Không phải chứng minh lòng dũng cảm
Bài tập đi trên thảm thủy tinh để thể hiện lòng dũng cảm dành cho trẻ em lớp 1 ở một trong năm cuốn "Thực hành kỹ năng sống cho học sinh cấp 1" do TS Phan Quốc Việt - Nguyễn Thị Thùy Nương (chủ biên) do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành đang gây xôn xao dư luận.
Trước những ý kiến trái chiều, tranh cãi nhau về bài học của lòng dũng cảm này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân, Trung tâm nghiên cứu phát triển Tâm - Thể - Trí.
Ngay khi vừa nhắc đến câu chuyện dạy học sinh lớp 1 đi trên thảm thủy tinh, chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân đã bày tỏ sự phản đối việc này.
"Việc dạy trẻ em đi trên thủy tinh như vậy rõ ràng không phải là kỹ năng, phản khoa học và không hiểu hết về vấn đề tâm lý", chuyên gia Mạnh Quân nói.
Theo chuyên gia Mạnh Quân, việc đi trên thảm thủy tinh hay trên lửa này không phải để chứng minh lòng dũng cảm của con người mà chỉ nhằm chứng minh việc con người có thể làm được nhiều việc không tưởng.
"Ở bên Đức, tôi có dạy một số học viên và sau đó đã từng trả lời báo chí về vấn đề đi chân không trên than lửa hồng mà không bị bỏng.
Thực tế, việc chúng ta đi trên lửa hay trên thảm thủy tinh hoặc dùng cổ bẻ gãy mũi tên, cong thanh sắt... không phải để chứng minh sự dũng cảm hay can đảm của con người.
Mà hiệu ứng này chỉ là chứng minh có nhiều việc chúng ta tưởng rằng nguy hiểm nhưng trên thực tế nó không nguy hiểm như chúng ta nghĩ", chuyên gia Mạnh Quân cho hay.
Lý giải thêm về việc đi trên thảm thủy tinh, chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân cho rằng, thực tế, nếu đi trên thảm thủy tinh mà đi đúng cách thì không hề gặp nguy hiểm.
"Ở nước ngoài, những thảm thủy tinh này được đặt hàng, gia công riêng, chỉ dành để áp dụng cho những bài học vượt qua nỗi sợ hãi bằng cách đi trên thảm.
Phải rất cẩn thận từ khâu chọn thủy tinh dày, mài nhẵn những cạnh sắt, nhọn đến việc khử trùng kỹ lưỡng trước khi đưa vào sử dụng
Việc đi trên thảm thủy tinh dựa trên nguyên tắc vật lý là càng nhỏ bao nhiêu thì áp suất càng lớn bấy nhiêu và tụt xuống dưới còn bề mặt càng lớn bao nhiêu thì áp suất càng lớn bấy nhiêu thì nổi ở trên.
Chính vì thế các mảnh thủy tinh lớn sẽ ở trên còn nhỏ ở dưới.
Ở đây, nếu chúng ta tin rằng việc đi như vậy không việc gì và cộng với tiết diện của bàn chân lớn như vậy thì sẽ tác động lên não rồi từ não chỉ huy xuống làm da chân sẽ mềm.
Khả năng đứt chân là không thể xảy ra. Còn khi chúng ta vẫn còn sợ thì tạo thành stress và não chỉ huy xuống là da chân sẽ căng, cứng.
Khi đó, khả năng đứt chân sẽ là rất cao. Từ đó cũng chứng minh thêm rằng, tư duy của chúng ta sẽ tác động vào cơ thể vật lý", chuyên gia Mạnh Quân nhấn mạnh.
Nguy hiểm phía sau giờ học đi trên thảm thủy tinh
Chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân cũng nhấn mạnh thêm, dù nếu biết đi đúng cách trên thảm thủy tinh là không nguy hiểm nhưng không ai lại đi dạy cho trẻ nhỏ những điều này.
"Chưa bao giờ trong các khóa học mà tôi giảng dạy trẻ em chứng minh dũng cảm bằng việc đi trên thảm thủy tinh này. Bởi đây là sai lầm khi tâm lý con trẻ của chúng ta là học và làm theo nhưng lại thiếu sự phân tích, logic.
Chính vì thế, những trò ảo thuật hay phim hành động đều phải chiếu muộn hoặc ghi rõ cấm người dưới 16 tuổi vì sợ trẻ em làm theo.
Chưa kể, việc giải thích cho rằng, các mảnh thủy tinh đã được xử lý, mài ra sao, lọc cái nhỏ ra sao, băng dính ra sao... nếu đúng là an toàn và các vị giẫm lên để chứng minh lòng dũng cảm thì đâu còn là dũng cảm nữa.
Dũng cảm là vượt qua những thử thách rất lớn mà thậm chí có thể gây tổn thương cho họ bằng cả tính mạng. Còn ở đây, thách thức do các vị đặt ra và biết rõ rằng, chẳng có gì nguy hiểm, vậy thì đâu còn gọi là chứng minh lòng dũng cảm", chuyên gia Mạnh Quân chia sẻ.
Cùng với đó, chuyên gia Mạnh Quân cũng bày tỏ sự lo lắng, khi ở lớp các mảnh thủy tinh đã xử lý và thầy cô ở lớp đều được huấn luyện.
"Nhưng sau khi rời lớp học đi qua thủy tinh xong, các em trở về nhà và cùng chứng minh sự dũng cảm với nhau thì đây mới là điều đáng lo lắng, không quản lý được.
Bản chất mảnh thủy tinh thì cùng lắm có thể cắt đứt gân chân nhưng cái nguy hiểm hơn là con vi trùng, nhất là vi trùng uốn ván ở trong mảnh thủy tinh này.
Nếu chẳng may bị cứa vào mà không kịp xử lý thì nguy hiểm đến vô cùng. Cái nguy hiểm nhất ở đây chính là các em nhỏ không thể biết đó là sự nguy hiểm", chuyên gia Mạnh Quân nhận định.
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân, thực tế, việc giáo dục kỹ năng cho trẻ em ở nước ta còn rất thiếu và yếu. Chưa kể, không ít bậc phụ huynh còn thiếu quan tâm đến con, em mình.
Nhưng để khuyến khích cho trẻ lớp 1 thì có nhiều cách khác nhau chứ không phải dùng đến việc đi trên thủy tinh.
"Ở đây, với các em nhỏ lớp 1, tâm lý chưa hoàn thiện, mới chủ yếu là bắt chước và làm theo nên chúng ta hãy khuyến khích bằng cách dạy, tập các kỹ năng cho các em như chào hỏi, cư xử lễ phép với ông bà, bố mẹ, người lớn.
Các kỹ năng nói chuyện trước tập thể, trình bày ý kiến của mình trước ba mẹ, dám đi cùng bạn bè mình để thực hiện ước mơ, trao đổi, dám nhận lỗi về mình, dám vượt qua thử thách trong một môn học nào đó…", chuyên gia Mạnh Quân nói thêm.