Những kỷ lục nhất Việt Nam và nhất châu Á của Chùa Bái Đính, với bức tượng bằng đồng dát vàng đoạt nhiều kỷ lục “khủng khiếp” thì chưa thấy đâu, chỉ thấy toàn những ám ảnh buồn bã.
Đường từ Quốc lộ 1 vào, nhiều đoạn bùn nhão nhoe nhoét, xe nào cũng phủ kín toàn một màu… trâu đằm. Bãi đỗ xe rộng mênh mông, không một bóng cây, không một manh che chắn cũng như biển chỉ dẫn, kẻ vạch. Cứ như chỗ bỏ hoang, bạ ai cứ việc “đỗ” nấy, chỉ người thu tiền là sướng tay. Phải ngày nắng thì kể như kinh hoàng. Nhưng, đáng sợ nhất, khủng khiếp nhất vẫn phải là cách bán vé, dịch vụ xe điện (để đi quãng đường 4-5km từ nơi bán vé lên khu chùa).
Mua tranh bán cướp, hơn cả cướp ấn Đền Trần
Việc hành hương ùn ứ, tắc tị, gây bức xúc, chửi bới chán nản ngay từ cổng vào. Chúng tôi vừa đến, đã thấy đông nghịt toàn người, không tài nào chen nổi. Đợi 2 tiếng đồng hồ, vẫn không có dấu hiệu nào có thể mua vé lên… chùa. Nhiều người mồ hôi ròng ròng thở dài: “Như xếp hàng, chen lấn thời… bao cấp”. “Như cướp ấn đền Trần”. “Đi chùa mà như đi… đánh vật, tranh nhau như ngoài hàng tôm hàng cá”.
Quả như vậy. “Nhà chùa” chỉ bố trí đúng 2 cái “lô cốt” bé xíu, kín bưng, bên trong mỗi lô cốt ngồi vừa hai cô gái bán vé. Cô nào cũng mặt đỏ tưng bừng, tay cầm tập vé đếm đi đếm lại, nhận tiền đếm đi đếm lại, rồi các cô thong thả ký tên mình dưới mỗi vé, rồi nói leo lẻo đếm tính tiền lẻ tiền chẵn, nhận tiền và trả lại tiền, sau đó mới dò dẫm… đưa vé cho khách. Thao tác của các cô chậm, khách thì đông đến mức kinh khủng.
Chúng tôi thử ghi âm đoạn khách chửi bới, cằn nhằn, cãi cọ, hàng trăm khách gào thét van xin với các cô để mua được vé xe điện lên chùa mà… không tài nào nghe được. Nó như một cái chợ vỡ. Lô cốt nhốt các cô có nhiều nan, lỗ bé xíu. Mỗi lỗ chỉ nhét vừa… bàn tay người mua. Ai cũng phải lên gồng để tránh bị chết bẹp.
Họ cứ thò hàng chục cái tay từ bốn phương tám hướng chĩa tiền vào mặt các cô. Lô cốt thì bé, hai bên mái dốc của nó chĩa xuống sát mặt đất, số người mua đông, khách hò nhau đồng loạt khênh cái mái dốc đó lên cao, một người lên gồng giữ “mái lô cốt” kỳ quái đó rồi tất cả bảo nhau chui vào đó. Họ thọc tay vào các kẽ nan lô cốt đòi mua vé. Trông đúng cảnh mua tranh bán cướp.
Suýt chết đói khi xếp hàng ra xe điện
Tai quái hơn, không ai cảnh báo du khách về việc đi dọc các hành lang La Hán dài nhất châu Á, đạt nhiều kỷ lục (như quảng bá của ban tổ chức) của chùa Bái Đính mới sẽ mất nhiều giờ đồng hồ. Thành thử, người già, trẻ em bị đói meo, như bị “đem con bỏ chợ” lên trên chùa. Trên đó lại không có hàng quán. Muốn ăn uống phải đi xe điện 4-5km về lại khu xuất phát gần bãi đỗ ôtô xe máy.
Và kinh hoàng hơn: việc chen lấn xô đẩy, chờ đợi, xếp hàng, chửi bới loạn xạ để… được đi xe điện từ chùa trở về bãi đỗ xe (4-5km) còn đông đúc, bừa phứa, loạn xị ngậu hơn cả lúc lên. Nhiều người bị chen vỡ đồ đạc, máy ảnh rơi ra đất, phụ nữ trẻ bị xô đổ oe óe… thôi rồi! Lực lượng bảo vệ rất đông, nhưng việc của họ là ngăn người ta ùn ứ lại trước khu vực xếp hàng ra xe điện (thay vì cho tất cả những người có vé qua cổng, sang bên khu chờ xe điện đứng rộng rãi thoáng mát).
Người đàn ông bí ẩn đứng thu tiền ở… nhà vệ sinh nữ!
Đấy là chưa kể nạn ném tiền lẻ lên trống đồng khổng lồ của chùa Bái Đính còn quá nhiều (dù đã được báo chí kêu ca cảnh báo nhiều và đích thân một lãnh đạo Bộ VHTT&DL đã nói trên báo về chi tiết này, với cương quyết: Có thể sẽ phải bao bọc lớp kính bên ngoài trống đồng kể trên để tránh “rải thảm” tiền lẻ!); tiền cũng nhét hàng đống trong bụng Phật, trên ban thờ; cùng nhiều trò “mê tín” thiếu ý thức, thiếu văn hóa “độc nhất vô nhị” khác.
Chúng tôi cũng kịp ghi lại hình ảnh về việc ban quản lý cho người đàn ông mặt mày đầy “âm mưu”, không đeo biển, không quần áo đồng phục, cứ đứng trước cửa nhà vệ sinh nữ và… thu bộn tiền (riêng “đi tiểu” đã 2.000 đồng). Chị em xấu hổ, thắc mắc mãi mà chả ai thèm đoái hoài. Ban quản lý thiếu phụ nữ đến thế ư? Mà lại cho đàn ông vào khu nhà vệ sinh nữ đứng lù lù dòm dỏ thế? Hay đó là đối tượng xấu mạo danh thu tiền?
Tất cả những điều kể trên sở dĩ diễn ra là bởi cung cách tổ chức luộm thuộm, thiếu khoa học, thiếu tôn trọng người chiêm bái cảnh Phật.
Việc bố trí 2 “lô cốt” bán vé, với các nhân viên kém cỏi, luộm thuộm là nguyên nhân của sự lộn xộn