Chuyên gia "hiến kế" xoay chuyển tình thế trên biển Đông

Y. Dương (Tổng hợp) |

(Soha.vn) - " Việt Nam phải tìm cách xoay chuyển tình thế khiến “nước mạnh” phải thay đổi chiến lược", một chuyên gia trong lĩnh vực ngoại giao Việt Nam nhận định.

Tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, tàu và người của nước này đã liên tục gia tăng sự khiêu khích, ngạo mạn, hung hăng. Trước diễn biến căng thẳng đó, các lực lượng tàu thuyền, kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam vẫn kiên trì tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 và thực hiện công tác tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu về nước.

Ngoài những phương án đối phó với những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã có những phân tích nhằm "hiến kế" giúp xoay chuyển tình thế trên biển Đông.

Ông Hoàng Công Phụng, một chuyên gia trong lĩnh vực ngoại giao Việt Nam nhận định trên tờ Pháp luật TP.HCM: "Việt Nam phải tìm cách xoay chuyển tình thế khiến “nước mạnh” phải thay đổi chiến lược. Theo đó, Việt Nam phải xây dựng ba đòn bẩy từ sự kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại.

Thứ nhất, chúng ta phải mạnh lên, mạnh về cả kinh tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật; và quan trọng hơn là mạnh về cả ý thức và sự đồng thuận chính trị nội bộ... Có sức mạnh thì khả năng bị chi phối bởi nước láng giềng sẽ thu hẹp lại. Thứ hai, phải tận dụng sức mạnh số đông để cân bằng lực lượng, mà chiến lược cốt yếu là thông qua cộng đồng quốc tế. Và thứ ba, tận dụng đòn bẩy từ dư luận của chính người dân Trung Quốc. Phải làm sao để người dân Trung Quốc biết được hành động mà Chính phủ nước này đang làm là có hại đến uy tín, hình ảnh, lợi ích của người dân nước này".

Cũng theo ông Phụng, Việt Nam sẽ không đơn độc trên biển Đông.  Mỹ, Nhật và nhiều quốc gia khác đã lên tiếng phê phán Trung Quốc quá khích trên biển Đông. Nhiều chuyên gia tại Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối hành động của chính nước này. Việt Nam cần có những động thái mạnh mẽ hơn, làm thế nào để các nước ASEAN liên quan trực tiếp đến tranh chấp biển Đông như Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei… ý thức được “nếu không đoàn kết, không hành động thì họ sẽ là nạn nhân kế tiếp của các giàn khoan Trung Quốc”.

Tàu Trung Quốc tại khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép. (Ảnh: Quân đội Nhân dân)

Là một ĐBQH từng nhiều lần theo đuổi về vấn đề Biển Đông, ông Lê Nam, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa bày tỏ mong muốn có nhiều chính sách hơn nữa dành cho ngư dân. Vị này phân tích trên tờ Vietnamnet: "Chúng ta cần tiếp tục thực hiện cơ chế chính sách hiện nay, dành một khoản vay vốn để cho ngư dân vay, đóng tàu sắt, đóng tàu  lớn để ngư dân đi biển xa, hỗ trợ vốn, thị trường... Nếu ta có hàng nghìn tàu ra Trường Sa, hàng nghìn lá cờ Tổ quốc treo trên đó và thường xuyên ra vào đánh bắt thì tôi nghĩ đó chính là lực lượng giữ chủ quyền cho Việt Nam".

Cũng theo nguồn trên, nhà báo Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam đã chia sẻ, với sự việc giàn khoan 981 của Trung Quốc tại Biển Đông, chỉ có một con đường: Kiên định, tỉnh táo, vận dụng hết trí tuệ và ý chí để gìn giữ không gian sống ông cha để lại, gìn giữ cuộc sống yên lành.

Theo TS Marvin C. Ott, một trong những nhà nghiên cứu Đông Á uy tín người Mỹ, cựu chuyên gia phân tích cao cấp của CIA, một bước đi cần thiết nữa cho Việt Nam là tham vấn các quốc gia Đông Nam Á khác cũng đang có tuyên bố chủ quyền tại khu vực Biển Đông, cụ thể là Philippines, Malaysia, và có thể là Brunei. Từ đó để cùng các quốc gia này đạt được một thoả thuận là sẽ cùng nhau tìm hướng giải quyết những tranh chấp về các vùng chồng lấn giữa các nước này, từ đó, tạo ra một mặt trận chung trong việc đối phó với Trung Quốc.

>> Xem thêm clip: Diễn biến mới nhất tại khu vực giàn khoan HD 981 

(Nguồn: VTV1)

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại