"Bị đuổi" khỏi UIA (?!)
Thời gian qua, những thông tin về lớp học với mức giá "cắt cổ" từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng của thạc sỹ thôi miên Nguyễn Mạnh Quân đã khiến dư luận không khỏi xôn xao.
Cùng với đó, dư luận cũng bán tín, bán nghi về những lời quảng cáo khả năng "đánh thức mọi tiềm năng của con người" hay chữa bệnh nhờ thôi miên trị liệu của vị chuyên gia này.
Trao đổi với chúng tôi tại trụ sở của Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA), TS Vũ Thế Khanh đã bất ngờ đưa ra một số thông tin về việc thực hư tài năng của vị thạc sỹ thôi miên này.
Theo ông Khanh, sau khi từ Đức trở về với tấm bằng được giới thiệu là thạc sỹ thôi miên, thông qua một người bạn đang là thạc sỹ tâm lý, năm 2010, ông Nguyễn Mạnh Quân đã đến xin được tham gia vào UIA .
Từ lời giới thiệu cùng với sự tự "quảng cáo" của ông Quân, vào ngày 9/8/2010, ông Khanh đã ký quyết định số 089/TC - LH thành lập Viện nghiên cứu ứng dụng khoa học thôi miên do ông Nguyễn Mạnh Quân làm viện trưởng.
Tuy nhiên, vào ngày 15/02/2011, sau 6 tháng thực nghiệm của Viện trưởng Nguyễn Mạnh Quân, ông Khanh đã phải ký quyết định giải thể Viện này.
Bởi theo giải thích của ông Khanh, ông Quân không hề có tài thôi miên như "quảng cáo" và tư cách của ông này cũng không tốt.
Quyết định giải thể Viện nghiên cứu ứng dụng khoa học thôi miên do ông Nguyễn Mạnh Quân làm viện trưởng.
Tại quyết định giải thể Viện do ông Vũ Thế Khanh cung cấp tại buổi trao đổi với chúng tôi cũng nêu rõ:
Trong thời gian hoạt động thực nghiệm theo quy định (6 tháng kể từ khi ký quyết định thành lập), ông Nguyễn Mạnh Quân không hề có hiểu biết về y khoa, chưa nắm được nguyên lý cơ bản cũng như chưa có năng lực thôi miên như trong hồ sơ đăng ký thành lập Viện.
"Chúng tôi yêu cầu phải làm 100 ca khảo nghiệm trực tiếp do chính UIA đặt ra, trước sự chứng kiến của các nhà khoa học nhưng trong quá trình 1 khảo nghiệm, Quân đã không làm được.
Tất cả cán bộ trực tiếp của UIA ở đây, chúng tôi yêu cầu Quân thôi miên nhưng cũng không được bất cứ ai cả. Như vậy, rõ ràng Quân không có năng lực”, ông Khanh nói.
Cũng theo ông Khanh, chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân cũng đã có biểu hiện không trung thực trong thực hành khảo nghiệm.
"Anh ta đã dùng tiểu xảo trong quy trình biểu diễn cái gọi là "năng lực thôi miên đặc biệt" để lừa gạt dư luận xã hội.
Ngay việc anh ta biểu diễn bẻ cong thìa, khi theo dõi kỹ thì đó không phải là năng lực đặc biệt mà chỉ là trò tiểu xảo", ông Khanh cho hay.
Để minh chứng cho điều nàỵ, TS. Khanh đã cho chúng tôi xem trực tiếp video “Chuyên gia thôi miên Mạnh Quân biểu diễn bẻ cong thìa bằng ý nghĩ” được đăng tải trên một số trang mạng.
Trong đó, thạc sỹ Quân biểu diễn bài để một người phụ nữ tiến hành thực hiện bẻ cong chiếc thìa đang nằm trong tay của mình bằng ý nghĩ. Sau một vài câu “niệm chú”, quả thực chiếc thìa bị cong thật.
"Tuy nhiên, nếu để ý ở giây thứ 30 -31, khi mọi người đang chú ý vào động tác hướng dẫn cho người phụ nữ, chuvên gia Quân đã chủ động bẻ cong chiếc thìa từ trước (?!).
Biểu diễn như thế thì chỉ nên coi là một màn ảo thuật, chứ không thể gọi là thôi miên bằng ý nghĩ được” TS. Khanh nhấn mạnh.
Cùng với đó, trong quyết định giải thể Viện và theo thông tin của ông Khanh cung cấp thì theo số liệu thẩm tra về lý lịch khoa học của ông Quân cũng cho thấy sự gian lận.
"Ông Quân mới chỉ dự khóa ngắn ngày về thôi miên của một tổ chức cá nhân, không nằm trong hệ thống đào tạo chính quy; đồng thời, ông Quân cũng chưa từng học qua trình độ cử nhân.
