Anh Hoàng Văn Thể (31 tuổi) gắn bó với nghề dạy trẻ mầm non tại Trường Mầm non Tân Đức, xã Tân Đức, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã 10 năm nay.
Vượt qua nhiều rào cản, kỳ thị rằng con trai ai lại dạy trẻ mầm non, anh Thể được người dân nơi đây yêu quý, tin tưởng bởi tình yêu nghề, yêu trẻ của mình.
Thầy Hoàng Văn Thể (trái) không ngại ngần chia sẻ về câu chuyện bám nghề dạy trẻ mẫu giáo 10 năm.
Lương được trả bằng thóc, ngô, đỗ
Sinh ra và lớn lên tại xã Tân Đức, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, ngay từ nhỏ anh Thể đã có một ước mơ nho nhỏ là được chăm sóc những đứa trẻ nhỏ. Chính vì vậy, học hết cấp 3, anh quyết tâm thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên.
Năm 2006, vừa tốt nghiệp cao đẳng, anh quyết tâm nộp hồ sơ thi tuyển vào Trường Mầm non Tân Đức với mong muốn cống hiến cho quê hương của mình.
Chia sẻ về lý do chọn nghề được cho rằng “không dành cho con trai” này, anh Thể tâm sự: “Mình chọn nghề này xuất phát từ tình yêu con trẻ, yêu mến tâm hồn trong sáng của trẻ thơ. Hơn nữa, mình nghĩ rằng, những việc phụ nữ làm được thì nam giới cũng làm được từ việc chăm sóc trẻ, dạy múa hát…”.
Anh Thể khéo léo trang trí trong cuộc thi giáo viên mầm non dạy giỏi.
Tuy nhiên, ban đầu khi mới bước vào nghề, anh nhận thấy nhiều người nhìn mình bằng ánh mắt kỳ thị vì cho rằng nghề này nam giới không thể làm được, con trai là phải làm việc lớn, làm công việc mạnh mẽ…
Thậm chí, phụ huynh không tin tưởng giao con cho lớp 5 tuổi của anh vì lo lắng anh không làm được, không khéo léo và chăm sóc trẻ nhỏ tận tình như các cô giáo khác.
“Bà xã mình ban đầu cũng chưa ủng hộ, còn bàn lùi nói rằng: “ai lại con trai đi dạy mầm non, làm gì có con trai dạy mầm non”. Lúc đó, mình bị dao động tâm lý trong công việc mất 3 tháng, cũng có đôi chút buồn, chán nản”, anh Thể thật thà nói.
Chưa kể lúc bấy giờ, anh kể rằng: lương chỉ được trả bằng thóc, bằng ngô, khoai, đỗ sau đó anh đem ra chợ bán lấy tiền nuôi sống gia đình. Sau vài năm dạy hợp đồng, lương của anh cũng chỉ là 180 nghìn đồng; 210 nghìn đồng/ tháng ...Thu nhập quá ít ỏi khiến cuộc sống gia đình anh khó khăn.
Bỏ ngoài tai những lời nói "nghề này con trai không làm được", thầy giáo Hoàng Văn Thể vẫn quyết tâm theo nghề dạy trẻ mầm non 10 năm nay.
10 năm với nghề dạy trẻ mẫu giáo
Đôi khi, anh cảm thấy hơi chán nghề này bởi anh thấy so với các bạn cùng trang lứa, họ kiếm tiền, gây dựng cơ nghiệp khá lớn. Không ít lần, bạn bè anh đã có lời mời anh làm công việc khác với mức thu nhập 8 – 10 triệu nhưng anh đều chối từ.
Với trách nhiệm của một người chồng, người cha lo cho gia đình, nhiều khi anh chênh vênh, dao động tư tưởng về nghề. Nhưng, gần 10 năm dạy hợp đồng với số tiền lương ít ỏi như vậy nhưng anh không hề chùn bước.
Anh Hoàng Văn Thể đã có nhiều thành công, nhận được nhiều giải thưởng trong nghề mà mình đã lựa chọn.
Anh cho biết: “Năm 2010, mình mới được vào biên chế. Mặc dù lương mình có 3 triệu nhưng công việc hiện nay đem lại cho mình niềm hạnh phúc đặc biệt mà ít người có được. Hiện tại công việc của mình rất thuận lợi, mình được phụ huynh tin tưởng, các cháu yêu quý”.
Đến bây giờ anh vẫn còn nhớ kỷ niệm năm 2011 khi anh đi thi giáo viên của tỉnh. Anh nhớ lại: “Mình thấy các cháu trường khác đi thi hội diễn văn nghệ nhưng không có thầy đi theo vì vậy mình đã đàn hát và chơi cùng các cháu rất vui. Đến sau khi kết thúc chương trình, hơn chục cháu ấy chạy ào đến ôm cổ, vít vai nói chuyện tình cảm và lúc chia tay các em đồng thanh nói:“Thầy Thể ơi, lên đây dạy chúng con học!". Thực sự mình rất xúc động”.
Còn về gia đình, mặc dù thời gian ở trường 9 – 10 tiếng, nhưng anh vẫn cùng vợ làm những việc gia đình, chăm sóc con cái, đưa con đến trường…Thậm chí, có thời gian vợ anh phải đi làm công nhân ở xa, đến cuối tuần mới về thăm nhà, một mình anh Thể quán xuyến việc nhà từ việc cho đứa con trai ăn uống, ngủ nghỉ, học hành…
Anh Thể nói rằng, bà xã đã thông cảm, hiểu hơn về công việc của anh, nhiều khi vợ còn giúp đỡ anh làm đồ chơi cho các cháu, soạn giáo án đến đêm muộn. Anh còn khoe rằng, con trai đang học lớp 3 vừa đạt giải nhất viết chữ đẹp và giải 3 toán internet cấp tỉnh.
Chia sẻ mong muốn về nghề giáo viên mầm non, anh Thể tâm sự: “Mình luôn tâm niệm, các em đang cần thầy nên dù có khó khăn như thế nào, mình cũng không nản. Mình mong, xã hội có cái nhìn đúng đắn hơn về nghề mầm non không chỉ dành cho nữ giới”.