Các công trình mới xây tại Hà Nội có thể chịu được động đất trên cấp 7. Ảnh: N.Lê
Sau trận động đất kinh hoàng tại Nhật Bản, nhiều người dân Hà Nội cũng đang lo lắng liệu nơi mình ở có an toàn nếu có động đất xảy ra? Theo các chuyên gia nhận định, với những công trình cao tầng mới xây dựng ở Hà Nội thì an toàn nhưng với những khu chung cư cũ, chung cư mini, nhà dân thì rất đáng lo ngại…
An toàn nếu có động đất trên cấp 7
Ông Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu Việt Nam) cho biết, theo dự báo của các nhà chuyên môn, Hà Nội có thể xảy ra động đất mạnh 6,1 đến 6,5 độ richter, tương đương với cấp 7, cấp 8, với tâm chấn sâu 15-20km liên quan đến hoạt động của các đứt gãy kiến tạo sông Hồng, sông Chảy.
Theo bản đồ phân vùng nhỏ động đất, khu vực huyện Đông Anh, Từ Liêm, Thủ Lệ, Liễu Giai, Vạn Phúc, Thịnh Hào thuộc khu vực có khả năng động đất cấp 7. Phần Tây Nam thành phố gồm huyện Thanh Trì, Nam huyện Từ Liêm, Nam quận Đống Đa, quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đông Bắc hồ Tây, Đông Nam huyện Thường Tín có khả năng xảy ra động đất cấp 8. Quận Hoàng Mai (Định Công, Vĩnh Tuy, Thịnh Liệt, Pháp Vân), Bắc Thanh Trì (Văn Điển, Tứ Hiệp) có khả năng xảy ra động đất cấp 8-9...
Ông Đồng Phước An, Trưởng phòng thẩm định Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, với các công trình xây dựng gần đây, người dân Hà Nội có thể yên tâm vì đều đã tính tới động đất khi thi công. Từ năm 1991, các cơ quan liên quan đã nghiên cứu hoàn chỉnh bản đồ phân vùng nhỏ động đất của Hà Nội. Năm 1996, thành phố đã hoàn thành bản đồ tỷ lệ 1/25.000.
Cũng từ năm 2006, Bộ Xây dựng đã ban hành tiêu chuẩn “Thiết kế công trình chịu động đất”. Đây là cơ sở cho các chủ đầu tư thực hiện tính toán kháng chấn cho công trình. Tiêu chuẩn này bắt buộc áp dụng. Các cơ quan quản lý trong quá trình thẩm định, đều kiểm tra việc áp dụng tiêu chuẩn chịu động đất trong các hồ sơ dự án. Thành phố cũng đã có các biện pháp quản lý chặt chất lượng trong quá trình thi công.
Ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, công trình xây dựng nói chung và nhà cao tầng ở Hà Nội nói riêng đều phải tuân theo yêu cầu khắt khe về khả năng chịu tác động của động đất với độ an toàn dư ra 1 cấp, có nghĩa là công trình chịu được động đất cấp 7 thì động đất lớn hơn cấp 7 tòa nhà vẫn an toàn. Do vậy, không có chuyện đổ, sập trừ trường hợp động đất trên cấp 8 và có thêm những biến cố hy hữu.
Chưa kiểm soát được chung cư cũ, chung cư mini
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, điều đáng lo ngại hiện nay là gần như không có sự kiểm soát về chất lượng và kỹ thuật đối với nhà dân tự xây. Dạng công trình nhỏ như chung cư mini ở Hà Nội cũng rất đáng lo ngại, vì cơ quan cấp phép chỉ thẩm định xem công trình có phù hợp quy hoạch hay không, còn chất lượng thế nào do chủ đầu tư tự quyết định…
Bên cạnh đó, ở Hà Nội hiện tồn tại nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật như cầu, cống, thông tin liên lạc trước đây chưa xét đến tác động của động đất và lo ngại hơn cả là thành phố còn khoảng 1 triệu mét vuông nhà chung cư cũ, xuống cấp, nếu xảy ra động đất sẽ gây thiệt hại lớn.
Về vấn đề này, theo TS Nguyễn Sinh Minh, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội: “Đối với những chung cư cũ, để phòng tránh, khắc phục hậu quả khi có động đất xảy ra, thành phố nên xây dựng kế hoạch ứng xử, cứu hộ, đồng thời rà soát thống kê những khu nhà xuống cấp không đảm bảo để có phương án xử lý kịp thời”.
Ngay khi thảm họa động đất và sóng thần xảy ra tại một số nước, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch phòng, tránh động đất. Trong đó, yêu cầu Sở Xây dựng giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn công trình cao tầng, khuyến cáo người dân khi xây dựng công trình cần tính đến tác động của động đất, đồng thời yêu cầu thống kê các khu nhà yếu, từ đó, xây dựng kế hoạch cải tạo để đảm bảo bền vững, an toàn trước mức độ ảnh hưởng nhất định của động đất.
Theo KTDT