Cứ vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, trong khi người dân khắp mọi miền nô nức lễ chùa thì làng giò chả Ước Lễ (xã Tân Ước - huyện Thanh Oai - Hà Nội) lại rộn ràng ăn Tết trở lại.
Những ngày này, trên các đường làng rực đỏ cờ hoa, trong mỗi gia đình thì người dân trang hoàng lại nhà cửa, sắm sửa mâm ngũ quả cao đầy thành kính dâng lên bàn thờ tổ tiên.
Vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, trên con đường dẫn vào làng Ước Lễ luôn nhộn nhịp người qua lại.
Đặc biệt, ở làng Ước Lễ có một tục lệ “bất thành văn” là những người con xa quê hương dù ở mọi miền đất nước và có bận trăm công ngàn việc cũng sắp xếp về sum họp cùng gia đình, bà con dân làng.
Chúng tôi đến thăm gia đình cụ Vũ Thị Nhung (84 tuổi) là con dâu dòng họ Trang Công – một trong những dòng họ đông con, nhiều cháu ở làng nghề giò chả Ước Lễ đang sắm sửa cho buổi họ tụ của cả dòng họ.
Gia đình cụ Nhung có 10 người con làm ăn ở khắp nơi cũng về để chung vui, gặp mặt nhau dịp lễ làng này. Thậm chí, người con trai thứ 6 của cụ công tác ở nước ngoài cũng về để chúc thọ cụ và mừng tuổi cho dòng họ, gia đình, hàng xóm.
“Ở làng nghề chúng tôi từ xa xưa đến nay vẫn giữ được tục lệ của làng. Con cháu có thể dịp Tết ta không về được thì cố gắng lo toan mọi việc đúng vào ngày Rằm tháng Giêng sẽ về để gặp mặt nhau.
Vì có nhớ đến tổ tiên, nhớ đến làng nghề truyền thống hàng trăm năm nay của chúng tôi thì các cụ sẽ phù hộ cho mạnh khỏe, làm ăn phát tài phát lộc được. Đó là cái lệ rồi và cũng muốn các con, các cháu không quên đi cội nguồn của mình” – cụ Nhung cho biết.
Theo nghi lễ của làng, sau khi làm lễ cúng gia tiên xong, người dân làng Ước Lễ súng sính quần áo lên chùa dự hội, xin lộc hoặc đến các gia đình hàng xóm để gặp mặt nhau và chúc Tết cho nhau những điều tốt đẹp nhất.
Nói về cái Tết đặc biệt này, cụ Ngô Đình Hồ, Trưởng Hội hương lão thôn Ước Lễ cho biết: “Tục lệ ăn “Tết bù” đã có ở Ước Lễ từ nhiều đời nay là do làng có nghề làm giò chả. Bởi thế, khi cả nước tưng bừng đón Tết dân tộc thì người dân làng Ước Lễ bước vào thời điểm bận nhất của nghề, không có thời gian mua sắm hay chúc nhau ngày Tết.
Khi hết Tết Nguyên đán, nhịp sống trở lại bình thường, dân làng Ước Lễ mới chính thức đón Tết “bù” hay dân làng vẫn gọi vui với nhau là ăn Tết lại”.
Theo những bậc cao niên trong làng cho biết, lễ rằm thắng Giêng ở Ước Lễ là nơi gặp gỡ, hội tụ các con cháu trong làng về đón Tết chúc tụng nhau. Còn lễ chính của làng diễn ra vào ngày 12/8 âm lịch hàng năm...
Một số hình ảnh chúng tôi ghi lại ở làng giò chả Ước Lễ:
Người dân Ước Lễ dù ở lứa tuổi nào đến ngày Rằm tháng Giêng lại tụ hội về làng như một tục lệ nhiều đời nay.
Người dân trong làng ra thắp hương ở tổ đình làng Ước Lễ để cầu an, cầu lộc...
Sản phẩm giò Ước Lễ nổi tiếng của làng cũng được khách thập phương tin dùng.
Từ ngoài ngõ vào trong sân nhà chật cứng phương tiện đỗ.
Thắp hương cúng lễ gia tiên, nhớ công ơn Tổ nghề để lại cho dân làng.
Những mâm cỗ được bày ra cao đầy...
Trong đó không thể thiếu món chả Ước Lễ truyền thống của làng.
Các con cháu xin lộc gia tiên phù hộ.
Điều đặc biệt ở làng Ước Lễ, bên cạnh giò chả, thịt chó là món không thể thiếu trong những ngày này...
Khách đến cũng dễ dàng mua thịt chó sống được bán ở gần đình làng...
Chuẩn bị cho thượng khách...
Món rượu mận chó đắt khách...