Từ nỗi đau của 6 cháu bé mồ côi cha mẹ
Trong vài ngày gần đây, bức ảnh một nhà báo bật khóc khi đang phỏng vấn các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn lan tỏa nhanh chóng trên các trang mạng xã hội và diễn đàn đã gây xúc động cho nhiều người.
Trao đổi với PV, nhà báo Trịnh Minh Chiến – người trong bức ảnh đang gây “sốt” trên mạng trên cho biết: "Những bức ảnh trên được các đồng nghiệp của tôi chụp lại khi tôi đang thực hiện phóng sự ở huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh). Chúng tôi nhận được thông tin trên Báo Hà Tĩnh và của các đồng nghiệp phản ánh: tại xóm Thái Thượng, xã Lộc Yên, Hương Khê (Hà Tĩnh) có trường hợp rất thương tâm: Vợ chồng anh Nguyễn Văn Đường (SN 1962) và chị Nguyễn Thị Thu (SN 1963) sinh được 6 mặt con. Hai bên nội ngoại đều nghèo khổ nên cuộc sống của anh chị cũng cùng cực kể từ khi lấy nhau. Sức khỏe 2 vợ chồng vốn đã yếu, lại mang bệnh hiểm nghèo, đông con nên nghèo đói cứ đeo bám dai dẳng".
Sau nhiều năm không có tiền điều trị, phải “sống chung” với bệnh tật, năm 2008, anh Đường được gia đình đưa ra Hà Nội điều trị thì đã quá muộn bởi căn bệnh ung thư đã chuyển sang giai đoạn cuối. Anh mất tại bệnh viện ở Hà Nội, để lại cho vợ góa con côi số nợ trên 20 triệu đồng.
Gầy yếu, bệnh tật thường xuyên, nhưng từ khi chồng mất, một mình chị Thu phải còng lưng nuôi 6 đứa con thơ và chắt lót để trả khoản nợ trước đây lo chữa bệnh cho chồng. Thế nhưng, bệnh tật, nghèo đói đã quật ngã người đàn bà bất hạnh này. Vào ngày 22/7 vừa qua, chị đã trút hơi thở cuối cùng, để lại 6 đứa con thơ dại.
Không có nổi một đồng tiền nào trong nhà, các cháu đã phải vay mượn xóm làng trên 10 triệu đồng để mua quan tài và lo việc tang cho mẹ mình.
Do nghèo đói, 3 con lớn của anh chị đều phải bỏ học giữa chừng, 3 đứa sau hiện đang đi học. Chúng tôi thật sự cảm động và nể phục khi biết trong hoàn cảnh éo le đó, các cháu vẫn học tập đạt kết quả tốt: Nguyễn Văn Lộc (học lớp 10, trường THPT Phúc Trạch) đạt học sinh giỏi huyện; Nguyễn Thị Mai (lớp 6, trường THCS Hương Trà) và Nguyễn Thị Hạnh (lớp 2, trường Tiểu học Lộc Yên) đều là học sinh tiên tiến.
Sáng ngày 5/8, đoàn chúng tôi gồm có 8 người (chủ yếu phóng viên báo chí) lên đường đến Hương Khê. Trước đó, anh em cũng quyên góp được với nhau hơn 5 triệu đồng để ủng hộ các cháu. Trong đoàn có anh Phạm Tấn Linh – Giám đốc Sở TTTT Hà Tĩnh, anh Linh bàn: “Cả đoàn lên mà chỉ được có 5 triệu đồng thôi thì hơi ít, hay là chúng ta kêu gọi ủng hộ thêm rồi lên thăm các cháu một thể”. Khi đó tôi bảo: “Không nên anh ạ. Chúng ta phải lên ngay bây giờ. Các cháu đang đói, đang cầm cự giữa lằn ranh giữa sự sống và cái chết, chúng ta phải cứu các cháu. Cứ cho các cháu cái ăn đã rồi tính tiếp anh ạ…”.
