Suốt 60 năm nay, người dân ở xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, Nghệ An nói không với việc nuôi chó. Không phải ngẫu nhiên mà người dân nơi đây lại sợ con vật được xem là người bạn thân thiết nhất của với con người đến vậy.
Ám ảnh về bệnh dịch đáng sợ
Ông Nguyễn Văn Hồng (88 tuổi, ở xóm 7, xã Diễn Nguyên) bắt đầu câu chuyện của mình bằng ánh mắt xa xăm hồi tưởng về quá khứ. “Những năm 60 của thế kỷ trước ở thôn Tân Châu, xã Diễn Nguyên (nay là xóm 7) người dân vẫn nuôi chó bình thường. Thế nhưng vào một hôm, ông Đào Văn Tiến không may bị chó dại cắn. Do không được chữa trị kịp thời nên ông Tiến phát bệnh. Lúc ông ấy lên cơn, người thân bị ông ấy cắn và cũng bị bệnh dại mà chết. Sau đó, cũng có mấy người trong làng bị chó dại cắn nên từ đó người dân cứ thấy chó là sợ hãi”, ông Hồng kể.
Ông Cao Xuân Mai, Chủ tịch xã Diễn Nguyên khẳng định việc người dân toàn xã hơn 60 năm nay không nuôi chó là có thật.
Sau sự việc đó ai cũng sợ, thấy chó là tránh thật xa trong khi dịch chó dại ngày càng lan rộng. Lo lắng cho tính mạng của mình, người dân đã thống nhất tiêu diệt những con chó còn sống. Thậm chí việc giết chó còn được đề ra thành khẩu hiệu để toàn dân thực hiện theo phong trào.
Sau khi trong làng “sạch bóng chó”, người dân ở đây đã đồng lòng đặt ra “hương ước nói không với chó”. Từ đó trở về sau, người dân trong xã không ai được nuôi chó nữa. Hễ hộ gia đình nào vi phạm sẽ bị làng kỷ luật nghiêm khắc.
Bà Đào Thị Tuyết (85 tuổi), một vị cao niên khác trong làng cho biết: “Lâu dần thành quen, từ đó đến nay đã khoảng 60 năm rồi mà cả làng cũng không có gia đình nào nuôi lại. Hơn nữa, sự chết chóc từ đợt dịch chó dại vẫn còn ám ảnh bà con nơi đây nên giờ cứ thấy chó là chúng tôi rất sợ”.
Không chỉ không nuôi chó trong nhà, đến tận bây giờ người dân trong xã còn coi chó như kẻ thù của họ. Con chó nào của làng khác, xã khác chạy vào địa phận xã Diễn Nguyên đều bị đánh đuổi, thậm chí là giết chết. Họ cho rằng những con chó đó có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho bản thân và gia đình.
Ông Hồng hào hứng nói: “Người ta bảo nuôi chó để giữ nhà, giữ của nhưng dân làng tôi gần 60 năm nay không nuôi chó vẫn thấy có mất mát gì đâu. Không những vậy, xóm làng lại sạch sẽ, vệ sinh và yên tĩnh. Trước đây nhà nào cũng nuôi chó, ban đêm chúng sủa cũng đã mất trật tự lắm rồi”.
Đồng tình, anh Đào Xuân Tú, trưởng xóm 7 cho biết: “Đến nay người dân không nuôi chó một phần là vì “hương ước”, một phần cũng vì vệ sinh làng xóm. Đây là vùng đất sét nên hễ mưa là lầy lội. Chó mà “bậy” khắp nơi thì đường bẩn không chịu được”.
Chuyện nuôi chó nóng "nghị trường xã"
Gần 60 năm trôi qua, cuộc sống của người dân đã phát triển, các dịch vụ y tế được nâng cao nên dịch chó dại không còn là nỗi lo lắng nữa. Một số hộ dân cũng mong muốn được nuôi chó trở lại cho vui cửa, vui nhà. Ngay lập tức, đề nghị này trở thành chủ đề tranh luận nóng tại “nghị trường xã”. Lãnh đạo xã đã vô cùng bối rối trước những ý kiến trái chiều của người dân.
Kết quả một lần lấy ý kiến nhân dân về việc nuôi chó trên địa bàn xã Diễn Nguyên.
Tháng 6.2011, UBND xã Diễn Nguyên đã thống nhất chủ trương giao cho Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã chỉ đạo các cơ sở xóm tổ chức đợt phát phiếu thăm dò lấy kiến trong nhân dân về việc có nuôi chó trở lại hay không trên toàn địa bàn xã.
Đợt đó, toàn xã Diễn Nguyên có 1.779 hộ dân thì có đến 80% hộ dồng ý với việc không nuôi chó. Ông Nguyễn Văn Thắng (60 tuổi) nói: “Cũng vì chuyện có nên nuôi chó trở lại hay không mà đợt đó các xóm đã phải tổ chức họp đi họp lại toàn xóm để biểu quyết lấy ý kiến mãi. Cuối cùng, có đến 80% người dân thuộc 7 xóm trong xã không đồng ý với việc nuôi chó trở lại. Vậy nên đến nay Diễn Nguyễn vẫn không có con chó nào”.
Ông Cao Xuân Mai, Chủ tịch xã Diễn Nguyên khẳng định: “Việc xã chúng tôi tồn tại “hương ước” hơn nửa thế kỷ nay về việc người dân không nuôi chó là hoàn toàn có thật. Với người dân ở đây, khi nhắc về những con chó, họ rất sợ hãi. Vì lẽ đó thời gian qua cũng có một số hộ dân muốn nuôi trở lại nhưng lại gặp phải sự phản đối của hàng xóm láng giềng. Hiện tại trên địa bàn toàn xã có khoảng 40 hộ dân đang nuôi chó. Và những hộ dân này chúng tôi đã tổ chức các đoàn thể xuống vận động để họ không nuôi nữa”.
Theo ông Mai, mặc dù không có những “cận vệ” về đêm nhưng an ninh ở xã Diễn Nguyên vẫn rất tốt. Đời sống của người dân ngày được nâng cao, vấn đề về vệ sinh môi trường và không gian yên tĩnh ở vùng quê này hoàn toàn được đảm bảo.
Khi được hỏi 60 năm qua người dân ở đây có ăn thịt chó không, ông Thắng cười lớn cho biết: “Có chứ, dân không nuôi chó, nhưng họ vẫn ăn thịt chó và thịt thì phải mua ở chợ”.