô bé đang nghĩ về bạn trai. Cô cho rằng kết thúc cuộc sống là cách để cảnh báo chàng trai về sự bội bạc. Nhưng cô đã quên không mang theo thực tại vào trong mơ. Thực tại với một bà mẹ mỏi mòn, dõi theo con và đang nấc lên vì con. Có lẽ cô đã ích kỷ không nghĩ tới mẹ và nỗi lo toan của mẹ.
Sự chấm dứt đau khổ cho cô, nhưng lại mở ra sự đau đớn tột cùng cho cha mẹ, người thân. Tôi mong cô bé tỉnh lại sẽ nhận ra điều mình làm là dại dột. Tôi muốn gửi tới những cô gái trẻ lời khuyên rằng, đừng vội đánh mất tuổi xanh, đừng cướp đi công lao sinh thành, nuôi dưỡng, cướp đi niềm tin yêu, hy vọng của bố mẹ cũng như những người thân yêu…”.
Một câu chuyện khác cũng đầy đau xót về một nữ sinh viên đang học tại Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã uống hơn 60 viên thuốc ngủ các loại hòng kết liễu cuộc đời và đây là lần tự tử thứ hai của cô gái. Nghe tin con gái tự tử, người mẹ cả đời chỉ biết đến ruộng đồng hối hả ra Hà Nội để chăm con.
Nói trong nước mắt và nỗi ân hận, bà mẹ kể với bác sĩ: "Cháu thích học du lịch, nhưng gia đình tôi lại muốn con học nông nghiệp để về quê xin việc cho dễ. Cháu rất ngoan ngoãn nên nghe lời mẹ, nhưng sau khi đi học nó luôn kêu chán. Sau đó tôi biết cháu thường xuyên bỏ học đi làm thêm, tôi lại mắng mỏ…
Lần đầu cháu uống thuốc ngủ tự tử được bạn bè đưa đi cấp cứu, gia đình không hay biết. Lần này chắc uống nhiều thuốc ngủ quá, bạn bè sợ nên đã báo về nhà. May mà còn cứu được. Vợ chồng tôi là nông dân cứ nghĩ cho con ăn học là tốt, không ngờ vì chiều theo ý bố mẹ mà ra nông nỗi này...".
Có lẽ khó quên nhất đối với các bác sĩ là trường hợp một bé trai đang học lớp 6 ở Hà Nội tìm đến cái chết vì phải học quá nhiều. Học lực chỉ ở mức trung bình, nhưng bố mẹ em đã tìm mọi cách để xin vào lớp chọn. Để không thua kém các bạn, bố mẹ em đã thuê 5 gia sư đến nhà để dạy thêm. Ngoài giờ học ở lớp, chiều tối là lịch học thêm dày đặc, nhưng kết quả vẫn không khá hơn.
Chán nản, mệt mỏi, sau nhiều lần xin bố mẹ chuyển lớp không được, bé trai đó đã lấy dao cắt tay chảy máu để khỏi phải học. Đến khi bố mẹ phát hiện thì bé trai đó đã nguy kịch. Rất may được điều trị tích cực, đứa bé đã qua khỏi.
Khi tỉnh dậy, điều đầu tiên đứa bé van xin bố mẹ là “con không muốn học nữa, bố mẹ bắt con học con sẽ lại cắt tay để chết…”. Nghe con nói, người mẹ òa khóc, suốt trong những ngày chăm con ở bệnh viện, trên khuôn mặt bà mẹ đó hằn lên nỗi đau khổ và đôi mắt lúc nào cũng đỏ hoe…
Trẻ tự tử là “tội” của người lớn. Kết luận này được cho là rất xác đáng. TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội - cho rằng, xã hội có nhiều biến động đã tạo ra áp lực cho mọi người, nhất là những đứa trẻ, lứa tuổi học sinh, sinh viên. Nếu trẻ không vượt qua nổi áp lực, bế tắc thường tìm đến cái chết.
Áp lực cuộc sống, những cú sốc đầu đời, gia đình bất ổn, áp lực học tập, thi cử, yêu đương... khiến cho các em hoang mang, lo lắng, tâm lý bất ổn. Đó là logic tâm lý bình thường. Khi gặp những sự cố đó nếu không được bố mẹ, những người xung quanh chia sẻ, các em cảm thấy bế tắc và tìm cách kết thúc cuộc sống.
Những câu chuyện kể trên đây rất mong là lời cảnh tỉnh đối với các bậc cha mẹ để đừng đẩy trẻ vào bước đường cùng. Hãy học cách lắng nghe và chia sẻ với con cái.