Đường chạy xuyên qua Thuận Kiều Plaza: Mang đại sát khí tới
Nằm ở trung tâm quận 5 Tp.HCM, Thuận Kiều Plaza với cấu trúc 3 tòa tháp cao, là một trong những cao ốc đa phức hợp đầu tiên được xây dựng.
Dự án này từng là biểu tượng cho sự phát triển của Sài Gòn cách đây 15 năm. Tuy nhiên, ngày nay, nơi này chỉ còn là sự hoang phế, lạnh lẽo, u ám.
Nhiều người tiếc cho Thuận Kiều Plaza, tiếc cho công trình bậc nhất Sài Gòn “một thời vang bóng”.
Đã có nhiều ý kiến khác nhau luận bàn về kiến trúc của khối dự án Thuận Kiều này. Thực tế, cho đến nay, khu dự án gặp phải nhiều bế tắc, các khách thuê thi nhau tháo chạy.
Nguyên nhân thành bại có thể kết hợp của rất nhiều yếu tố khác nhau Thiên - Địa - Nhân tạo ra.
Khi phân tích dựa trên quan kiến về phong thuỷ, tức là yếu tố “Địa lợi”, chuyên gia Phong Thuỷ - Cư sĩ Tuấn Kiệt cho rằng: Khu dự án này đã mắc phải nhiều sai phạm về tổng thể bố cục.
Trong khi đó, trong phong thuỷ, quan trọng nhất là phải xem xét về tổng thể bố cục.
Bởi nếu tổng thể gặp phải những sai phạm nghiêm trọng thì cho dù tiểu tiết có tốt cũng không thay đổi được gì.
Tại Thuận Kiều Plaza, hình thế các toà nhà như 4 cánh hoa nở ra, ở giữa các cánh lại có khe thoáng chạy sâu suốt từ trên xuống dưới, màu sắc chủ đạo là đỏ, đó là tạo hình Hoả.
Nhưng hệ thống ban công chạy ngang của từng tầng lại tạo hình Kim. Hoả và Kim vốn tương khắc cho thấy dấu hiệu không tốt của hình thức mặt ngoài.
Thêm vào đó, 3 toà nhà nằm ngang theo hình Mộc thẳng đứng. Tạo hình này cần phải có một quảng trường với chân đế thật rộng để 3 tòa tọa lạc vững vàng.
“Rất tiếc, thiết kế chung đã tạo ra một liên kết 3 tòa với nhau theo đường thẳng nằm ngang thuộc hình Kim, mà phần liên kết quá mỏng và hẹp.
Nó tạo ra xung khắc giữa Mộc và Kim. Đó là tượng của sự mong manh dễ đổ vỡ” – chuyên gia Tuấn Kiệt nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo chuyên gia phong thủy Tuấn Kiệt, điều cấm kỵ nhất mà dự án phạm phải là con đương Đỗ Ngọc Thạch chạy từ phía Bắc đã đâm vào cổng vuông giữa hai toà nhà, chạy ra phía sau.
Bất cứ toà nhà nào có thiết kế xuyên tâm từ trước ra sau đều là thiết kế tối kỵ. Trường hợp này lại có đường chạy xuyên mang đại sát khí đến, nên nguy hiểm hơn nhiều lần.
Một cổng vòm nữa giữa hai toà bên trái cũng là thiết kế xuyên tâm, thể hiện sự bất ổn, hao tán, tuy không có đường xuyên vào nhưng cũng gây ra tác hại lớn.
Bên cạnh đó, phía Đông của dự án hiện có một hồ nước, có thể đây là dụng ý tốt cho phong thuỷ của khu này vì hồ nước có tác dụng tụ khí và giảm sát khí.
Nhưng rất không tốt là cung phía Đông, phương Bạch Hổ này kỵ nước. Khi có nước chảy động chỉ làm cho sát khí mạnh lên và thêm nhiều thị phi, miệng tiếng.
Một điểm yếu cốt tử nữa mà chuyên gia phong thủy Tuấn Kiệt vạch ra tại Thuận Kiều Plaza đó là: 3 toà nhà nằm ở một khu vực xung quanh thấp, mà thiết kế của nó lại quá đồ sộ.
Về hình thế, đây là cách "cô sơn" , trước sau không có núi sông bao bọc, những khó khăn và hao tổn là không thể tránh khỏi.
Tòa nhà "gần như không nhận được một chút sinh khí nào"
Còn nhóm nghiên cứu phong thủy Lạc Việt do ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh hướng dẫn lại bóc mẽ thêm những điểm yếu của tòa nhà này.
Theo đó, trên trần nhà của toàn khu Thuận Kiều Plaza có những đà ngang khá lớn đè xuống toàn bộ dãy cửa hàng.
Đây là một trong những nguyên nhân gây ra sự ế ẩm của những cửa hàng buôn bán tại đây.
Điều dễ dàng nhận thấy là toàn bộ khu nhà này vô khí hoàn toàn. Số khí ít ỏi vào được từ cửa chính thì thoát ra cửa sau đối xứng cho bất cứ hướng nào.
Các cửa mở đón khí cho mỗi tòa nhà chỗ mặt đường đều quá bé so với tỷ lệ và quy mô của tòa nhà, nên gần như không nhận được một chút sinh khí nào.
Không những thế, khu nhà này cũng sử dụng quá nhiều kính từ trên xuống dưới, vừa bị thoái khí, vừa tượng lô cốt.
Chính vì lẽ đó nên cho đến nay, mọi mặt kinh doanh đều bị trì trệ. Giải quyết bất cứ việc gì cũng rất lùng nhùng, khó dứt điểm, ngay cả với những người mua nhà ở đó.
Chủ các cửa hàng làm ăn khó khăn hay thay đổi thường xuyên.
Tuy dự án mắc phải nhiều sai phạm về phong thủy như vậy nhưng theo các chuyên gia phong thủy, Thuận Kiều Plaza hoàn toàn có thể hoá giải bằng những thay đổi thích hợp.
“Kết hợp với một vài thủ pháp trấn yểm, hoàn hoàn có thể hoá giải được các cấm kỵ này, hi vọng sẽ đỡ tốn kém tài nguyên cho chủ đầu tư cũng như cho kinh tế và dân sinh ở khu vực này” – chuyên gia Tuấn Kiệt nhấn mạnh.