Chùa Bà Đanh trầm mặc nơi bến nước sông Đáy

Nguyên Phương |

(Soha.vn) - Chùa Bà Đanh hay còn gọi “Bảo Sơn Nữ”, tọa lạc trên một vùng đất tại thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Chùa Bà Đanh hay còn gọi “Bảo Sơn Nữ”, tọa lạc trên một vùng đất tại thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Chùa có diện tích khoảng 10ha, được xem là một trong những ngôi chùa đẹp và cổ kính nhất Hà Nam nói riêng và của miền Bắc nói chung, bởi ngôi chùa nằm ở vị trí là nơi sơn thủy hữu tình.

Chùa Bà Đanh nhìn từ cầu Cấm Sơn đẹp mê hồn, lung linh nơi bến nước sông Đáy

Cũng như bao ngôi chùa khác, chùa Bà Đanh thờ Phật, song ngoài tượng Bồ Tát còn có tượng Nam Tào, Bắc Đẩu, Thái Thượng Lão Quân và các tượng của tín ngưỡng Tứ Phủ, một tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Tương truyền rằng, nơi đây ngày xưa là một vùng đất rậm rạp, cây cối um tùm, vắng vẻ, cư dân thưa thớt và là vùng hay bị thiên tai ngập úng nên đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Người dân làng Đanh Xá chỉ biết cầu trời khấn Phật rủ lòng từ bi.

Sân chùa Bà Đanh tĩnh lặng và thâm nghiêm.

Một điều lạ về giấc mộng của già làng linh hiển một người con gái thục trang được đức Phật Man Nương phái về chăm nom vùng đất này. Từ đó vùng quê ấy mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Để nhớ công đức của vị thần nữ ấy, dân làng Đanh đã dựng nên ngôi đền thờ bà, sau này rước Phật về thờ và xây dựng nên ngôi chùa đặt tên chùa là Đức Bà làng Đanh, gọi tắt là chùa Bà Đanh, ngôi chùa tĩnh lặng và linh thiêng tọa lạc bên bờ sông Đáy.

Vào thế kỷ thứ 7, đây là một ngôi đền nhỏ thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Đến thời Lê Huy Tông (1675-1750), chùa được xây dựng đàng hoàng và to đẹp hơn. Khuôn viên chùa là một tổng thể bao gồm nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật với gần 40 gian nhà lớn nhỏ.

Tượng Phật trong chùa Bà Đanh.

Kiến trúc gỗ chạm khắc tinh xảo trong chùa.

Năm 1994 chùa Bà Đanh được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) cấp bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Năm 2007, UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch tiếp tục đầu tư tôn tạo và nâng cấp chùa Bà Đanh.

Hàng năm cứ vào mùa Xuân mới lễ hội chùa Bà Đanh đã được tổ chức với nhiều nghi thức và diễn xướng truyền thống cổ như lễ cáo yết, lễ mộc dục hay lễ rước Thành Hoàng làng cùng các trò chơi dân gian như: Bịt mắt đập niêu, đua thuyền trên sông, chọi gà… thu hút hàng ngàn du khách tới tham dự.

ây đào tiên (sau bức phù điêu) trăm tuổi trĩu quả trong khuôn viên chùa Bà Đanh.

Đến chùa Bà Đanh du khách ai cũng đắm say trước vẻ đẹp lung linh của một ngôi chùa cổ kính. Đứng trên cầu Cấm Sơn theo đường chim bay gần 100 mét là hình ảnh ngôi chùa Bà Đanh lung linh mờ ảo nơi bến nước sông Đáy hiền hòa.

Xe dẫn tới cổng chùa sẽ bị lạc trong hàng nhãn tăm tắp một con đường từ cổng dẫn vào đến sân trước của tam quan. Phía trong khuôn viên chùa có nhiều dãy nhà được thiết kế độc đáo cổ kính với nhiều đồ vật chạm trổ tinh xảo hiếm có. Phía sau đền Trình là bãi đã cổ.

Một điều thú vị là chính câu nói “vắng như chùa Bà Đanh” lại thành khẩu hiệu mời gọi du khách khắp cả nước tìm đến. Sư thầy ở chùa cho biết: “Nay chùa không vắng khách như câu cửa miệng của mọi người truyền tụng trong dân gian trước nữa. Nhiều hôm chùa đón đến hàng trăm khách đến hành hương. Có người đã đến nhiều lần… Cửa chùa luôn rộng mở đón du khách...”.

Du khách thập phương tìm đến chùa Bà Đanh.

Chùa Bà Đanh với đền Trúc, Ngũ Động Thi Sơn (núi Cấm), khu du lịch sinh thái Tam Chúc (Ba Sao), Bát cảnh Tiên cùng với hệ thống các bến thuỷ dọc dài sông Đáy từ ngã ba Hồng Phú, thành phố Phủ Lý sẽ hợp thành một tua du lịch “non nước hữu tình” giữa đường thuỷ và đường bộ đối với du khách mọi miền.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại