Chuyện kỳ lạ và rơi nước mắt về hai anh em sinh đôi thủ khoa ĐH Y

Thiên Di |

(Soha.vn) - “Cả làng, cả xã không ai khổ bằng khi tôi sinh hai thằng này. Lúc đấy kinh tế khó, bố cháu đi làm, mình tôi kẹp 1 thằng ở chân, một thằng bế trên tay, chỉ mong làm sao cho con được 1 tháng cứng cáp rồi mong con được 3 tháng, 5 tháng…mong mãi, mong mãi đến khi con biết đi”, cô Hoàng Thị Thanh – mẹ của thủ khoa ĐH Y Nguyễn Hữu Tiến chia sẻ.

Sau khi được chứng kiến hoàn cảnh mưu sinh trên thành phố nuôi con ăn học của chú Nguyễn Hữu Định – bố của hai anh em sinh đôi Nguyễn Hữu Tiến (thủ khoa ĐH Y Hà Nội) và Nguyễn Hữu Tiền (đỗ ĐH Bách khoa Hà Nội), tôi may mắn có cơ hội được tiếp xúc, trò chuyện với mẹ của hai em, cô Hoàng Thị Thanh và hai anh em sinh đôi đặc biệt này tại ngôi nhà chưa đầy 20 mét vuông ở thôn Động Phí, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.

Cả làng cả xã không ai khổ bằng

Suốt buổi trò chuyện, cô chỉ nhắc đến hai cậu con trai với đôi mắt đầy tự hào, yêu thương. Cô Thanh kể: “Vừa vui nhưng lại vừa lo, buồn vì không biết có tiền đâu cho hai đứa ăn học đại học trên thành phố”.

Dứt lời, cô Thanh nhớ về quãng thời gian sinh hai người con sinh đôi và những chuyện kỳ lạ về 2 đứa con mình: “Lúc sinh hai thằng, con gái đầu có 6 tuổi, đứa thứ hai 4 tuổi nên vất vả lắm. Cả 3 chị em nó có sự trùng hợp là sinh cùng giờ, cùng tháng, cùng năm với nhau”.

Theo lời cô Thanh kể, từ nhỏ, Tiến và Tiền có nhiều điểm tương đồng. Năm 3 tuổi, Tiền bị sốt cao 41 độ, gia đình không có tiền đi bệnh viện, cô vội vàng mang đến nhờ cô y tá khám cho. Đến khi Tiền khỏi thì về nhà Tiến cũng bị sốt cao như thế.

Hay lần em Tiền bị bỏng than thì một tuần sau Tiến cũng quỳ cả hai đầu gối vào xoong canh nóng gây bỏng rộp ở da. Đặc biệt là Tiến, sức khỏe của em yếu hơn nên từ nhỏ đi viện nhiều vì đau bụng.

“Lớp 9, Tiến kêu đau bụng nhưng vẫn cố đến lớp học. Đến giữa buổi, đau quằn quại, hai cháu xin thầy về nhà, tôi phải gọi cậu cháu sang đưa đi viện khám. Cháu phải nằm ở viện để chờ mổ nhưng cứ nằng nặc đòi mẹ mang sách vở vào học, đến lúc mổ xong mấy ngày, cháu khóc ầm lên xin bác sỹ cho về đi thi học kỳ”, cô Thanh nhớ lại.

Vợ chồng bác Định nguyện

Vợ chồng bác Định nguyện "làm đến lúc chết" để cho con được học đại học.

Biết bố mẹ vất vả, gia đình nghèo khó, ngay từ nhỏ Tiến và Tiền không đòi mẹ mua bất cứ cái gì, quần áo mẹ mua thế nào cũng mặc, bàn ghế, cặp sách đều là đồ cũ được cho.

“Bàn học bị sụt chân, cặp sách đã cũ rách, tôi bảo bỏ đi, hai đứa không chịu nói rằng đến khi nào không dùng được thì mới bỏ đi. Sách vở không phân biệt sách cũ sách mới, chỉ cần đủ là được, không có tiền mua thì cháu mượn bạn đi phô tô”, cô Thanh nói.

Nói xong, cô vội chỉ cho tôi chiếc xe đạp dựng ở vách tường. Cô kể rằng, khi hai đứa lên cấp 3, thương con đi học xa, bố làm ở Cầu Giấy dành dụm mua cho cái xe đạp cũ 200 nghìn đồng cho hai đứa đèo nhau.