Do vậy, việc tự khai báo với chức danh khoa học "thạc sỹ thôi miên" là hành vi gian lận về hồ sơ văn bằng học vấn", ông Khanh nhấn mạnh.
Ông Khanh cũng cho rằng, việc ông Quân chủ trương dùng "khả năng thôi miên" của mình để quảng bá chữa bệnh là vi phạm luật hành nghề y tế, vì ông Quân chưa được đào tạo và chưa có hiểu biết về chuyên ngành y khoa cũng như có khả năng thực sự về thôi miên.
Văn bản giải thể Viện do ông Khanh ký khẳng định: "Ông Nguyễn Mạnh Quân còn có những phát ngôn và hành vi thiếu văn hóa đối với giới khoa học, nghiêm trọng hơn là hành vi coi thường, xúc phạm các chuyên gia ngành y khoa.
Do vậy không đủ tư cách là cán bộ của UIA. Và trong 6 tháng, vì ông Quân không đủ yêu cầu nên chúng tôi đã giải thể Viện ngay, không cho ra mắt và đuổi ra khỏi cơ quan", ông Khanh khẳng định.
Theo ông Khanh, sau khi bị UIA giải thể Viện, ông Quân đã sang "đầu quân" cho Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam và tiếp tục "nổ" cho đến nay.
Nghi vấn chuyên gia thôi miên dùng bằng "rởm"?
Để làm rõ hơn các thông tin về chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân, chúng tôi đã tiếp tục có buổi làm việc với một thạc sỹ tâm lý từng có thời gian cộng tác khá lâu và giúp vị thạc sỹ này rất nhiều. Nhưng, do một số lý do cá nhân nên vị này đã đề nghị được giấu tên.
Thông tin của vị này cung cấp, lý lịch khoa học viết ngày 10/5/2011, để hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển sức khỏe Thể - Tâm – Trí tại Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam có khai quá trình đào tạo của ông Quân:
Tháng 8-1997: bảo vệ bằng Thạc sĩ tâm lý tại EUROPEAN BUSINESS ACADEMY, UNIVERSITY OF APPLIED SCIENCES (dịch là ĐH Khoa học ứng dụng, viện thương mại Châu Âu).
Tháng 5 - 2010: bảo vệ bằng Thạc sỹ thôi miên y khoa tại Basel, Thuỵ Sỹ.
Bản photo tấm bằng thạc sỹ thôi miên của ông Nguyễn Mạnh Quân.
Tuy nhiên, theo vị này, việc ông Quân khai bảo vệ bằng thạc sĩ tâm lý tại EUROPEAN BUSINESS ACADEMY, UNIVERSITY OF APPLIED SCIENCES vào năm 1997 là không chính xác
"Tôi tìm trên trang web của trường này thì không thấy chức năng đào tạo thạc sỹ tâm lý. Hơn nữa, học viện này cũng cấp “chứng chỉ” sau mỗi khóa học.
Đây là các khóa đào tạo chuyên gia tư vấn, train the trainer, huấn luyện kinh doanh…. Thực tế, khi nộp bằng cấp cho Liên hiệp hội Vusta, chỉ có 1 bằng tâm lý, không phải Thạc sĩ tâm lý như khai báo", vị này cho hay.
Cũng theo vị này, năm 2010, ông Quân đã Bảo vệ thành công bằng Thạc sĩ thôi miên tại HYPNOSEMASTER AKADEMIE, BASEL, Thụy Sĩ.
"Nhưng đây cũng là một học viện tư nhân tại Đức chẳng có tiếng tăm gì, đào tạo về thôi miên. Và cũng cấp “chứng chỉ” sau khóa học, chứ chẳng có bằng “thạc sỹ thôi miên".
Thực tế, dòng chữ Urkunde được dịch nghĩa là chứng chỉ, chứng nhận, còn bằng thì phải là chữ diplome. Hypnosemaster được dịch là người thành thạo, thành thục về thôi miên, không phải là Thạc sĩ thôi miên", vị này nhấn mạnh.
Vị này cũng khẳng định, trên trang web thoimien.net (Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam – trường Đào tạo thôi miên – NLP tiếng Việt đầu tiên) có đăng thông tin công khai giới thiệu về công dụng chữa bệnh của thôi miên.
"Việc đăng tải các thông tin cá nhân của bệnh nhân một cách công khai mà ông Quân đang làm trên trang web của mình cũng vi phạm đạo đức nghề của nhà tâm lý", vị này nói thêm.
Trước những thông tin phản ánh này, chúng tôi đã liên lạc và có cuộc làm việc trực tiếp với chuyên gia thạc sỹ thôi miên Nguyễn Mạnh Quân tại trụ sở thuê của Trung tâm đặt tại tầng 2 nhà văn hóa phường Yên Phụ, Số 1/15 ngõ 189 An Dương, Tây Hồ, Hà Nội.
(Còn tiếp)