Như vậy là 20 ngày của đợt xét tuyển vào đại học, cao đẳng đầu tiên cuối cùng cũng đã qua. Trong suốt quá trình đó, điều rất dễ nhận thấy là tình hình nộp - rút hồ sơ diễn ra căng thẳng ở nhiều trường đại học, đặc biệt là trường top giữa.
Thậm chí, để kịp nộp hồ sơ xét tuyển đợt 1, sáng ngày 20/8, có trường hợp thí sinh đã thuê xe cấp cứu, vượt hơn 350 km từ Hà Tĩnh ra Hà Nội rút hồ sơ từ Học viện An ninh để chuyển sang Đại học Bách khoa Hà Nội.
Cả thí sinh, phụ huynh và nhà trường đều mệt mỏi hơn các năm trước. Ảnh: Tuổi trẻ
Không thể phủ nhận cái được lớn nhất của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay là ngay ở đợt 1 thí sinh có cùng lúc bốn nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào tối đa bốn ngành của một trường, rồi sau đó lại được thay đổi nguyện vọng với số lần không giới hạn.
Vì vậy, xác suất trúng tuyển của thí sinh sẽ cao hơn các năm trước đây.
Nhưng điều đáng nói, để trả giá cho “cái được” này, cả thí sinh, phụ huynh và nhà trường đều mệt mỏi hơn hẳn.
20 ngày đăng ký xét tuyển đợt 1 có lẽ là 20 ngày tràn ngập lo lắng của thí sinh, phụ huynh: Nộp hồ sơ vào đâu, có nên rút ra không, nên đổi nguyện vọng hay chuyển hẳn sang trường khác...?
"Đổi mới thì tất nhiên sẽ gặp trục trặc nọ kia"
Bình luận về mùa xét tuyển ĐH, CĐ năm nay, đại biểu Đỗ Văn Đương (Đoàn TP. HCM) cho rằng, đổi mới thì tất nhiên sẽ phải gặp chuyện nọ chuyện kia trục trặc, nhưng chưa đủ thông tin để yêu cầu Bộ Giáo dục – Đào tạo đưa ra lời xin lỗi.
Khẳng định trường hợp thuê xe cấp cứu từ Hà Tĩnh ra Hà Nội để kịp nộp hồ sơ chỉ là trường hợp cá biệt, đại biểu này nhấn mạnh: “Khi nào có đủ thông tin tôi sẽ phát biểu trước nghị trường về chuyện này”.
Hàng dài thí sinh chờ làm thủ tục nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường đại học Công nghiệp TP.HCM trong ngày cuối - Ảnh: Quang Định/Tuổi trẻ
Trong khi đó, đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) nhận định: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy các em học sinh quá vất vả quá trong việc chờ đợi xét tuyển”.
Ông Nam nêu quan điểm, việc xét tuyển của các trường quá dài.
Trong cách thức làm, Bộ Giáo dục – Đào tạo chưa đưa ra nhiều thông tin để các em có được những quyết định kịp thời, phù hợp với nguyện vọng. Cứ rút ra, nộp vào như thế rất phiền toái.
“Rõ ràng các em học sinh đang chịu nhiều áp lực, vất vả”, đại biểu Lê Nam khẳng định.
GS. Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ:
“Tôi chẳng dám bình luận nữa. Thôi để ông Trịnh Ngọc Thạch (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – pv) nói”.
Từ chối bình luận về đợt xét tuyển này do chuyện còn đang “phức tạp lắm”, GS.TS..NGND. Nguyễn Lân Dũng băn khoăn: “Tại sao Bộ Giáo dục - Đào tạo không làm giống như ĐHQGHN? Như vậy sẽ thuận hơn bao nhiêu”.
Năm 2015, ĐHQGHN thống nhất dùng kết quả bài thi đánh giá năng lực xét tuyển đại học chính quy. Thí sinh dự tuyển vào ĐHQGHN sẽ tham gia làm bài thi đánh giá năng lực được tổ chức vào 2 đợt vào cuối tháng 5 và đầu tháng 8.
Bài thi được thực hiện trên máy tính tại các phòng thi tiêu chuẩn. Khi kết thúc bài làm, thí sinh sẽ biết ngay điểm bài thi của mình.
Theo thống kê, có 45.350 thí sinh đăng ký dự thi đợt 1. Mỗi thí sinh làm một đề thi riêng do máy tính tổ hợp từ bộ cơ sở dữ liệu đề nguồn.
Đây là phương thức nhằm đảm bảo lựa chọn được những ứng viên có năng lực học tập, tư duy logic, khả năng lập luận, phân tích kiến thức tổng hợp…
Phương thức tuyển sinh này đã được ĐHQGHN thí điểm trong một số chuyên ngành sau đại học từ năm 2011 đến nay.
Kỳ thi đánh giá năng lực được Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện theo đặt hàng của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong lộ trình đổi mới thi và đánh giá học sinh.