Câu chuyện của Hào Anh đã nói lên điều gì? Hào Anh sống với cha dượng. Trong quản lý ca, chúng tôi gọi đó là đứa trẻ có vấn đề vì sống trong gia đình có vấn đề. Từ một đứa nhỏ lao động sớm, ít học, bị người lớn bạo hành và đối xử tệ bạc rồi sự thay đổi cuộc sống đột ngột khi có một số tiền lớn trong tay mà không nghề ngỗng gì cả, người thanh niên 18 tuổi đó sẽ sống như thế nào?
Hỏi tức đã có câu trả lời. Tôi cho rằng đây là bài học cho những người làm công tác xã hội ở cộng đồng khi quản lý ca. Lẽ ra khi Hào Anh được cho một số tiền lớn như thế, các hội đoàn cần tư vấn cho Hào Anh dùng số tiền đó học nghề, học văn hóa để có cuộc sống bền vững hơn để nuôi sống bản thân và có thể lo cho cha mẹ già yếu sau này, cần được giáo dục về bài học hiếu nghĩa. Đồng thời phải tư vấn cho cha mẹ em biết cần thấu hiểu con như thế nào.
Chúng ta đã để vuột mất một cơ hội giúp Hào Anh sống tốt hơn. Việc Hào Anh đuổi cha mẹ ra khỏi nhà có thể hiểu ngầm rằng quyền lực của một con người không học thức mà chỉ nhận những bài học bạo hành từ người lớn dành cho đã vùng lên ngự trị. Có thể Hào Anh đã từng nghĩ rằng ông bà đang hưởng sái phần của tôi, cái phần mà tôi có được từ việc bị đối xử tệ bạc và đã có những cơn uất ức về tuổi thơ của mình. Do vậy các hội, đoàn ở Cà Mau cần nhìn vấn đề về Hào Anh nhân văn hơn, cần kết nối với các chuyên gia để hỗ trợ tâm lý lâu dài cho em.
Trong những bài giảng của tôi cho các cán bộ bảo vệ và chăm sóc trẻ em, tôi thường hay đưa hình ảnh của Hào Anh ra để ví dụ. Tôi có cái nhìn tốt về em, tới giờ tôi vẫn tin em là người tốt vì em có khuôn mặt rất nhân hậu. Tôi được biết Cà Mau là tỉnh duy nhất có toàn bộ cán bộ phụ nữ học lớp cử nhân công tác xã hội của ĐH Mở TP.HCM (280 người) học cử nhân công tác xã hội, nghĩa là hội, đoàn của tỉnh này có lực lượng để làm công tác xã hội. Vấn đề là họ có nghĩ ra cách nào để làm tốt hơn cho ca của Hào Anh hay không.
TS THẠCH NGỌC YẾN, chuyên gia tư vấn tâm lý