Bài 1: Người có tên độc nhất vô nhị ở Việt Nam: Lê Tắt Nến
Bài 2: Đi tìm cô gái "nổi tiếng" vì tên dài nhất tỉnh Thái Nguyên
Bài 3: Người cha lý giải việc đặt tên con dài nhất tỉnh Thái Nguyên
Bố mẹ.. quên tên thật
Sinh ra được bố mẹ đặt tên khá “mĩ miều” Đinh Công Tiện, nhưng anh không được khai sinh ngay. Theo thời gian, mọi người gọi anh là Ẻo bởi dáng người nhỏ, gầy.
Hơn 10 tuổi, cả bố mẹ đã quen gọi Ẻo mà quên mất tên Tiện của con nên khai sinh là Ẻo. Chính bởi lý do này, vị trưởng thôn Bát (xã Phú Cường, Tân Lạc, Hòa Bình) được khai sinh với cái tên khá “độc”: Đinh Công Ẻo.
Sinh năm 1980, anh là con thứ 5 trong gia đình có 8 anh chị em, chỉ mình anh là có cái tên "độc".
Anh Ẻo kể, ngày còn trẻ, anh cũng thuộc dạng “đào hoa” nhất nhì của làng. Trong đám cưới một người bạn, có cô gái xinh xắn “để mắt” tới nhưng lúc đứng nói chuyện, anh Ẻo không dám giới thiệu tên.
Anh sợ, cô gái ấy biết tên thật sẽ lại không thích mình. Nên anh cứ nói hết chuyện này lại sang chuyện khác mà tuyệt nhiên bỏ qua câu chuyện về tên Ẻo của mình.
“Qua một vài người bạn cô gái ấy cũng biết mình là Ẻo. Giờ thì cả hai cũng chẳng đi tới đâu” – anh Ẻo cười và hướng đôi mắt về phía vợ là chị Nguyễn Thị Hoan (SN 1983) đang chăm chú nghe chuyện của chồng.
“Anh ấy không lấy vợ làng khác vì sợ bị con gái chê tên xấu nên phải về lấy gái làng. Ngày trước đi tới đâu, mọi người cũng hỏi tên chồng, tôi xấu hổ.
Ở làng này, nhiều cụ già không đọc được tên anh Ẻo đâu” – chị Hoan thêm vào bằng chuyện tếu.
Không sợ bị lạc vì tên... xấu
Sau khi lấy vợ, có 2 con, anh Ẻo tham gia lớp học bổ túc tại thành phố Hòa Bình. Anh có nhiều kỷ niệm vui với cái tên “Hòa Bình này chỉ mình anh có”.
“Trong một tiết học, cô giáo do mới chuyển về trường, chưa quen với tên mình nên gọi bạn Đinh Công Cỏ lên bảng. Do không đúng tên nên mình vẫn ngồi yên. Cả lớp thì cười.
Ban đầu cô giáo không biết nguyên nhân nhưng khi nhìn lại sổ điểm biết mình nhầm nên cô cũng cười theo đầy ngượng ngùng. Tất nhiên mình cũng không thể không cười” – anh Ẻo nhớ lại.
Chính vì được gọi là Đinh Công Ẻo mà anh vô tình trở thành “tâm điểm” ở lớp học để thầy cô gọi lên bảng.
Khi đã là “lãnh đạo”, với những cuộc giao lưu hay buổi tập huấn trên huyện, trên thành phố, sau những cái bắt tay lại là những câu chuyện vui về vị trưởng thôn mang tên Ẻo.
“Nếu có trêu thì cũng chỉ bạn bè cùng trang lứa hoặc đi học giáo viên có một vài câu bông đùa. Khi đi làm, đồng nghiệp chưa bao giờ có ý kiến gì về tên của mình.
Cũng nhiều người gọi tôi là anh Huệ vì con gái cả tên là Huệ. Tới con thứ hai, tôi không dám đặt tên mà nhường chức trách ấy cho anh chị em trong họ.
Cũng may, Đinh Thu Hoài đọc xuôi tai. Bản thân tôi chưa khi nào trách ông bà khai sinh mình thành thế này đâu. Chính tên xấu nên đi đâu mình cũng không sợ bị thất lạc” – anh Ẻo chia sẻ.
Anh lý giải: "Thế hệ 8X mà có tên xấu như mình chắc là “của hiếm”. Nhưng đây cũng một phần thuộc về phong tục tập quán của địa phương, đặt tên con xấu để không bị ốm đau, không bị ma bắt”.
Và ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh Ẻo vẫn rộn rã tiếng cười sau khi chúng tôi ra về. Ở đó, câu chuyện về những tên xấu, tên khó đọc lần đầu tiên được họ mang ra bàn tán như một cuộc bàn thảo…
>>> Chuyện giờ mới kể về Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương
>>> Cậu bé 2 tuổi có tên độc, lạ nhất Hà Nội
>>> Bí mật gia đình 3 thế hệ đều đặt tên động vật tránh... "ma bắt"