Rất may là trước lúc lên đường, một cháu bé ở TP Hà Tĩnh đã gửi ủng hộ thêm 2 triệu đồng thông qua phong bì gửi cho anh Chín Thu. Ngoài ra, trong lúc đi đường thì một hội doanh nghiệp ở Hương Khê đã liên hệ với đoàn và ủng hộ thêm 40 triệu đồng cho các cháu.
Đến đi, cảm nhận, và khóc…
Về bức ảnh chụp buổi phỏng vấn các cháu bé mồ côi gây xúc động cho nhiều người, anh Chiến tâm sự: “Thú thực là do đặc thù công việc nên tôi rất ít khi được đi thực tế ở cơ sở, tôi là bên Ban Thời sự nhưng lại là biên tập viên nên không có điều kiện để đi như các anh em phóng viên khác. Khi nhận được thông tin về trường hợp 6 cháu bé mồ côi, tôi rất xúc động và tôi quyết định phải đi thực tế. Tôi đã báo cáo đề tài với cơ quan và một phóng viên phụ trách chuyên đề “Vì người nghèo” được cử đi cùng để thực hiện phóng sự chuyên đề.
Khi lên đến nơi, nhìn gia cảnh của các cháu rất thương tâm, bố mẹ đều mất, 6 anh em bám víu nhau sống lay lắt cho qua ngày. Tôi đã chọn một cháu gái áp út trong số 6 anh chị em để trò chuyện. Lúc đó trong đầu tôi hiện lên ý nghĩ là mình chỉ hỏi các cháu 2 câu thôi, đó là: Câu thứ nhất là từ khi bố mẹ mất đi, các cháu đã ăn uống và sinh hoạt ra sao? Câu thứ hai là hiện nay các cháu mong muốn gì nhất?
Anh Trịnh Minh Chiến (Ban Thời sự - Đài PTTH tỉnh Hà Tĩnh) đã bật khóc khi phỏng vấn cháu bé mồ côi.
Một số người dân có mặt khi đó đã nói rằng các cháu trả lời thế này là sẽ phát trên truyền hình, hay để hướng dẫn các cháu trả lời như ghi ra giấy rồi các cháu đọc thuộc trước chẳng hạn nhưng tôi đã từ chối. Tôi bảo nên để các cháu tự nhiên, cứ để các cháu trả lời theo suy nghĩ của các cháu sao cho thật nhất.
Khi tôi hỏi câu thứ nhất, cháu bé đã òa lên khóc nức nở và nói: “Từ khi mẹ mất đến nay, anh em chúng cháu bữa đói bữa no, gạo thì xin bà con làng xóm xung quanh, còn chủ yếu vẫn phải ăn trừ bữa bằng nhút…”.
Khi nghe đến đây tôi không cầm được nước mắt và đã bật khóc. Ánh mắt, gương mặt, giọng nói cháu bé khi đó thật khó diễn tả bằng lời. Mà anh biết không, thứ ám ảnh tôi nhất chính là câu cháu bé nói phải ăn nhút trừ bữa… Ở dải đất miền Trung đói khổ này có lẽ không ai là không biết đến nhút – món ăn làm từ rau muống muối mặn chát. Với người thành phố, có lẽ nghe đến nhút sẽ liên tưởng đến một món đặc sản của miền Trung nhưng với người dân nơi đây thì đó là hiện thân của cái đói, cái nghèo, món ăn qua ngày để tồn tại…
“Tôi cảm thấy lòng mình quặn thắt lại và cùng lúc, như cảm nhận được trong câu nói của cháu bé có cả vị mặn mòi, đắng chat của rau muống muối mặn. Tôi đã khóc trong tâm trạng như thế. Có đi, có sống thực tế với bà con mới hiểu được nỗi đau, nỗi khổ, sự vất vả của họ. Đáng thương và đau xót lắm anh ạ”, anh Chiến xúc động kể lại.