Liên quan đến vụ con chuột chết trong nồi lẩu, thực khách khẳng định “chuột có sẵn trong lẩu”, còn ông Lý Triều Vân, chủ quán Dê và Cua 245, cho biết cơ quan công an đã xem lại video clip do camera của quán ghi lại ngày xảy ra sự việc, nhưng do camera đặt quá xa vị trí bàn tiệc nên không phát hiện vấn đề gì.
Do khi xảy ra sự cố quán rất đông người nên họ không kiểm soát được mọi việc. Còn chuột từ đâu mà có thì quán vẫn đang tìm hiểu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về sự việc này, luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết khi đi ăn gặp những tình huống tương tự, khách hàng nên thu thập chứng cứ bằng cách chụp ảnh, quay clip đầy đủ.
Sau đó gặp chủ quán hoặc quản lý yêu cầu lập biên bản ghi nhận sự việc.
Nếu không có sự hợp tác của chủ quán hoặc quản lý thì có thể tự lập biên bản sự việc và nhờ người làm chứng ký tên. Nếu liên lạc được với công an khu vực tại địa phương xảy ra sự việc thì yêu cầu lập biên bản ghi nhận sự việc.
Hiện tượng có chuột là không bình thường...
Theo ông Chiêm Thành Long, một đại sứ hàng Việt, vấn nạn vệ sinh an toàn thực phẩm đang rất bức bối trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Ngoài một số nhà hàng chỉn chu, sạch sẽ thì có không ít nhà hàng, quán ăn cẩu thả trong nấu nướng, cách lựa chọn, vệ sinh thực phẩm, sử dụng mọi chiêu trò chỉ nhằm kiếm tiền mà không quan tâm đến sức khỏe của thực khách.
“Các nhà hàng, quán ăn nên hiểu rằng mình phải có ý thức bảo vệ khách hàng thì khách hàng mới tin tưởng và trở lại với mình, không được làm ăn gian dối.
Người tiêu dùng bây giờ thật ra rất khôn ngoan, họ biết đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn. Do vậy nếu có nhà hàng, quán ăn làm việc vô trách nhiệm, thiếu lương tâm sẽ nhanh chóng bị đào thải, không tồn tại được lâu” - ông Long phân tích.
Theo ông Long, sự việc con chuột xuất hiện trong nồi lẩu là không bình thường. Nếu có chuột rơi vào đó thì chắc chắn người nấu bếp sẽ phát hiện chứ không thể có chuyện đem lên cho khách vậy được.
Còn theo anh Lê Võ Anh Duy, một trong những đầu bếp được đánh giá rất cao tại cuộc thi ẩm thực Chiếc thìa vàng 2015, nếu để chuột chui vào nồi lẩu của khách cần quy trách nhiệm cho nhiều người như: đầu bếp, chủ quán, người quản lý nguyên liệu hay thậm chí nhân viên phục vụ...
Tuy vậy, trách nhiệm chính vẫn thuộc về người bếp trưởng.
“Người bếp trưởng phải kiểm tra kỹ và dành nhiều sự quan tâm cho món ăn trước khi món đó được phục vụ. Sự việc này có thể do nhiều lý do: cơ sở vật chất kém, bảo quản chưa tốt, lỗi bất cẩn...
Tuy nhiên, nếu khâu tự kiểm xác định vấn đề an toàn đã được đặt lên hàng đầu rồi thì sẽ không thể nào có chuyện con chuột xuất hiện trong nồi lẩu” - anh Duy khẳng định.
Chủ nhà hàng lẩu Dê & Cua (186-188-190 Hoa Lan, Q.Phú Nhuận) cho biết với mực nước thấp như thế này rất dễ phát hiện chuột hay bất kỳ vật thể lạ nào ngay từ đầu - Ảnh: Xuân Diệu
Lo ngại ảnh hưởng thương hiệu ẩm thực Việt
Bàn về trách nhiệm của người tiêu dùng, ông Long cho rằng người tiêu dùng thông minh bây giờ phải biết lựa chọn những quán ăn có thương hiệu, có uy tín.
Chỉ còn cách chủ động chọn lọc như vậy chứ không thể ăn lung tung, coi thường sức khỏe của bản thân.
Ngoài ra người tiêu dùng cũng phải lên tiếng cảnh báo, bài trừ những quán ăn, nhà hàng có dấu hiệu làm ăn gian dối, không vệ sinh sạch sẽ.
Tuy vậy, cũng theo ông Long, không thể để người tiêu dùng gánh hoàn toàn trách nhiệm mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần có biện pháp quản lý kịp thời.
Trước thông tin con chuột xuất hiện trong nồi lẩu, nhiều bạn đọc lo ngại sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu ẩm thực Việt trong mắt bạn bè thế giới.
Ông Chiêm Thành Long cho rằng vụ con chuột chết trong nồi lẩu vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng. Vẫn chưa có kết luận con chuột từ đâu đến. Và việc này chỉ là góc khuất mà “những góc khuất" này buộc phải bị đào thải...
Hàng ngàn bạn đọc Tuổi Trẻ trong hai ngày qua rất bức xúc với sự kiện con chuột có trong nồi lẩu, nhiều bạn đọc đề nghị cơ quan chức năng phải vào cuộc để xác minh, xử lý việc này.
* Luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM):
Nếu đúng thì mức phạt từ 70 - 100 triệu đồng
Nếu đúng như phản ảnh của khách hàng cùng với những thông tin do báo chí cung cấp, tôi nghĩ các cơ quan bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm cần phải có biện pháp để kiểm tra và xử lý đối với trường hợp này.
Cụ thể với mức phạt như sau: phạt tiền từ 70 triệu đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm; sử dụng động vật mắc bệnh truyền nhiễm, động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, buộc phải tiêu hủy theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để sản xuất, chế biến thực phẩm.
Ngoài ra hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 3 đến 6 tháng.