Buồn là chết
Cuối tháng 10, khu tái định cư Đak Lang (xã Sơn Dung) réo lên những tiếng khóc ai oán về cái chết của ông Đinh Văn Sò (SN 1976) sau một nắm lá ngón và vài ngụm rượu.
Đó là buổi chiều ngày 22.10. Khi phát hiện nạn nhân, hàng xóm đã đưa lên trung tâm Y tế huyện nhưng không cứu chữa nổi.
Xưa nay, ai ăn lá ngón để tự tử thì đều chết.
Ông Sò chết, được người anh trai cho biết nguyên nhân là xích mích tình cảm với vợ. Ôm 4 đứa con ngồi vật vã bên thi thể chồng, bà Đinh Thị Hãy khóc than: “Sáng hôm đó tôi và các con lên rẫy, ảnh ở nhà tự tử bằng lá ngón. Trước đó chúng tôi có xích mích với nhau nhưng không ngờ ảnh lại đi ăn lá”.
Ông Sò cũng nằm trong diện được đền bù từ thủy điện Đakđrinh. Từ khi biết có tiền, ông cho xây căn nhà to nhất khu tái định cư và vẫn đang còn nợ tiền người khác.
Không biết chỉ vì xích mích vợ chồng hay nguyên nhân nào khác nữa mà ông Sò tự tử, bỏ lại vợ và 4 đứa con.
Đáng buồn là đây chỉ là trường hợp tự tử bằng lá ngón mới nhất trong năm nay ở khu dân cư này. Theo người dân địa phương, trong 9 tháng năm 2014 trên địa bàn khu dân cư Nước Lang đã xảy ra 3 trường hợp tự tử bằng lá ngón.
Trước đó, em Đinh Văn Sờ, cháu ông Đinh Văn Sò vì bị người thân la rầy nên đã lên rừng ăn lá ngón tự tử. Vào tháng 6.2014, anh Đinh Văn Phà, cũng anh em với ông Sò, vì giận vợ con không lo làm việc mà mãi ở nhà nên cũng đã tự tử bằng lá ngón.
Những cái chết vì lá ngón cứ tiếp nối nhau bất kể già trẻ, trai gái; vì lý do giận dỗi, thất tình, bị la rầy…Người dân thôn Đak Lang còn chưa quên cái chết của em Đinh Thị Cầm, học sinh trường Dân tộc nội trú huyện vào đầu năm nay. Cầm là con em học khá ở thôn, được đi học là niềm tự hào của nhiều người. Nhưng rồi vì gia đình cấm yêu chàng trai cùng xã nên Cầm bỏ về làng lên núi hái lá ngón tự tử.
Hỏi khắp người dân ở đây, hầu như ai cũng biết lá ngón. Nguy hại hơn, lá ngón mọc khắp nương rẫy, quanh nhà.
Chẳng ai cấm được người có ý tự tử bằng lá ngón cả nên già làng Đinh Văn Đeo cũng chỉ biết nói rằng: “Dùng lá ngón để tự tử vì giận nhau, vì bị cấm đoán chuyện này chuyện kia là không nên. Mình tự tử chết đi cũng không giải quyết được việc gì mà còn làm người thân, làng xóm buồn phiền. Hãy giải quyết mâu thuẫn bằng lời nói, hòa giải đừng nên tìm đến lá ngón!”.
Ghê rợn hơn, thiếu tá Trần Minh Thành còn chia sẻ câu chuyện về cách chết không giống ai và không… sợ chết của người dân chốn này. Đó là trường hợp của anh Đinh Văn Rã (thôn Đak Doa, xã Sơn Liên) tự vẫn vì ghen tuông.
Số là vợ anh Rã là chị Đinh Thị Mép làm cán bộ hội phụ nữ thôn. Hôm xảy ra sự việc, chị Mép được xã cử đi học lớp bồi dưỡng ở TP.Quảng Ngãi. Trong lúc trà dư tửu hậu, nghe bạn bè bảo phụ nữ đi xa dễ ngoại tình thế là Rã bốc điện thoại điện một mực đòi vợ bỏ lớp học để về nhà.
Vì đang theo học nên chị Mép không thể về được. Bực mình, Rã lấy dao cắt cổ. Hàng xóm phát hiện ngăn cản và đưa đến bệnh viện cấp cứu. Không đã nư, Rã dùng tay móc kéo dây cổ cho bằng chết. Rất may, nạn nhân được quyết liệt cứu chữa. Nay Rã đã hòa thuận với vợ, nhưng giọng nói thì đã bị ngọng.
Gian nan thay đổi nhận thức
Thượng tá Đinh Quang Ven, Trưởng công an huyện Sơn Tây cho biết: “Tình trạng người dân tự tử hiện nay có dấu hiệu gia tăng và rất đáng lo ngại. Nhiều trường hợp sau đó công an có đến làm việc, tìm hiểu nạn nhân có bị ép làm việc này hay vì nguyên nhân nào khác thì tuyệt nhiên không có. Họ tự tử là do suy nghĩ nông cạn, tìm đến cái chết để như là giải thoát cho mình vậy”.
Đến nỗi, như thượng tá Trần Minh Thành cho biết, mùa này là mùa mưa không đi rẫy được, đồng bào ở nhà chỉ ăn nhậu, cầm cố để mua rượu nhậu nên rất dễ bị người nhà rầy la. Mà bị rầy la là một nguyên nhân để… chết.
Việc tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân, theo vị thượng tá là quan trọng nhất nhưng cũng khó khăn nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Ông Thành kể, có nhiều đợt, công an huyện phối hợp với xã tập trung phát động phong trào quần chúng ở thôn xóm nhưng chỉ có người già đi. Thậm chí có địa phương công an phải mua 1 con heo to xuống làm sẵn cơm trưa, mua thêm rượu chuẩn bị rồi mời bà con lên họp thì họ mới đi. Nếu tổ chức vào ban đêm thì phải mua bánh kẹo, nước ngọt, bà con mới chịu.
Có nhiều trường hợp để giải quyết những mâu thuẫn, xích mích, mình mời họ lên để nói rõ thì họ dọa tự tử như ở xã Sơn Tinh, Sơn Màu.
Nhiều trường hợp sai phạm, mình họp dân để kiểm điểm đối tượng. Nhưng sợ đối tượng tự ái nên nảy sinh ý định tự tử thì mình phải tổ chức một cuộc họp đông đủ, mổ heo, nấu cháo, mua rượu sẵn. Sau đó đưa ra nói rõ ràng trước mọi người về hành vi của đối tượng là không tốt, mọi người cùng nhau giúp đỡ và đùm bọc. Sau khi xong thì để mọi người ăn uống vui vẻ mới hết được lo ngại.
Và, rất nhiều những câu chuyện như vậy ở huyện nghèo này vẫn còn là nỗi day dứt. Cuộc đấu tranh chống lại nghèo đói và lạc hậu chỉ có thành công từ nhận thức và tư duy được thay đổi. Lúc đó, những bi kịch của người nghèo ngồi trên đống tiền sẽ không còn, những cái chết vô cớ sẽ là chuyện xưa cũ.
Xứ ngàn cau vẫn nghèo và buồn. Ảnh: L.Đ.Dũng.
Chuyện này, Bí thư Huyện ủy Sơn Tây, ông Đinh Kà Để cho biết: “Huyện đã chỉ đạo các địa phương cần phải thường xuyên tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Nhưng cái khó là trình độ dân trí của người dân còn thấp nên mỗi khi có vấn đề là họ không nhận thức được, không phân tích đúng sai nên rất khó khăn. Thời gian tới chúng tôi sẽ yêu cầu các địa phương phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền không chỉ bằng miệng mà phải có hình ảnh, có dẫn chứng cụ thể để sớm loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, cũng như nâng cao nhận thức cho người dân”.
Nhưng, đó là chuyện thời gian tới. Bây giờ, một mùa rẫy nữa sắp đi qua. ‘Xứ ngàn cau’ Sơn Tây vẫn nghèo và buồn!