Chẳng ai nhớ nổi cụ thể cái xóm nổi giữa thủ đô (Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) có từ bao giờ, ban đầu chỉ là một chiếc thuyền rách nát, rồi thành những mái nhà và rồi nên xóm. Gọi là xóm cho vui vậy chứ cả xóm mới có hơn chục nóc nhà nằm ven bãi sông, từ cầu Long Biên nhìn xuống như những tổ chim cu chơi vơi trong gió.
Nhìn từ trên cầu Long Biên, xóm nổi bãi Phúc Xá như những mảnh vụn chắp vá. Xóm nổi có 16 nhà với 3 nhà dựng trên bờ.
Mùa nước cạn, xóm nổi dạt vào bờ, người dân ở đây tận dụng thời gian đất không ngập nước để trồng rau, hoa quả cải thiện cuộc sống.
Đến mùa nước lũ, những "ngôi nhà" lại trầm mình ra giữa sông, muốn ra xóm nổi thì phải gọi người mang thuyền vào đón.
Nhiều ngôi nhà lác đác trôi dạt dưới chân cầu Long Biên.
Cuộc sống của xóm nổi rất khó khăn, hầu hết cư dân ở đây là những người nghèo khó, tha phương khắp nơi tụ lại. Những mái nhà của họ đươc ghép bằng những thanh gỗ, tre, cót ép... mái nhà được lợp từ đủ thứ vật liệu tận dụng được.
Móng nhà thường được làm từ thùng phi, hoặc tiết kiệm hơn là thùng xốp để có thể nổi được trên mặt nước mùa lũ.
Mỗi căn nhà khoảng 12 mét vuông, sinh hoạt chật chội, mất vệ sinh. Mùa nước cạn, họ chỉ có thể đi mua nước sạch để sinh hoạt với giá cao.
Tất cả mọi sinh hoạt đều diễn ra tên "bè gỗ", nhiều người muốn lên bờ, hay về quê nhưng không thể.
Nhưng cây cầu gỗ dẫn ra nhà cũng chênh vênh như chính cuộc đời của họ.
Mỗi ngày, người lớn đều đi làm hết, những đứa chỉ có thể tự chơi, thơ thẩn một mình trên những chiếc cầu gỗ khá nguy hiểm này.
Bé Tâm Anh, 2 tuổi, có thể tự chơi một mình mà không sợ bị rơi xuống nước.
Cuộc sống của những thế hệ mầm non của xóm nổi chỉ gói gọn quanh xóm, thế giới chúng biết được thêm là qua tivi hoặc những người khách xuống thăm xóm.
Chính quyền đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, những cuộc sống của xóm nổi vẫn chưa khởi sắc, những người sống ở đây vẫn chưa có khả năng cho con cái đi học đầy đủ. Những đứa trẻ này không hề đi học mẫu giáo, chỉ có thể tự chơi đùa với nhau trên bãi bồi cho đỡ cuồng chân sau mùa nước lũ.
Lên bờ là ước muốn của những người dân nơi đây, họ không muốn thế hệ sau của mình vẫn tiếp tục cuộc sống khốn khổ tại nơi này, nhưng rất khó.