“Bố đạp xe từ trên đó về nhà mà hai đứa mừng phát khóc. Gần 1 năm trước, chiếc khóa bị đứt, hai đứa nhất quyết không cho mẹ mua cái mới mà lấy dây chun buộc vào để dùng tiếp”, mẹ của Tiến mắt đỏ hoe nhớ lại.

Cô Thanh cho biết: Hai anh em muốn đi vào ngành quân đội, công an để không phải đóng học phí cho bố mẹ đỡ khổ, nhưng đợt trước đi khám sơ tuyển không đủ điều kiện chiều cao, cân nặng nên Tiền và Tiến phải chuyển sang ĐH Bách khoa và ĐH Y Hà Nội.

Sở thích duy nhất là học

Hỏi về sở thích của hai anh em, Tiến và Tiền đồng thanh trả lời: “Từ nhỏ chẳng thích hay muốn gì, chỉ thích học thôi”. Ngoài thời gian học trên lớp, hai anh em giúp đỡ bố mẹ còn đâu thời gian dành cho việc học.

Hai anh em đều có niềm đam mê với môn Toán và khả năng học tốt môn tự nhiên. Từ nhỏ, Tiến và Tiền giành được nhiều giấy khen có thành tích học tập xuất sắc, bằng khen từ các cuộc thi học sinh giỏi…

Hai anh em sinh đôi Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Tiền vươn lên hoàn cảnh khó khăn, cùng đỗ đại học.

Hai anh em sinh đôi Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Tiền vươn lên hoàn cảnh khó khăn, cùng đỗ đại học.

Nhớ về kỷ niệm lúc gia đình khó khăn, Tiến cho biết: Hồi cấp 2 đi cấy, buổi sáng không ăn gì, đến hơn 12 giờ trưa thấy đói, người bủn rủn run run mà không dám nói với mẹ mà cố cấy hết mạ. Về đến nhà nằm ngay giữa nhà mà không muốn ăn cơm.

“Ngày mùa đi cấy gặt ngoài đồng đến 7-8 giờ tối về ăn cơm, lúc ngồi vào bàn học đã 9h tối, nhiều lúc hai anh em gục ngay trên bàn vì buồn ngủ. Để tỉnh ngủ, hai anh em ra bể rửa mắt rồi vào học tiếp”, Tiến kể lại.

Còn đối với cậu em trai song sinh, Nguyễn Hữu Tiền, kỷ niệm nhớ nhất chính là khoảng thời gian bố đi làm xẻ gỗ trên Tây Bắc, bố không ở nhà nhiều, chỉ biết công việc của bố qua những lời kể.

Em trai song sinh của Tiến là Nguyễn Hữu Tiền đỗ ĐH Bách khoa với điểm số 26 điểm.

Em trai song sinh của Tiến là Nguyễn Hữu Tiền đỗ ĐH Bách khoa với điểm số 26 điểm.

“Mẹ ở nhà cũng vất vả, thương mẹ mấy năm nay để nuôi mấy chị em ăn học, mẹ đi vặt lông vịt thuê từ 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng. Những lúc mùa gặt, mùa cấy, mẹ về đến nhà là vội vàng ra đồng làm luôn đến qua trưa, ngày mẹ chỉ chợp mắt được vài tiếng”, Tiền xúc động chia sẻ.

Chứng kiến điều kiện ăn ở, công việc của bố ngoài thành phố qua ảnh, qua lời kể của mẹ, hai anh em rưng rưng: “Mẹ đi làm cả đêm, bố phải sống vất vả như thế chỉ để mấy chị em được đi học mà mình chưa làm được gì giúp, em cảm thấy bất lực, buồn. Thương bố mẹ mà hai anh em chỉ có thể cố gắng học”.

Chia sẻ với chúng tôi, hai anh em không ước gì cho mình, không mong muốn cho bản thân mà chỉ mong sao học tập tốt, giúp được bố mẹ càng nhiều càng tốt, phấn đấu ra trường có việc làm nuôi bố mẹ, lo được kinh tế gia đình.

“Ra ngoài thành phố học đại học, bố mẹ em sẽ khổ hơn. Vì vậy, thời gian trước mắt, chúng em sẽ đi làm thêm, cân đối việc học và làm để đỡ đần bố mẹ phần nào. Mấy chị em có bàn nhau thuê trọ cùng bố để bố không phải sống tạm bợ như vậy nữa nhưng bố nói không có điều kiện đi lại, nắng mưa không thuận lợi công việc”, hai anh em tâm sự.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại